Đề án sữa học đường: Công khai, minh bạch để tránh trục lợi

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng việc triển khai chương trình sữa học đường là cần thiết, nhân văn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải được diễn ra công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Sự công khai minh bạch sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận từ phía phụ huynh.
Sự công khai minh bạch sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận từ phía phụ huynh.

Nhiều ý kiến trái chiều

Trước tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, ngày 8/7/2016, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Chương trình đặt ra 7 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng 1,5cm – 2cm ở cả trẻ trai và trẻ gái so với năm 2010.

Đây cũng là mục tiêu của chương trình Sữa học đường mà Hà Nội đang triển khai. Tuy nhiên, khi chương trình được đưa ra đã nhận được không ít ý kiến trái chiều.

Mặc dù thừa nhận sữa học đường là chương trình nhân văn và cần thiết thực hiện, song không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng, có phần e ngại. Nhiều phụ huynh muốn biết khi thực hiện chương trình sữa học đường thì liệu chất lượng sữa con họ uống có được đảm bảo, loại sữa con họ uống vào hàng ngày là sữa gì, doanh nghiệp nào cũng cấp, có đúng tiêu chuẩn hay không, giá sữa liệu có bị “khống” lên…?

Trước các băn khoăn trên, nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng sự công khai minh bạch sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận từ phía phụ huynh.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết việc thực hiện đề án sữa học đường là rất cần thiết. Tuy nhiên quá trình thực hiện cần phải làm sao để đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, tránh chuyện lợi ích nhóm.

Theo vị chuyên gia này, Chương trình được triển khai theo hình thức xã hội hoá, với sự tham gia đóng góp của 3 bên là nhà nước, gia đình và doanh nghiệp. Do vậy việc công khai minh bạch là hết sức quan trọng để bảo việc thực hiện chương trình có hiệu quả.

“Mà muốn công khai, minh bạch thì không còn cách nào khác là đấu thấu. Khi tổ chức đấu thầu thì thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, làm nghiêm túc trong mọi khâu từ khâu nhỏ nhất. Đừng làm theo kiểu hình thức rồi lại khẳng định “đúng quy trình””, ông Long lưu ý.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm, quá trình đấu thầu phải cho nhiều doanh nghiệp tham gia, doanh nghiệp trúng thầu phải là doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp nhất, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo cao tiêu chuẩn về kỹ thuật cũng như về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế quy định.

“Khi đấu thầu được công khai và đảm bảo thực chất thì sẽ bớt đi nỗi lo chuyện trục lợi”, ông Long nói và cho rằng quá trình thực hiện cũng cần được giám sát từ nhiều bên (cơ quan chức năng, báo chí, người dân…)

Trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cũng cho rằng đề án cần thiết nhưng căn bản nhất phải đi đúng định hướng của Chương trình là cải thiện dinh dưỡng, phát triển tầm vóc cho trẻ em. Nếu muốn làm được như vậy thì việc tổ chức đấu thầu phải hết sức công khai, minh bạch để có nhãn hiệu sữa cung cấp cho hơn 1,3 triệu học sinh tại Thủ đô đảm bảo chất lượng, an toàn và giám sát trách nhiệm của đơn vị cung ứng sữa.

Theo ông Trung, Chương trình tốt nhưng khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Thứ nhất cần giảm áp lực công việc cho thầy cô giáo, việc quản lý trẻ uống hết khẩu phần sữa nên giao cho Hội cha mẹ học sinh đảm nhiệm. Đối với các doanh nghiệp, không thể hỗ trợ riêng giá sữa mà còn phải hỗ trợ về kho bảo quản, vận chuyển, xử lý bao bì… Tất cả những yếu tố này, Hà Nội đã yêu cầu rõ trong hồ sơ mời thầu.

Giải đáp về những băn khoăn xung quanh chương trình sữa học đường, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến đã khẳng định, dù bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật cũng như về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra. Ngoài ra, đơn vị trúng thầu cũng phải có năng lực đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường.

11 doanh nghiệp tham gia đấu thầu

Được biết theo kế hoạch, ngày 1/10 vừa qua là ngày đóng thầu đề án "sữa học đường" của Hà Nội. Tuy nhiên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết sẽ lùi thời gian đấu thầu đến ngày 10/10 để các nhà thầu có thêm thời gian chuẩn bị.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc lùi thời gian đấu thầu xuất phát từ việc do bổ sung thêm một số nội dung nhằm làm rõ hơn các vấn đề vào hồ sơ đấu thầu. Vào n gày 10/10 tới, Hà Nội sẽ chính thức mở thầu để các đơn vị tham gia.

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nhận được hồ sơ tham gia đấu thầu của 11 đơn vị, tăng thêm 4 đơn vị so với công bố trước đây.

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra chiều 1/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, vừa qua có nhiều ý kiến xung quanh việc triển khai Đề án Sữa học đường, tuy nhiên ông cho rằng chủ trương là đúng đắn.

“Bây giờ làm thế nào tổ chức, triển khai đấu thầu, đặc biệt khi UBND với HĐND đã bàn tính hết chuyện kho để vào đâu, rồi giao sữa cho các cháu hàng ngày thế nào để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bây giờ ra triển khai thì phải hết sức lưu ý, kẻo chỉ một trường làm hỏng thôi thì như “con sâu làm rầu cả nồi canh”, mang tiếng cả thành phố”, ông Hải nói.

Nguyễn Khánh

Đề án sữa học đường: Công khai, minh bạch để tránh trục lợi - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm