Đề án phát triển công nghiệp sinh học: Hướng tới bảo vệ môi trường bền vững

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Đề án đặt mục tiêu phát triển công nghiệp sinh học theo hướng bền vững, thân thiện, tập trung vào kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ sinh học tiên tiến.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.

Đề án đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sinh học theo hướng bền vững, thân thiện, tập trung vào việc kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường. Đồng thời, tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của khu vực và thế giới.

Đề án tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ sinh học tiên tiến sản xuất các chế phẩm xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến.

Đồng thời, đề án cũng thúc đẩy phát triển tăng tối thiểu 10% doanh nghiệp sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học sử dụng trong xử lý chất thải và dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đề án phát triển công nghiệp sinh học: Hướng tới bảo vệ môi trường bền vững - 1

Phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, thân thiện (Ảnh: Freepik).

Bên cạnh đó, đề án hướng tới việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tập trung vào phát triển các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải.

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tăng cường tiềm lực nghiên cứu và thúc đẩy công nghiệp sinh học; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học bảo vệ môi trường và đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của công nghiệp sinh học trong bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, đề án tập trung phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong nước để sản xuất các chế phẩm sinh học có khả năng cạnh tranh trong xử lý môi trường, ưu tiên công nghệ tuần hoàn chất thải.

Đồng thời, đề án thúc đẩy doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ và phổ biến công nghệ sinh học hiện đại từ các nước tiên tiến trên thế giới trong xử lý chất thải ở quy mô công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.