ĐBSCL: Thất thu mùa nhãn Tết

Nhà vườn trồng nhãn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tiếc nuối khi giá nhãn tiêu da bò, nhãn long, nhãn tiêu quế đang đứng mức 17.500 -19.500đ/kg, cao hơn nhãn mùa nghịch khoảng 5.000đ/kg, nhưng lại không có trái để bán.

Ông Nguyễn Văn Các, nhà vườn canh tác 5 công nhãn long, ở ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) tiếc nuối: “Tết Nhâm Thìn bán được 30 triệu đồng, còn Tết Quý Tỵ này trắng tay rồi. Ngay lúc này, giá nhãn long đang được thương lái thu gom 17.500đ/kg thì nhãn tết Quý Tỵ phải trên 25.000đ/kg. Giá nhãn tăng cao nhưng vườn nhãn bị thất trắng là do lúc cây ra hoa gặp ngay lúc mưa, bão làm đỗ bông sạch”.

 

Theo các nhà vườn trồng nhãn huyện Kế Sách, giá nhãn tiêu da bò năm nay đang có mức kỷ lục gần 20.000đ/kg, thế nhưng nhiều vườn nhãn ở đây không có trái để bán vì bị bệnh chổi rồng càn quét cộng với lúc cây ra hoa ngay lúc mưa dầm không đậu được trái.
ĐBSCL: Thất thu mùa nhãn Tết

 

Có chung hoàn cảnh trên là gia đình ông Võ Văn Lực, ở ấp 4, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) khi nhìn những cây nhãn đang cho trái mà chặc lưỡi: “Phải chi mấy cây nhãn quanh nhà đừng bị bệnh chổi rồng thì bình quân thu phải trên 3 triệu đồng/cây/vụ trái”.

 

Ông Hồ Văn Hồng, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành (Hậu Giang) bộc bạch: “Trong 2 năm trở lại đây, nhất là năm 2012 vừa qua, giá nhãn trên thị trường đạt ở mức đỉnh điểm, dao động từ 15.000-20.000đ/kg. Giá càng cao thì càng làm cho nhiều nhà vườn nơi đây cảm thấy tiếc vì không có nhãn để bán do ảnh hưởng bệnh chổi rồng.”.      

 

Mặc dù dịch bệnh chổi rồng đang hoành hành, thế nhưng người trồng nhãn xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre do thạo kỹ thuật nên có nhiều vườn trồng nhãn nơi đây ít bị bệnh chổi rồng tấn công đã và đang hốt bạc.

 

Bà Nguyễn Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Nẫm cho hay: Tuy ở xã chỉ có khoảng 95ha đất trồng nhãn và ngay lúc này là mùa thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 17 tấn/ha, giá bán 17.500đ/kg, sau khi trừ chi phí nhà vườn thu lãi 70% trên giá bán trái.

 

Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn trồng nhãn tiêu quế ở huyện Châu Thành và Bình Đại (Bến Tre) cũng đang thắng lớn. Hiện các nhà vườn ở 2 huyện này đã và đang bán nhãn với giá 18.500 - 19.500đ/kg. Với năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, sau khi trừ chi phí nhà vườn thu gần 400 triệu đồng/ha, lãi ròng 80% giá trị bán. Đặc biệt, nhãn tiêu quế chưa bị bệnh chổi rồng tấn công nên chi phí ít hơn nhãn tiêu da bò.

 

Có chung niềm vui trên, ông Nguyễn Văn Phấn, ở ấp Phước Ngươn A, xã Long Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) khi 4 công nhãn hơn 10 năm tuổi đã được ông áp dụng kỹ thuật, chiến thắng bệnh chổi rồng, thu hoạch gần 8 tấn trái bán trong dịp tết này.

Hiện tại, ĐBSCL có trên 41.000 ha nhãn, bệnh chổi rồng trong thời gian qua đã làm giảm diện tích và sản lượng. Vĩnh Long, là địa phương có diện tích nhãn khá lớn với khoảng 9.840ha, chiếm 25% diện tích cây ăn trái. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh chổi rồng đã làm cho khoảng 250 ha nhãn bị đốn hạ, ngoài ra còn khá nhiều diện tích giảm năng suất từ 30-90% đã làm giảm sản lượng trái cung ứng thị trường. Chính cầu vượt cung đã kéo giá nhãn trong vòng hai tháng qua tăng từ mức giá 12.000đ lên gần 20.000đ/kg.

 

Nhiều chủ vựa thu mua nhãn xuất khẩu sang Trung Quốc ở khu vực Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho rằng, thời gian qua, nhãn tăng giá là do thị trường Trung Quốc đang ăn hàng mạnh, nguồn cung thiếu nên giá đã được đẩy lên.

 

Theo Hậu Giang Online