Đầu tư vàng ngắn hạn lúc này là cực kỳ mạo hiểm

(Dân trí) - Thời gian gần đây, đôla Mỹ lên giá, các đồng tiền khác bị mất giá. Ngược lại do tác động của việc đôla Mỹ lên giá, giá vàng bị mất giá mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán từ nay đến cuối năm giá vàng có thể còn tiếp tục giảm chưa thể phục hồi.
Đầu tư vàng ngắn hạn lúc này là cực kỳ mạo hiểm

Nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng khó phục hồi đến cuối năm (Ảnh minh họa)

Do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế, tiền tệ thế giới năm 2008, giá vàng thế giới biến động mạnh. Đỉnh điểm là ngày 22/8/2011 giá vàng tăng lên 1912 USD/oz. Giá vàng thế giới ngày 9/12/2011 vẫn ở mức cao 1.712 USD/oz, nhưng những ngày sau đó liên tục bị giảm giá, ngày 16/12/2011 chỉ còn 1.589 USD/oz, ngày 28/3/2012 giá vàng mua bán giao ngay ở mức 1.681 USD/oz, ngày 15/5/2012 giá vàng giảm xuống 1.561,55 USD/oz, ngày 16/5/2012  giá vàng giảm xuống còn 1.535,5 USD/oz. Từ ngày 22/8/2011 đến nay giá vàng đã giảm 24,51%.

Việc giá vàng giảm trong khi nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn là điều bất ngờ lớn với nhiều người. Xét ở góc độ thực tiễn và lý luận, giá vàng giảm là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên những diễn biến của giá vàng gần đây cho thấy tính chất phức tạp của thị trường tiền tệ và thị trường vàng quốc tế.

Lâu nay giá vàng thường đi ngược lại xu thế diễn biến của đồng đôla Mỹ, đôla Mỹ lên giá thì giá vàng hạ và ngược lại.

Gần đây chỉ số đồng đôla Mỹ có lúc đã tăng trên 80 điểm, đạt mức cao nhất trong nhiều tháng qua, trong khi đó đồng Euro bị mất giá xuống mức 1,27 USD/Euro vào ngày 16/5/2012, Đôla Úc, Đôla Canada, Fran Thụy sĩ, Bảng Anh cũng bị mất giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá các ngoại tệ gần đây biến động mạnh là do các nhà đầu tư hoài nghi về kết quả cuộc họp của lãnh đạo các nước khu vực đồng Euro, cho đến nay chưa có một chính sách cụ thể nào được đưa ra, các nước này chưa có thái độ kiên quyết để xử lý các khó khăn về nợ công, tài chính, ngân hàng.

Việc cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) gần đây công bố các chỉ tiêu kinh tế lạc quan, chưa cần thực hiện các gói hỗ trợ định lượng, giúp cho đồng đôla Mỹ mạnh lên. Gần đây giá vàng thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua là do đồng đôla Mỹ lên giá và các nhà đầu tư đẩy mạnh thanh lý các tài sản rủi ro sau khi tình hình chính trị Hy lap bế tắc có thể làm cho nước này bị vỡ nợ.  

Việc các nhà đầu tư lựa chọn đôla Mỹ thay thế vàng trở thành vịnh tránh bão còn do đôla Mỹ là đồng tiền dự trữ quốc tế, có tính thanh khoản cao. Năm 2008 khi kinh tế Mỹ và thế giới suy thoái, đôla Mỹ không bị mất giá mà còn lên giá mạnh so với các ngoại tệ khác. Hiện tượng này được các chuyên gia giải thích: Trong cuộc thi chạy, nếu các vận động viên đều bị ốm yếu, vận động viên nào ốm ít hơn sẽ thắng và về đích trước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Trong ngắn hạn, từ nay đến cuối năm, giá vàng chưa thể phục hồi.Trong trung hạn giá vàng có thể vẫn giảm, dự đoán năm 2012 giá vàng sẽ giảm xuống dưới mức 1.500 USD/oz. Nhiều người lo ngại cho rằng thời kỳ giá vàng tăng đang bước vào giai đoạn cuối, vàng không còn hấp dẫn như trước nữa.

 Báo mạng kinh tế Trung quốc (ce.nn) nhận định giá vàng đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng lại đây, điều này khiến nhiều người nghĩ đến việc giá vàng tăng, giảm theo chu kỳ 10 năm có thể lặp lại.

Đợt tăng giá vàng thứ nhất: Tháng 8/1971, Mỹ tuyên bố xóa bỏ chế độ bản vị vàng, thực chất là xóa bỏ quy định mức tỷ giá cố định giữa vàng và đôla là 35 USD/oz làm cho giá vàng tăng liên tục và đến tháng 1/1980, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và tình hình lạm phát trầm trọng, giá vàng đã đạt mốc kỷ lục 850 USD/oz. Các năm sau đó, nền kinh tế thế giới phục hồi giá vàng đã giảm mạnh, trong năm 1999 giá vàng giảm xuống còn 250 USD/oz.

Đợt tăng giá vàng thứ hai: Giá vàng thấp nhất trong năm 2001 là 253,55 USD/oz, đến cuối tháng 8/2011 do ảnh hưởng cuộc suy thoái kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công các nước châu Âu, giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục 1.912 USD/oz. Từ tháng 10/2011 lại đây giá vàng liên tục hạ thấp, ngày 24/2/2012 là 1.773,6 USD/oz, ngày 27/3/2012 là 1.684 USD/oz và hiện nay duy trì ở mức 1.681 USD/oz.

Ông Paul Bloxham chủ tịch ngân hàng HSBC cho rằng trong dài hạn bắt đầu từ cuối năm 2012, giá vàng có thể giảm xuống 1.500 USD/oz do nền kinh tế thế giới có khả năng phục hồi. Thậm chí có ý kiến cho rằng: Việc giá vàng giảm mạnh trong thời gian qua là do khi thấy giá vàng bị đẩy lên quá giá trị thực của nó, các nhà đầu cơ đã từ bỏ vàng, do đó giá vàng rơi xuống mức 1.600 USD/oz là mốc đánh dấu sự tan vỡ của bong bóng vàng. Khi xuống dưới ngưỡng tâm lý này, giá vàng có thể giảm 1.400, 1.200 và thậm chí là 1.000 USD/oz.

Có 2 khả năng xảy ra:

Thứ nhất: nếu Mỹ và các nước châu Âu không sử dụng các giải pháp hỗ trợ định lượng làm tăng thanh khoản trên thị trường, nếu lạm phát các nước không trở nên trầm trọng và nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi thì giá vàng thế giới có thể xuống tới mức các chuyên gia kinh tế đã dự đoán.

Thứ hai: nếu kinh tế Mỹ và các nước châu Âu chưa thể phục hồi, đồng Euro sụp đổ, căng thẳng về chính trị giữa Mỹ và I ran không được giải quyết dẫn đến xung đột, cuộc đại suy thoái kinh tế xảy ra thì giá vàng có thể sẽ thăng thiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng thứ nhất xảy ra lớn hơn khả năng thứ hai vì Mỹ và các nước châu Âu không muốn nền kinh tế của mình bị sụp đổ.

Từ những diễn biến trên cho thấy giá vàng trong thời gian tới có thể có những biến động mạnh, việc lựa chọn kênh đầu tư vàng làm nơi trú ẩn an toàn trở nên mạo hiểm đặc biệt là khi giá vàng giảm sâu, các nhà đầu tư ngắn hạn cần hết sức cảnh giác, không nên tham gia thị trường vàng để hạn chế rủi ro. 

TS Phí Đăng Minh
Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN