Dự án "trọng điểm" vốn 10.000 tỷ đồng trở lên vẫn phải do Quốc hội quyết

(Dân trí) - Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành ở mức 10.000 tỷ đồng thay vì điều chỉnh gấp đôi lên 20.000 tỷ đồng.

Dự án trọng điểm vốn 10.000 tỷ đồng trở lên vẫn phải do Quốc hội quyết - 1

Toàn cảnh phiên họp.

Sáng ngày 3/6, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Trước đó, sáng ngày 28/5 vừa qua, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về các nội dung dự án Luật này.

Theo đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên các tiêu chí về tổng mức đầu tư trong phân loại các dự án như quy định của Luật hiện hành. Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, đây là nội dung còn ý kiến khác nhau và mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 phương án.

Trong đó, phương án 1 đề xuất giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành vì: Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc.

Ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án. Thêm vào đó, trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, xin giữ quy định của Luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C.

Phương án 2 đề xuất điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành.

Lý do nhằm điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án lên cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án; mức vốn 10.000 tỷ đồng để xác định dự án quan trọng quốc gia được áp dụng từ năm 1997 theo Nghị quyết 05/NQ-1997-QH10 và được quy định tại Luật đầu tư công (năm 2014) là 10.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, cần điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng.

Biểu quyết bằng hệ thống điện tử, đã có 367/429 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với phương án 1 (chiếm 75,83% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 57/429 đại biểu tham gia biểu quyết không tán thành với phương án 1 (chiếm 11,78% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 01, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội.

Liên quan tới nội dung này, thảo luận tại Quốc hội trước đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) khẳng định: Mức vốn 10.000 tỷ đồng không bất cập. Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ đồng có thể không còn dự án nào trình Quốc hội.

"Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý. Hơn nữa trình Quốc hội sẽ có ngay mức vốn và chắc chắn được bố trí đủ vốn; có ngay các chính sách đặc thù....", ông Hàm nói.

Ông Hàm cho hay, mức 10.000 tỷ đồng giai đoạn trước là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Vì thế, sẽ là hợp lý nếu giai đoạn trước mức vốn để xác định tiêu chí dự án quan trọng Quốc gia chỉ là 5.000 - 6.000 tỷ đồng và mỗi một giai đoạn 5 năm có khoảng 2 đến 3 dự án trình Quốc hội. Và bây giờ tính thêm tăng trưởng, trượt giá, dự báo cho tương lai, đưa lên 10.000 tỷ đồng là phù hợp.

"Thực ra mức 10.000 tỷ đồng cũng đã là cao so với quy mô chi đầu tư hàng năm của ngân sách trung ương, không tính bổ sung cho địa phương thì chỉ hơn 80.000 tỷ đồng", đại biểu Hàm lưu ý.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, qua giám sát của Ủy ban Kinh tế, việc chậm triển khai giải ngân các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội phê chuẩn là vướng ở chỗ thẩm quyền phê duyệt, chứ không phải ở mức bao nhiêu.

“Ví dụ như dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên từ dưới mức nhóm A lên dự án trọng điểm quốc gia thì quá trình chuyển lên ai chịu trách nhiệm phê duyệt? UBND TPHCM hay Chính phủ trình phê duyệt? Ở hai nhiệm kỳ Quốc hội chúng ta mới duyệt có 2 dự án, có vướng gì đâu”, đại biểu viện dẫn.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) lưu ý, vấn đề cần mổ xẻ ở đây là đầu tư công thời gian vừa qua chậm do vướng quy định của pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu.

“Nếu do vướng về mặt pháp luật thì mổ xẻ để sửa luật, nhưng nếu do khâu tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự tập trung thì phải điều chỉnh ở khâu này”, bà nói.

Phương Dung