Đầu tư bằng vốn ngân sách, Hà Nội bằng 10 bộ ngành cộng lại
(Dân trí) - Hai tháng đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào Hà Nội bằng tổng vốn đầu tư của cả nước cho 10 bộ ngành cộng lại - Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho biết.
Theo đó, trong hai tháng đầu năm 2016, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước dành cho Hà Nội đạt 3.234 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho các tỉnh.
Số vốn này gần bằng tổng vốn ngân sách đầu tư cho 10 bộ ngành cộng lại (3.479 tỷ đồng), trong đó có các bộ có vốn đầu tư lớn như: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và đào tạo, Xây dựng...
Trong năm 2015, Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu về đầu tư của ngân sách Nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, địa phương này đã hấp thụ nguồn vốn hơn 21.700 tỷ đồng, hơn tổng vốn ngân sách trung ương đầu tư cho 10 bộ ngành đứng đầu như Bộ GTVT, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giáo dục - Đào tạo, Công Thương, Đầu tư... (15.700 tỷ đồng); chiếm 12,2% tổng vốn ngân sách Nhà nước phân theo địa phương.
Trong khi nguồn vốn đầu tư hấp thụ cao nhưng thu của Hà Nội đóng góp vào tổng nguồn thu của ngân sách Nhà nước năm 2015 khá khiêm tốn. Cụ thể, năm 2015, thu ngân sách của Hà Nội đạt 146.000 tỷ đồng, chiếm 14% tổng thu cả nước.
Trong khi đó, TP.HCM chỉ được ngân sách Nhà nước đầu tư hơn 18.800 tỷ đồng trong năm đã đóng góp hơn 280.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách cả nước, chiếm gần 30% nguồn thu.
Hiện, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước được xem là vốn đầu tư công phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển địa phương, bộ ngành và chi thường xuyên cho bộ máy hành chính. Chi đầu tư NSNN cho các bộ, ngành và địa phương được lấy từ khoản thu từ NSNN. Chính vì vậy, việc Hà Nội và TP.HCM cùng 10 bộ ngành đứng đầu về số vốn đầu tư từ NSNN ảnh hưởng lớn đến đầu tư công, gánh nặng nợ quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quy mô chi NSNN năm 2015 ước tăng trên 70% so với năm 2010. Tỷ trọng tổng chi NSNN so GDP giảm dần từ mức trên 30%GDP năm 2010 xuống khoảng 26%GDP năm 2015.
Năm 2015, giá dầu thô giảm mạnh so với dự toán thu, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ các nước vào Việt Nam bị cắt giảm, xóa bỏ theo các hiệp định tự do thương mại song và đa phương khiến áp lực đổ dồn lên cơ cấu nguồn thu của NSNN. Cùng với áp lực tăng chi lớn, dẫn đến cân đối NSNN khó khăn; bội chi NSNN phải duy trì ở mức cao, dư nợ công tăng nhanh, đòi hỏi có giải pháp phù hợp để giảm dần trong giai đoạn tới.
Nguyễn Tuyền