1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Đau tim" với màn co giật của chỉ số phiên đáo hạn phái sinh

Mai Chi

(Dân trí) - Mặc dù phần lớn nhà đầu tư đều đã quen với những biến động lớn của thị trường khi đến phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh, song diễn biến hôm nay thực sự rất gay cấn và gây căng thẳng.

Nhìn đồ thị VN30-Index và VN-Index trong mấy chục phút cuối của phiên giao dịch hôm nay, nhiều nhà đầu tư hẳn sẽ cảm thấy phần nào sự gay cấn, giao tranh mạnh mẽ giữa bên mua và bên bán khi chỉ số chính tiệm cận ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm. Hơn nữa, đây cũng là phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh.

Đau tim với màn co giật của chỉ số phiên đáo hạn phái sinh - 1
Đau tim với màn co giật của chỉ số phiên đáo hạn phái sinh - 2

VN-Index và VN30-Index "co giật" rất mạnh cuối phiên chiều (Ảnh chụp màn hình).

Với tình trạng rung lắc mạnh, nhiều mã cổ phiếu "đổi màu" phút chót trên bảng điện tử do nhà đầu tư lo ngại có thể sẽ có biến động mạnh trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC).

Đóng cửa, VN30-Index tăng 9,63 điểm tương ứng 0,79% lên 1.235,25 điểm với 21 mã trong rổ VN30 tăng giá, chỉ có 7 mã giảm. Trong khi đó, sàn HoSE có 247 mã giảm so với 197 mã tăng trong khi chỉ số VN-Index vẫn tăng 4,33 điểm tương ứng 0,36% lên 1.198,47 điểm. Điều này cho thấy, áp lực chốt lời ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khá lớn.

HNX-Index giảm nhẹ 0,77 điểm tương ứng 0,27% còn 288,09 điểm và UPCoM-Index tăng 0,24 điểm tương ứng 0,27% lên 89,12 điểm.

Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên hôm qua, phần nào phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi chỉ số đã đi vào vùng cản, hơn nữa, giao dịch của thị trường ở phiên đáo hạn phái sinh thường mang đến nhiều bất ngờ sau 14h.

Ở phiên này, dòng cổ phiếu bán lẻ, hàng tiêu dùng hút dòng tiền trở lại và phần lớn được khối nhà đầu tư ngoại mua ròng. MWG tăng 4,7%; SAB tăng 3,3%; MSN tăng 2,4%. Một số mã khác có diễn biến tương đối tích cực là CTG, HPG, TCB, ACB, GAS, VRE, HDB.

Nhìn chung, cổ phiếu ngân hàng giữ nhịp khá tốt trong phiên hôm nay và đây cũng là lý do giúp chỉ số neo trên vùng tham chiếu. ABB tăng 3,8%; LPB tăng 3,5%; PGB tăng 3%; KLB tăng 2,1%; VBB tăng 1,9%; CTG tăng 1,7%; ACB tăng 1,4%...

Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính ngược lại bị chốt lời khá mạnh. FTS giảm 3,3%; ORS giảm 3,2%; APG giảm 3,2%; VDS giảm 3%; HCM giảm 2,7%; VIX giảm 2,2%; BCG giảm 2%; VCI giảm 1,9%... Áp lực bán tăng tại nhóm cổ phiếu này có thể một phần xuất phát từ việc các công ty chứng khoán vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý II không mấy khả quan, nhiều đơn vị thua lỗ chủ yếu do hoạt động tự doanh kém hiệu quả trong bối cảnh thị trường lao dốc kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Cổ phiếu ngành xây dựng vật liệu cũng bị ảnh hưởng bởi áp lực chốt lời ngắn hạn. Nhiều mã như CTD, FCN, TCD, HHV, PC1, VCG trong phiên được giao dịch ở mức giá "xanh" thì cuối phiên lại đóng cửa giảm. CIG giảm sàn, C47 giảm 3,6%; HBC giảm 3,1%; CTD giảm 3%; FCN giảm 2,6%; TCD giảm 2,6%; HHV giảm 2,5%.

Dòng bất động sản phân hóa. Trong khi VRC tăng trần, DIG tăng 5,7%; DXG tăng 2,8%; D2D tăng 2%; CKG tăng 1,1%; NLG tăng 1,1%; VRE tăng 1% thì HQC,NBB, HTM, HAR, SZL, FLC bị bán khá mạnh, giảm từ 2% đến 4%.