Đầu cơ vàng và “Nhân vật của năm 2011”
(Dân trí) - Vào thời điểm mà ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng nhà nước được độc giả của một tờ báo mạng bầu chọn là “Nhân vật của năm 2011”, nạn đầu cơ vàng lại tái hiện.
Nhìn lại hơn 4 tháng thực thi chức trách của “Nhân vật của năm”, Quốc hội sẽ có thêm nhiều câu hỏi để đa dạng hóa nội dung chất vấn.
Trùng hợp
Vào ngày 15/12/2011, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã được độc giả của một tờ báo bình chọn là “Nhân vật của năm 2011”.
Một hiện tượng có tính trùng hợp là cũng cùng thời điểm trên, nạn đầu cơ vàng lại tái diễn. Gần tương tự như khoảng thời gian tháng 8/2011, hoạt động đầu cơ này được phản ánh trong xu thế thị trường giá xuống, với giá vàng trong nước chênh cao hơn giá vàng quy đổi của thế giới từ 3-3,2 triệu đồng/lượng.
SJC – công ty kinh doanh vàng độc quyền, chiếm đến 80% thị phần kinh doanh vàng miếng và được xem là “cậu ấm” dưới bàn tay bảo bọc của NHNN, cùng với lợi ích nhóm của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng khác, đã lại một lần nữa làm cho không ít người dân bị thiệt thòi thông qua hoạt động niêm yết giá vàng.
Qua phản ánh của báo giới, để che giấu cái giá “cắt cổ” của mình, nhiều doanh nghiệp vàng đã sử dụng một số tiểu xảo như niêm yết giá vàng thế giới ở mức quy đổi cao hơn thực tế, hoặc niêm yết sai hẳn giá vàng quốc tế.
Kết quả là thay vì có thể mua giá vàng trong nước chỉ ở mức 40-41 triệu đồng/lượng, nhiều người dân thiếu hiểu biết, mà trên hết là làn sóng ồn ào gom vàng theo tâm lý bầy đàn, đã tự nguyện “cống hiến” cho các cửa hàng vàng tại mức giá 43 triệu đồng/lượng hoặc hơn thế.
Những từ ngữ mang tính tượng hình ở cấp độ cao như “đổ xô mua vàng” đã cho thấy khá đầy đủ ngữ nghĩa về một dạng tâm lý hoàn toàn thiếu kiên định của khách hàng mà do đó hoàn toàn có thể trở thành mồi ngon cho “cá mập vàng”.
Tuy nhiên trong ngày 15/12, đã không hề có một văn bản cảnh báo nào của NHNN cho người dân về hiện tượng đuổi mua vàng giá cao.
Bản chất bất biến
Cần nhắc lại, tháng 8/2011 là thời gian cao điểm của hoạt động đầu cơ vàng, với biểu hiện “tiêu biểu” nhất của nó là độ chênh cao của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới có thời điểm nhảy lên đến 5 triệu đồng/lượng.
Vào cuối tháng 8/2011, trong bối cảnh giá vàng thế giới đã tạm dừng ở vùng 1.900 USD/oz, giá vàng trong nước đáng ra chỉ tương đương khoảng 44-45 triệu đồng/lượng thì đã dựng dứng lên 48,5-49 triệu đồng/lượng.
Hình thái có thể thay đổi, nhưng bản chất dường như bất biến. Cũng như sự tái hiện không ít lần của lịch sử vào thời gian cuối năm 2009 và cuối năm 2010, lịch sử lại một lần nữa được tái hiện – bởi “bàn tay vô hình” thao túng thị trường vàng và dĩ nhiên cũng bởi sự đóng góp đầy “thiện nguyện” của các nhà đầu tư vàng nghiệp dư.
Hệ quả không tránh khỏi và mặc nhiên được thừa nhận của cơn sốt song ánh trên là chỉ sau khi SJC cùng với một số doanh nghiệp vàng đã xả đến hơn hai chục tấn vàng với giá cao chót vót cho những người theo chủ nghĩa đám đông, NHNN mới phát đi lời khuyến cáo về sự nguy hiểm của đầu cơ vàng.
Thời điểm phát hành bản khuyến cáo quá muộn màng của NHNN như thế đã lần đầu tiên làm giới phân tích trở nên hoài nghi, còn người dân thì vỡ mộng đối với kỳ vọng về cung cách quản lý thị trường vàng của tân thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ đem lại ít ra một sắc thái nào đó sâu sắc hơn.
Nhưng ở một khía cạnh khác, ý nghĩa sâu sắc đã được thể hiện một cách lộ liễu và thách thức. Cơ sở của chiều sâu này đến từ độ chênh cao gấp 10 lần so với “tiêu chí” mà ông Nguyễn Văn Bình nêu ra khi mới nhậm chức thống đốc NHNN: chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là có dấu hiệu đầu cơ.
Chỉ cần căn cứ vào lời “phủ dụ” trên của ông Bình, người ta đã hoàn toàn dễ dàng nhận ra rằng sau hơn 4 tháng nhậm chức và điều hành trên cương vị trọng trách về quản lý thị trường vàng của ông, nạn đầu cơ vàng vẫn còn nguyên những hàm ý sâu sắc của nó – liên quan đến những biến tướng về hình thể và không hề thay đổi về bản chất.
Thậm chí, với tín hiệu “bật đèn xanh” của NHNN và trong xu thế lao dốc của vàng thế giới trong thời gian tới, hoạt động đầu cơ có thể vẫn sẽ diễn ra một cách đầy hoạt náo với giá vàng trong nước luôn treo cao hơn hẳn giá vàng thế giới .
Sẽ còn bao nhiêu người dân bị thiệt thòi do “dân trí kém”?
Những câu hỏi cho “Nhân vật của năm 2011”
Trở lại với kết quả bình chọn “Nhân vật của năm 2011” đã đề cập ở phần trên, nếu quả thực Nguyễn Văn Bình “xứng đáng là Nhân vật của năm trong lòng gần 90 triệu người dân Việt Nam”, thì một câu hỏi mà người dân ở đất nước này đặt ra từ khi ông Bình nhậm chức đến nay là vì sao NHNN đã không có một động thái cương quyết nào trong việc ra tay dẹp loạn nạn đầu cơ trên thị trường vàng, điều trái ngược với thị trường lãi suất huy động và cả với thị trường ngoại tệ?
Quả đáng kinh ngạc khi lần đầu tiên từ nhiều năm qua, NHNN đã chỉ đạo kiên quyết đến thế trong việc xử lý những tổ chức tín dụng vi phạm trần lãi suất huy động 14%/năm. Hàng loạt biện pháp chế tài thật sự cứng rắn đã được tung ra áp dụng, kể cả sẵn lòng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức và cá nhân vi phạm, để suốt thời gian qua đã mang lại một kết quả không ngờ về tính nghiêm minh của chế độ.
Còn trên thị trường ngoại tệ, vào cuối tháng 11/2011, Thanh tra NHNN đã tiến hành xử lý đối với một loạt tổ chức vi phạm. Ngay cả FPT, một trường đại học có “thần thế” cũng đã bị phạt đến 500 triệu đồng do đã thực hiện niêm yết học phí các khóa đào tạo theo chương trình liên kết với nước ngoài bằng Đôla Mỹ.
Đến đây, người dân lại có điều kiện đi vào chiều sâu của vấn đề: nếu FPT bị xử lý chỉ do lỗi vi phạm về niêm yết giá, tại sao các doanh nghiệp vàng lại không hề bị thanh tra NHNN đụng chạm trong khi giá niêm yết của họ đã trở thành một hệ thống đầu cơ?
Những động thái về nhận thức và xử lý vấn đề của NHNN cũng đang làm cho người ta thật sự hoài nghi vào “thiện chí” của cơ quan này khi tung ra bản dự thảo về nghị định quản lý kinh doanh vàng, trong đó tập trung gần như toàn bộ cơ chế độc quyền về sản xuất, nhập khẩu và mua bán vàng miếng cho Công ty SJC.
Liệu một hình ảnh độc quyền được tái tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế có làm cho người dân dễ thở hơn không?
Và sự độc quyền đó sẽ dẫn đến đâu, với những ẩn ý và động cơ nào khác đằng sau Đề án thu gom vàng từ người dân mà NHNN đang trình lên Thủ tướng Chính phủ?
Những câu hỏi trên sẽ xứng đáng để Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của gần 90 triệu người dân Việt Nam – dùng để chất vấn “Nhân vật của năm 2011”.
Dũng Hà