Dấu ấn của Việt Nam trong thực hiện sáng kiến hợp tác hải quan khu vực ASEAN

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nằm trong xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế về hải quan, Hải quan Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực thực hiện các chương trình sáng kiến hợp tác trong khu vực ASEAN.

Trong thời gian qua, ASEAN đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến về hợp tác hải quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng. Nhóm làm việc về Kiểm soát và Tuân thủ Hải quan (Nhóm CECWG) đã xây dựng các chiến lược nhằm đạt được mục tiêu chung là an ninh thương mại toàn cầu và giải quyết tình trạng tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia và buôn bán bất hợp pháp ngày càng gia tăng bằng cách thúc đẩy hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong Nhóm CECWG cũng như duy trì quan hệ và hợp tác có lợi với các đối tác.

Là thành viên của Nhóm CECWG, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động, chương trình, sáng kiến về kiểm soát hải quan. Trong đó, nổi bật là triển khai và cập nhật thường xuyên, đúng tiến độ các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) giai đoạn 2021 - 2025 (gồm SPCD 8 - Kiểm tra sau thông quan; SPCD 9- Kiểm soát Hải quan và hỗ trợ lẫn nhau; SPCD 10 - An ninh Cộng đồng và Bảo vệ xã hội).

Dấu ấn của Việt Nam trong thực hiện sáng kiến hợp tác hải quan khu vực ASEAN - 1

Lực lượng chống buôn lậu Hải Đội 1 - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiểm tra hóa đơn, chứng từ tàu chở hàng thuộc vùng biển Quảng Ninh.

Ngoài chia sẻ thông tin về các vụ việc thực tế để xây dựng các Bản tin do Ban thư ký CECWG phát hành về kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, Hải quan Việt Nam cũng chia sẻ các hoạt động kiểm soát biên giới và hoạt động phối hợp hải quan chung giữa các thành viên của Nhóm CECWG. Cụ thể, Việt Nam tham gia khởi xướng, điều phối và thực hiện Chiến dịch Con rồng Mê Kông (OMD) - chuỗi chiến dịch hành động chung giữa các cơ quan Hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật khác của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chống buôn bán bất hợp pháp ma túy, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES.

Chiến dịch này do Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến, khởi động từ năm 2018 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á Thái Bình Dương (RILO AP -WCO). Chiến dịch đã triển khai thành công qua 5 giai đoạn và hiện bước đầu thực hiện giai đoạn 6, đánh dấu điểm nhấn của Hải quan Việt Nam trong việc chủ động hội nhập, hợp tác trong các vấn đề tăng cường kiểm soát chống buôn lậu và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Trong số 24 cơ quan thành viên tham gia chiến dịch có 10 cơ quan hải quan các nước Asean và một số đối tác Hải quan Asean như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia.

Tổng cục Hải quan cũng tích cực tham gia triển khai Chương trình phối hợp kiểm soát hải quan chung (JCC) - chương trình phối hợp kiểm soát, trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trong khu vực Asean dưới sự điều phối của Nhóm CECWG. Chương trình sẽ được thực hiện hàng năm dưới hình thức các chiến dịch kiểm soát các mặt hàng trọng điểm trên các tuyến vận chuyển trọng điểm theo lựa chọn của cơ quan Hải quan tình nguyện chủ trì chiến dịch sau khi nhận được đồng thuận của Ban thư ký Nhóm CECWG và các cơ quan thành viên tham gia.

JCC lần thứ nhất với tên gọi "STATIC" tập trung vào hoạt động ngăn chặn vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp thuốc lá đã được triển khai từ ngày 1/12/2023 đến ngày 31/12/2023 với sự tham gia của 10 cơ quan hải quan thành viên, trong đó có Hải quan Việt Nam.

Năm 2024, với cương vị là Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, Hải quan Việt Nam đã xung phong chủ trì JCC lần thứ 2, tập trung chia sẻ thông tin kiểm soát ma túy trên tuyến chuyển phát nhanh. Chiến dịch dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian 2 tháng sau khi được thống nhất tại cuộc họp Nhóm CECWG lần thứ 36 diễn ra tại Malaysia vào tháng 8/2024 tới.