Đất Hà Nội đắt đỏ, “đại gia” mang tiền sang thị trường tỉnh lẻ đầu tư
(Dân trí) - Tính nhộn nhịp, sôi động mua đi, bán lại trên thị trường của các nhà đầu tư, đầu cơ đã gần như không còn ở Hà Nội nữa. Hầu hết giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến các thị trường mới nổi tại các tỉnh lẻ trên cả nước, nơi có giá bất động sản đang ở mức thấp, có khả năng tăng giá sinh lời.
Đó là nhận định được đưa ra tại báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2018 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam.
Theo Hội môi giới bất động sản, đất nền tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu được quan tâm từ cuối 2016, tuy nhiên, đến đầu năm 2018 thì thị trường thực sự phát triển mạnh mẽ. Xuất hiện hiện tượng sốt đất tại một số các tỉnh phía bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… Các tỉnh thành này có sự điều chỉnh giá mạnh so với các năm trước đây.
Lý giải cho nguyên nhân này, có thể nói đến do giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức giá cao, tạo ra xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tại đây, doanh nghiệp sẽ dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn.
Tại Thành phố Thái Nguyên, Hội môi giới ghi nhận lượng cung ở các sản phẩm cả chung cư, biệt thự liền kề và đất nền. Theo thống kê có tới gần 3000 căn chung cư, gần 2000 nền đất và hoảng 400 căn biệt thực liền kề được chào bán. Tỷ lệ hấp thụ cũng tương đối lớn.
Tính chung 6 tháng đầu năm ghi nhận có 778 căn chung cư, 912 sản phẩm đất nền và 466 sản phẩm biệt thự, nhà liền kề được giao dịch trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Tại tỉnh Quảng Ninh, do bắt đầu vào mùa du lịch nên thị trường bất động sản quý II cũng đã có những khởi sắc hơn so với quý I. Số lượng giao dịch như thường lệ vẫn tập trung vào ba khu vực chính là Thành phố Hạ Long, Thành phố Móng Cái và Vân Đồn. Bên cạnh đó, những thành phố “mới” như Cẩm Phả, Uông Bí số lượng giao dịch đất nền cũng đang gia tăng.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, báo cáo cho biết có các dự án bất động sản với hơn 10.000 sản phẩm nhà ở liền kề được phát triển tập trung tại các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và các khu hành chính mới như: thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong.
Hội môi giới cũng cho rằng, thị trường bất động sản từ 2017 đến nay đã không còn là sự độc tôn của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang mà đã thấy sự sôi động trên hầu hết các vùng miền, lan tỏa cả đến những vùng sân xa hẻo lánh như Tây Nguyên, Tây Bắc…
“Tính nhộn nhịp, sôi động mua đi, bán lại trên thị trường của các nhà đầu tư, đầu cơ đã gần như không còn ở Hà Nội nữa. Hầu hết giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến các thị trường mới nổi tại các tỉnh lẻ trên cả nước, nơi có giá bất động sản đang ở mức thấp, có khả năng tăng giá sinh lời. Đây cũng là nguyên nhân làm giá bất động sản ở Hà Nội không tăng mạnh, thậm chí một vài phân khúc còn giảm", Hội môi giới nhận định.
Nguyễn Khánh