Đáp trả bất ngờ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về cáo buộc “giả chữ ký” và “cướp con dấu”
(Dân trí) - Sau hàng loạt phát ngôn liên quan đến ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên, hôm qua (17/8), bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục có chia sẻ “sốc”, khẳng định vợ chồng bà cùng sáng lập công ty, nhưng khi cổ phần hoá cần tối thiểu 3 thành viên nên thống nhất đưa tên bố mẹ ông Vũ vào làm cổ đông.
Con số được “ghi đại” với tỷ lệ sở hữu của ông Vũ (chồng) là 60%; bà Thảo (vợ) là 30% và bố mẹ chồng chung nhau 10%.
Những “dấu hỏi” về tài chính công ty
Sau 5 năm “ẩn cư trên núi” và hoàn toàn im lặng giữa sóng gió truyền thông, cuối ngày 13/8, “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ gặp mặt báo chí và có cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ liền.
Sự xuất hiện hiếm hoi này của ông Vũ được ông lý giải do cấp dưới của ông ở Trung Nguyên đang bị “tấn công, đe doạ, khủng bố” và để khẳng định là ông “đâu có bệnh gì” như lời đồn đại.
Ông Vũ xuất hiện ngay sau khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ ông, trưng loạt bằng chứng (một phần sao kê của 1 trong số hơn 20 tài khoản ngân hàng do Trung Nguyên sở hữu) cho rằng Trung Nguyên đang bị một nhóm truyền thông của Trung Nguyên “rút ruột” núp dưới danh nghĩa vì thiện nguyện, trách nhiệm xã hội. Số tiền chi sai của Trung Nguyên từ ngày 1/1/2015 đến 24/1/2017 theo những tài liệu mà bà Thảo đưa ra lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó có 300 tỷ đồng được rút ra để mua siêu xe "theo yêu cầu của chủ tịch".
“Doanh thu liên tục giật lùi, thế nhưng chi phí bán hàng, quản lý, truyền thông lại ngày càng tăng cao, những khoản chi vô lý và thiếu minh bạch ngày càng nhiều. Quá nhiều khuất tất cần được làm sáng tỏ” – vợ ông Vũ nêu quan điểm trên trang cá nhân.
Đồng thời, bà Thảo cũng đặt nghi vấn với kế hoạch tặng sách quy mô lên tới 5 tỷ USD mà Trung Nguyên rầm rộ công bố: “Thử làm phép tính, nếu 2 USD/cuốn sách thì với 200 triệu cuốn, tổng tiền cũng chỉ là 400 triệu USD. 5 tỷ USD so với 400 triệu USD – một con số chênh lệch kinh khủng và không thể tin được. Vậy số tiền chênh lệch gấp gần 10 lần kia sẽ đi về túi ai?”.
Trước báo chí, ông Vũ khẳng định, việc mua xe và dùng siêu xe để thực hiện hành trình tặng sách không ai khác chính là do ông quyết định. “Mình đi dạy người ta làm giàu mà mình không giàu thì nói ai nghe. Phải thể hiện ra ngoài”, ông Vũ quan niệm. Vị “thuyền trưởng” Trung Nguyên cho rằng, xe cộ là tài sản còn đó với doanh nghiệp. “Siêu xe thu hút báo chí, truyền thông và công chúng đến với hành trình tặng sách”.
Theo khẳng định của ông Vũ thì mặc dù ở trên núi nhưng ông biết hết mọi vấn đề tại Trung Nguyên. Song bà Thảo cho rằng, “khi nhóm quản lý càng cố gắng chứng minh anh Vũ minh mẫn thì cũng là lúc các âm mưu tự phơi bày”. Cho rằng điều tra không còn là việc của mình, bà Thảo cho biết sẽ chia sẻ những câu chuyện kinh doanh, những bài học xương máu, những khổ sở đớn đau khi bắt đầu khởi nghiệp và từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường.
“Trước tiên, tôi sẽ bắt đầu từ cái gọi là “giả chữ ký” và “cướp con dấu” của Trung Nguyên – những động từ được lựa chọn rất khéo để tung ra nhằm miêu tả tôi - người vợ luôn đau đáu vì gia đình và công ty của chính mình - như một người gian lận và ăn cướp… Tôi là đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên. Chẳng có lý do gì để tôi gian lận và ăn cướp tài sản của chính mình”, vợ ông Vũ phát biểu cứng rắn.
Cổ phần công ty được… “ghi đại”?
Theo như chia sẻ công khai của bà Thảo trên trang cá nhân vào trưa nay (17/8) thì năm 2008, bà cùng 3 người con đã sang Singapore và bắt đầu “tái khởi nghiệp”. Bà Thảo khẳng định đích thân bà đã cùng các cộng sự thành lập văn phòng tại Henderson Park, mở quán cà phê đầu tiên tại Terminal 1 ở sân bay Changi và đăng ký thành lập công ty Trung Nguyên Singapore (TNS), một mình đứng tên và chịu trách nhiệm với vốn khởi điểm là 50.000 đôla Singapore.
Việc này được bà thuật lại như sau: Năm 2009, bà Thảo khai trương quán tiếp theo tại Liang Court với sự có mặt của ông Vũ. Hai người hàn gắn và họ đưa các con về nước cùng tiếp tục quản lý Tập đoàn Trung Nguyên (TNG).
Năm 2010, bà Thảo mang bầu con út. Ông Vũ đề nghị bà nhập TNS vào TNG để thuận tiện quản lý, và bà Thảo cho biết, bà đã chuyển hết cổ phần tại TNS sang TNG.
Việc kinh doanh quốc tế khi đó rất thuận lợi, vốn điều lệ và cổ phần của TNS tăng lên nhanh chóng, từ 50.000 lên 7.528.000 đôla Singapore. Gia đình thuận hoà, những việc khó như quản lý tài chính, mua bán chuyển nhượng rất đơn giản.
Bà Thảo tiếp tục khẳng định, vợ chồng bà cùng sáng lập công ty, nhưng khi cổ phần hóa cần tối thiểu 3 thành viên nên thống nhất đưa tên bố mẹ ông Vũ vào làm cổ đông. Con số được “ghi đại” với tỷ lệ sở hữu của ông Vũ (chồng) là 60%; bà Thảo (vợ) là 30% và bố mẹ chồng chung nhau 10%.
“Với chúng tôi khi ấy, việc chuyển tiền hay cổ phần cho nhau giống như việc mình tự chuyển tiền của chính mình, từ túi phải qua túi trái vậy. Tôi chưa bao giờ tính toán với anh bất cứ điều gì”, bà Thảo trải lòng như vậy.
Trước đó, trong cuộc gặp báo chí gần đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nhắc tới chuyện bà Thảo giả chữ ký của ông để bán toàn bộ cổ phần của công ty ở Singapore là Trung Nguyên International với giá 1 đôla.
Vụ việc này đã được Tập đoàn Trung Nguyên đưa ra tòa án Singapore, tố cáo bà Lê Hoàng Diệp Thảo chuyển giao trái phép và gian lận hơn 7,52 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Trung Nguyên tại Trung Nguyên International sang cho bà Thảo vào tháng 7/2015. Không những thế, bà Thảo cùng hai người khác bị tố cáo gây thiệt hại cho Trung Nguyên 9,4 triệu USD; có hành động trộm cắp 15 con dấu của Trung Nguyên và các công ty con, công ty liên kết và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 16/10/2015.
Hiện tại, hồ sơ vụ kiện nói trên vẫn đang được Tòa án Singapore bảo lưu và chờ kết quả tố tụng tại Việt Nam.
Mai Chi