Khối tài sản nghìn tỷ của Trung Nguyên sẽ định đoạt thế nào?
Tham gia cuộc trò chuyện kéo dài 4 tiếng đồng hồ sau 5 năm “tịnh khẩu” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chiều ngày 13/8 tại Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên, có 6 nhà báo và 3 luật sư.
Phóng viên các báo Tiền Phong, Thanh Niên, Một Thế Giới, Zing... liên tục đưa ra các câu hỏi và chất vấn, còn 3 luật sư hỗ trợ ông Vũ cung cấp đầy đủ hồ sơ mang tính pháp lý cho những điều ông nói, và cả những vụ kiện tụng đang tiếp diễn căng thẳng giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ông Vũ cho biết cuộc ly hôn giữa ông và bà Thảo sẽ chính thức được đưa ra phân xử từ ngày 5/9/2018 sắp tới. Với 4 đứa con, gồm 2 trai đầu đang học bên Úc, 2 gái sau đang sống với mẹ; con cả 18 còn con út mới 8 tuổi, ông Vũ tôn trọng quyền lựa chọn của các con, dù mong muốn lớn nhất của ông là được nuôi cả 4 con, không yêu cầu cấp dưỡng. Nếu các con muốn theo mẹ, ông cũng đã trao đổi cặn kẽ với luật sư về cách chăm lo đầy đủ cho đến khi các con thật sự trưởng thành.
Nỗi buồn lớn nhất của ông Vũ là gia đình đành phải chia lìa
Cụ thể: Bà Thảo muốn chia cổ phần cho các con nhưng nếu cộng 50% cổ phần của bà Thảo với 20% cổ phần của 4 con thì bà Thảo sẽ thừa tỉ lệ sở hữu để chiếm quyền điều hành tập đoàn. Vì vậy ông Vũ muốn chia cho các con bằng cổ tức. Trước câu hỏi của báo Tiền Phong: Với ý định cải tổ và tái đầu tư lại tập đoàn, dự kiến nhiều năm kinh doanh không lãi, thì phần cổ tức các con ở đâu ra? Ông Vũ cho biết ông đã bàn kỹ với các luật sư, để bảo đảm các cháu luôn nhận được nguồn nuôi dưỡng hợp lý.
Làng cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột
Đại diện nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ, Ls Trương Thị Hòa cho biết do vụ kiện phức tạp, đặc biệt là phần phân chia khối tài sản hàng nghìn tỉ, cùng các thương hiệu, 9 công ty, chuỗi nhà máy của tập đoàn, nên mỗi bên đều có không dưới 5 luật sư tham gia tố tụng. Vì vai trò, công sức của mỗi bên trong việc xây dựng tập đoàn là yếu tố quyết định cho tỉ lệ phân chia, nên ai là người có vai trò sáng lập tập đoàn này đã được xem xét kỹ.
Theo hồ sơ thành lập, thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo không phải một trong 2 thành viên đồng sáng lập Trung Nguyên, như bà đã trả lời phỏng vấn nhiều báo đài, và đăng trên Fanpage Facebook cá nhân. Giấy phép kinh doanh đầu tiên được UBND TP Buôn Ma Thuột cấp cho Đặng Lê Nguyên Vũ mở “Trung Nguyên CAFE” được ký ngày 15/8/1996. Khi chuyển qua mô hình Hợp tác xã năm 1999, danh sách Ban quản trị vẫn chỉ có mỗi tên Đặng Lê Nguyên Vũ. Tháng 11/2000, HTX bổ sung ngành nghề kinh doanh mới có thêm tên ông Đặng Mơ là cha ruột ông Vũ.
Trung Nguyên có chuỗi cửa hàng nhượng quyền lớn cả trong và ngoài nước
Tháng 12/2002, Sở KH&ĐT Đắk Lắk cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên, với vốn góp 16 tỉ đồng của 2 thành viên vẫn là Đặng Mơ và Đặng Lê Nguyên Vũ. Bà Thảo kết hôn với ông Vũ năm 1998, nhưng tới tháng 4/2007 mới lần đầu có tên trong Giấy chứng nhận Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên với tỉ lệ góp vốn 10%.
Dàn siêu xe trên hành trình tặng sách xuyên Việt
Hiện tổng tài sản của tập đoàn cơ bản được chia thành 5 khối: 1, Các bất động sản đã có giấy tờ sở hữu đứng tên 2 vợ chồng, ông Vũ đồng ý theo cách định giá của bà Thảo, sẽ chia đôi. 2, Các bất động sản chưa hoàn tất thủ tục sở hữu: Để lại, chia sau. 3, Khối tiền bạc, đá quý, sổ tiết kiệm, ngoại tệ: Để lại chia sau. 4, Cổ phần trong 7 công ty con của tập đoàn: Đây là mảng tài sản phức tạp, gay cấn nhất trong phân chia, dù vẫn được Đại hội đồng cổ đông theo dõi, giám sát và Kiểm toán hằng năm. 5, Công ty CP TĐ Trung Nguyên tại Singapore.
Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng đã định giá xong các giá trị hữu hình, vô hình, quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu cà phê G7. Tất cả các khối tài sản này tổng giá trị lên tới vài nghìn tỉ đồng.
Theo Hoàng Thiên Nga
Tiền Phong