Đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp công nghệ cao
(Dân trí) - Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) đã đươc An Giang xác định là hướng đi mới của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Để đạt kết quả tốt về NNCNC và đi vào chiều sâu thì cần có sự đào tạo cho nguồn nhân lực để hiểu biết ứng dụng hiệu quả ở các hợp tác xã (HTX), nông trại và giúp người dân tăng hiệu quả trong sản xuất và hướng đến hàng hóa xuất khẩu.
Việc đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng NNCNC ở đây không phải phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, cũng không phải phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước… mà ngành nông nghiệp quan tâm nhất là đối tượng nông dân, trang trại và HTX. Trên tinh thần tiếp cận 4 cấp độ nguồn nhân lực để đào tạo đó là: Đào tạo nông dân và con em của nông dân, ở những cấp độ này đào tạo kỹ năng là chính bằng cách tổ chức đi tham quan các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Israel…còn trong nước thì tham quan học tập các tập đoàn lớn về sản xuất nông nghiệp như Vingroup để tận mắt tai nghe mắt thấy cách làm hiệu quả của họ.
Tiêu chí ban đầu đưa nguồn nhân lực đi đào tạo ở nước ngoài đối với con em nông dân trước hết đồi hỏi tuổi đời phải còn trẻ, có sức khỏe và biết tiếng ngoại ngữ của nước đó. Còn tiêu chí đào tạo về phục vụ quản lý cho HTX hay trang trại phải có trình độ đại học chuyên ngành nông nghiệp, có trình độ ngoại ngữ ban đầu, sẽ được bộ phận tuyển dụng phỏng vấn tuyển chọn. Chương trình này Sở NN-PTNT An Giang đã ký hợp tác với trường ĐH Cần Thơ và ĐH An Giang…
Ngoài ra một số trường hợp đưa con em nông dân đi lao động ở nước ngoài chủ yếu làm việc ở các trang trại lớn giúp các em có kỹ năng về sản xuất NNCNC khi về nước có vốn trong tay để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai. Đối tượng quản lý HTX cũng như cán bộ quản lý trang trại, các đối tượng này sẽ tuyển chọn các em đã tốt nhiệp đại học rồi, sẽ đưa đi học các lớp tu nghiệp sinh ở trong nước và nước ngoài trong thời gian học 1 năm. Các đối tượng này khi đào tạo xong đưa về phục vụ quản lý cho các HTX và các trang trại ứng dụng NNCNC.
Đối tượng thứ ba là đạo nhân lực vụ phục các cơ quan nhà nước như ở các phòng ban Sở ngành nông nghiệp, các huyện thị và các trung tâm. Đây là trường hợp đặt biệt đào tạo bài bản sau ĐH có liên kết với các trường ĐH nổi tiếng trong nước. Cuối cùng nguồn đào tạo các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp thông qua các học bổng nghiên cứu sinh và thạc sĩ ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực NNCNC nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi các chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp như sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tái cơ cấu nông nghệp, nông nghiệp thông minh, phát triển kinh tế hợp tác… trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, phát huy lợi thế của địa phương và phù hợp xu hướng phát triển quốc tế.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đi vào chiều sâu chất lượng, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng phù hợp vị trí việc làm, cải thiện hiệu quả công tác và kiện toàn lực lượng kế thừa. Xây dựng và phát triển nguồn tri thức khoa học, công nghệ cao, công nghệ hiện đại để đưa khoa học và công nghệ thật sự trở thành động lực cho yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp An Giang tương xứng vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT An Giang cho biết, trong năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) cho 22 cán bộ, công chức, viên chức; 30 cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn trong nước, đồng thời bồi dưỡng chuyên sâu về các lĩnh vực chuyên trách phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển ứng dụng NNCNC. 22 lượt cán bộ tuyến huyện, 156 cán bộ quản lý cấp xã và 156 lượt khuyến nông viên, nhân viên kỹ thuật cấp xã được tập huấn nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong nước. 100 lượt khuyến nông viên được bồi dưỡng, huấn luyện trong nước để nâng cao năng lực và tăng cường các kỹ năng phục vụ công tác khuyến nông.
Đối với nông dân trực tiếp SX, có 21.840 lượt nông dân được tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng thành tựu KHCN và phát triển kỹ năng SX hội nhập thị trường. Bên cạnh đó, có khoảng 60 khuyến nông viên và 60 người là quản lý, điều hành hoặc thành viên chủ chốt nông dân SX giỏi, nông dân khởi nghiệp, lao động trẻ được tham gia thực tập trong nước tại các khu NNCNC, các khu SX, ứng dụng của các DN NNCNC.
Riêng công tác đào tạo nước ngoài, có 80 cán bộ, công chức, viên chức và 120 người quản lý hoặc thành viên chủ chốt tại các tổ chức nông dân, lao động trẻ được đào tạo, tập huấn thông qua các chương trình tu nghiệp sinh, thực tập nông nghiệp, thực tập kỹ năng ở các quốc gia như: Israel, Nhật Bản và Úc…
Nguyễn Hành