Danh tính 126 tập đoàn lớn dịch chuyển sang Việt Nam trong vùng…bảo mật
(Dân trí) - Với việc kiểm soát tốt Covid-19, môi trường kinh doanh cải thiện, Việt Nam là 1 trong 10 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư và đã có 126 tập đoàn lớn muốn chuyển dịch và đầu tư.
Việt Nam lọt top 10 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư
“Tạp chí US News & World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư”.
Thông tin này được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại cuộc họp báo về Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Ông Dũng cho biết, thực hiện thành công Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước trong giai đoạn 2007 - 2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 thủ tục hành chính, cắt giảm 37,31% thủ tục hành chính tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Kết quả cải cách thủ tục hành chính góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới.
Cụ thể: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 - 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN.
Hơn 100 tập đoàn lớn trên thế giới đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam
Tiếp tục là một thông tin tích cực về nền kinh tế vĩ mô. Theo đó, tại cuộc tọa đàm giữa các Trưởng đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2020 - 2023 với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn, tổng công ty thành viên, diễn ra hôm 29/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết:
“Việt Nam đang là điểm sáng mà các quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đánh giá cao, thu hút các chuỗi chuyển dịch toàn cầu chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Qua rà soát từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiện có hơn 126 tập đoàn lớn đang chuyển dịch và muốn đầu tư vào Việt Nam”.
Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Việt Nam hiện đã ký được 13 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán để tiếp tục ký thêm 3 Hiệp định. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều Hiệp định thương mại tự do trong khu vực và liên khu vực.
Ở bối cảnh hiện tại, giữa lúc đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng đối với kinh tế thế giới có thể nói là lớn nhất từ năm 1933 đến nay, tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm thì kinh tế Việt Nam lại được ghi nhận có những tín hiệu tích cực.
Bảo mật danh tính hơn 100 “đại bàng” đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam
Trong một diễn biến có liên quan, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương xác nhận, từ đầu năm đến nay, Bộ này đã tiếp xúc với một số nhà đầu tư, tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến (do Covid-19) với các đối tác khu vực châu Á như Nhật Bản, Singapore hay Pháp, khu vực châu Âu.
“Qua các cuộc xúc tiến đầu tư cho thấy rất nhiều nhà đầu tư thế giới quan tâm tới việc đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt họ rất quan tâm và thích thú với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt, các nhà đầu tư này đã kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, quan tâm tới các dự án có quy mô lớn, thân thiện môi trường, công nghệ hiện đại” - ông Phương cho hay.
Với việc Thủ tướng cho phép mở một số đường bay quốc tế, cho phép các chuyên gia và nhà đầu tư tới Việt Nam trong bối cảnh kiểm soát được dịch Covid-19, kỳ vọng trong năm nay và năm 2021 sẽ có nhiều nhà đầu tư tới Việt Nam và hiện thực hóa các dự án.
Tuy nhiên, vì lí do bảo mật thông tin và giữ cho các nhà đầu tư trong kế hoạch sắp tới của mình nên Bộ KH&ĐT không thể nêu danh tính các nhà đầu tư này.
“Đây là sự tôn trọng của Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các thị trường và cạnh tranh giữa chính các nhà đầu tư với nhau” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Việt Nam phải có tư duy vượt lên, không đi theo
Tại Diễn đàn thường niên về “Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 với chủ đề: Việt Nam - Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19" diễn ra tại Hà Nội sáng nay (29/9), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay:
"Quy mô nền kinh tế hiện nay đã tăng hơn 40 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 100 USD trước năm 1990 lên gần 2.800 USD. Chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt".
Tuy nhiên, bên cạnh dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài. Do đó, trong trung và dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ lớn đặt ra cho Việt Nam.
Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược, các quyết sách cho tương lai phát triển của đất nước. Đặc biệt, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội đề cập ở trên, chúng ta nhất thiết cần có được tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm; phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau .
Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới.