Đánh thuế tài sản: Thu ít nhưng thu rộng sẽ hơn “đè cổ” dân thu cao, gây bức xúc

(Dân trí) - “Thu ít nhưng thu rộng sẽ thu được nhiều so với việc “đè cổ” người dân để thu cao mà không hiệu quả. Cao quá người ta sẽ tìm mọi cách để trốn...”, ông Phạm Sỹ Liêm nói với Dân trí khi đề cập tới đề xuất đánh thuế tài sản nhà đất...

Đánh thuế tài sản: Thu ít nhưng thu rộng sẽ hơn “đè cổ” dân thu cao, gây bức xúc - 1

Thu tất cả, nhưng với người nghèo chỉ “tượng trưng”

Đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất, nhà có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng của Bộ Tài chính tiếp tục nhận được nhiều quan điểm trái chiều.

Có ý kiến cho rằng đánh thuế tài sản là phù hợp, cần thiết nhưng cần tính toán lại thời điểm áp dụng và mức áp dụng. Cũng có quan điểm phản đối quyết liệt, cho rằng việc thu thuế này như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ gây bức xúc trong dân bởi đánh vào phần lớn những người thu nhập thấp.

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra một quan điểm khác. Ông Liêm cho rằng cần đánh thuế với tất cả các loại nhà nhưng theo kiểu “luỹ tiến”.

“Nhà nào cũng phải thu nhưng đối với người nghèo, thu nhập thấp chỉ thu ở mức tượng trưng thôi, khoảng vài chục nghìn một năm. Còn người giàu thì thu ở mức cao. Nếu anh ở biệt thự mấy chục tỷ thì anh phải chấp nhận đóng thuế nhiều hơn”, ông Liêm nêu quan điểm.

Giải thích chi tiết hơn, ông Phạm Sỹ Liêm nói: Bộ Tài chính đưa ra mức 0,4% nhưng trên thế giới họ hay sử dụng “phần nghìn”, tức là thuế suất cao nhất chỉ bằng phần nghìn giá trị tài sản, còn mức thấp “phần vạn” thôi.

“Nếu Việt Nam áp dụng cũng nên chia thành nhiều mức để có những ngôi nhà, thửa đất của người thu nhập thấp thì mức đóng chẳng đáng là bao, chỉ “vài phần vạn” thôi. Và theo tôi đắt nhất thì cũng chỉ ở mức 0,3-0,4%, tức là 3 hay 4 phần nghìn thôi chứ không thể cao hơn”, ông Liêm nêu quan điểm.

Chính vì vậy theo ông Phạm Sỹ Liêm, nhà trên 700 triệu đồng đã phải đóng thuế tới 0,4% như ý kiến của Bộ Tài chính là “quá cao, người dân chắc chắn sẽ phản đối”.

Vì sao thu thuế tài sản – Bộ giải thích chưa thoả đáng!

Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho biết, thuế tài sản được áp dụng ở nhiều quốc gia. Loại thuế này đóng góp nguồn quan trọng trong thu ngân sách, đặc biệt là ngân sách đô thị ở nhiều nước.

“Vì sao người ta phải đánh thuế tài sản, Bộ Tài chính đưa ra lý lẽ chưa thuyết phục khiến nhiều người không hiểu đúng bản chất của loại thuế này”, ông Liêm nhận định.

Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, thuế tài sản có 3 chức năng chính: Thứ nhất nó để phục vụ cho việc xác lập và bảo vệ tài sản của người dân.

Thứ hai, giá trị của một tài sản bất động sản một phần phụ thuộc vào bản thân tài sản, phần khác phụ thuộc vào chất lượng, số lượng hạ tầng phục vụ cho nó gồm điện đường, trường trạm…

“Tại sao ở trung tâm thì đắt hơn ngoại thành. Tại sao nhà ở gần hồ hay công viên lại đắt hơn… Trong khi đó, hạ tầng thì do nhà nước đầu tư, nếu không thu được thuế thì khó tái đầu tư. Do vậy việc thu thuế để phục vụ lại hạ tầng cho người dân là hợp lý”, ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, chức năng thứ 3 của sắc thuế này chính là vai trò điều tiết, phân phối và đảm bảo sự công bằng hơn trong xã hội. Do vậy trong quá trình thu, người giàu phải bị thu nhiều hơn để phân phối lại cho người nghèo trong lĩnh vực hạ tầng, nhà ở…

“Chính vì chức năng thứ ba này, như tôi nói ở trên phải có nhiều mức thuế để người nghèo, người thu nhập thấp chỉ phải chịu ở mức tượng trưng thôi. Còn chủ yếu là nhắm vào người giàu”, ông Liêm nói.

Thu thuế tài sản phải bỏ một số thuế khác, tránh "thuế chồng thuế"

Khi được hỏi về tác động loại thuế này đối với thị trường bất động sản, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng sẽ không gây nhiều biến động lớn.

“Thuế này ở các nước rất thấp nhưng do số lượng tài sản lớn dần mỗi năm nên thu được nhiều. Thu ít nhưng thu rộng thì thu được nhiều so với việc “đè cổ” người dân để thu cao mà không hiệu quả. Cao quá người ta sẽ tìm mọi cách để trốn, để né, cũng dễ làm người dân bức xúc”, ông Liêm nói.

Cũng theo vị này, cần xem xét thuế tài sản trong mối quan hệ với các loại thuế khác để tránh “thuế chồng thuế”. Hiện người dân vẫn phải đóng thuế đất phi nông nghiệp. Đây là tiền thuế phải đóng hàng năm khi sở hữu một căn nhà.

“Nếu có thuế tài sản thì phải bỏ thuế đất phi nông nghiệp đi”, ông Liêm nói.

Nguyễn Khánh

Đánh thuế tài sản: Thu ít nhưng thu rộng sẽ hơn “đè cổ” dân thu cao, gây bức xúc - 3