1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đánh thuế nhà ở “nhắm” vào… đầu cơ

(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, có thể không đánh thuế nhà ở với những người có “một nhà, một đất”, nhưng vẫn phải giữ lại nội dung đánh thuế nhà ở trong luật Thuế Nhà, đất với tinh thần nhắm trúng… những người đầu cơ.

Việc báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thuế nhà, đất “bỏ” nội dung đánh thuế nhà ở ra khỏi Luật đã làm “phật lòng” không ít đại biểu.
 
Đại biểu Vũ Hoàng Anh cho rằng, tình trạng đầu cơ đẩy giá nhà cao gấp nhiều lần so với giá hiện thực làm méo mó thị trường khiến cho nhiều người làm công ăn lương không đủ để mua nhà ở.
 
“Thực tế ở các thành phố lớn cho thấy mọi dự án xây nhà cao tầng chưa xây xong đã đăng ký hết số lượng căn hộ, nhưng người đăng ký mua lại không có nhu cầu sử dụng mà mua để đầu cơ và đa số là như vậy”, ông Hoàng Anh phân tích.
 
Từ thực tế trên, ông Hoàng Anh đề nghị, cần phải có các công cụ để điều tiết thị trường nhà ở, để đưa giá nhà về giá trị thực, tạo cơ hội cho nhiều người lao động có nhà ở. Một trong số các công cụ đó theo Hoàng Anh chính là thuế và đây cũng là công cụ có hiệu quả, có khả năng điều tiết cao thị trường nhà ở.
 
Đánh thuế nhà ở “nhắm” vào… đầu cơ - 1
Đánh hay không đánh thuế nhà ở đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi giữa các đai biểu (Ảnh: Việt Hưng)
 
Với phân tích của mình, ông Hoàng Anh nhận định, Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Luật thuế nhà, đất cho rằng, “trên thực tế giá trị nhà ở gắn liền với giá nhà đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, để hạn chế đầu cơ phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất”… là chưa thuyết phục.
 
Thêm nữa, việc Báo cáo giải trình cho rằng không nên thu thuế nhà ở vì số thu thuế từ nhà ở không lớn, chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ… cũng không được ông Hoàng Anh tán thành.
 
“Tôi cho rằng trong thời gian trước mắt thu thuế nhà ở là không đủ bù chi nhưng lợi ích xã hội là rất lớn. Việc ban hành chính sách đem lại hiệu quả xã hội, giảm chi phí cho toàn xã hội tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ những người làm công ăn lương có cơ hội tiếp cận với nhà ở là điều Nhà nước nên làm và cần phải làm”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
 
Đại biểu Lê Dũng cũng đồng tình với đại biểu Hồng Anh bởi theo ông, thực chất việc thu thuế nhà là thu thuế tài sản nên việc chỉ thu ở một số người có thu nhập cao để điều tiết cho xã hội là cần thiết và hợp lý.
 
Hết công cụ chống đầu cơ!
 
Đại biểu Trần Du Lịch không bày tỏ ngay quan điểm mà đưa ra hình ảnh “khu biệt thự nguy nga hàng chục năm nay bỏ hoang” ai cũng thấy, khi đi từ Nội Bài vào Hà Nội. Theo ông Lịch khu biệt thự này khiến ông nhớ tới mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan : "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương".
 
Đánh thuế nhà ở “nhắm” vào… đầu cơ - 2
Đại biểu Trần Du Lịch: "Phải dùng công cụ tài chính đánh vào đầu cơ" (Ảnh: Việt Hưng)
 
Theo ông Lịch, giờ không có nền cũ nên phải là "nền mới lâu đài vắng vẫn bóng tịch dương"!... Ông Lịch cho rằng, không chỉ những biệt thự nói trên mà còn vô số biệt thự, chung cư, nhà phố, nền đất đầu cơ, trong khi không ít người dân chưa có nhà ở.
 
“Tôi nghĩ Luật thuế nhà, đất chúng ta phải dùng công cụ tài chính đánh vào đầu cơ, đánh vào người có nhiều nhà, đất và dùng nó để điều tiết xã hội, bình ổn thị trường bất động sản. Nếu mục tiêu như vậy thì những gì mà luật này đưa ra tiếp thu tôi nghĩ rằng không đạt được”, ông Lịch nhận định.
 
Theo ông Lịch, Luật thuế nhà, đất phải làm sao chỉ đánh thuế vào những người có nhiều nhà đất và đầu cơ nhà đất, còn đối với những người một nhà, không đánh thuế đất, không đánh thuế nhà và như vậy, 90% dân số không ảnh hưởng.
 
Ông Lịch nêu câu hỏi về công cụ tài chính gì sẽ được dùng để điều tiết thị trường bất động sản, nếu Quốc hội thông qua luật lần này? Câu trả lời tự ông Lịch đưa ra là “không còn công cụ gì cả”, bởi theo ông thuế nhà, đất là biện pháp kinh tế quan trọng nhất.
 
Vị đại biểu này cho rằng, nếu soạn thảo theo hướng đang làm thì nên “treo” lại luật Thuế nhà, đất và chỉ cần điều chỉnh một số điều khoản thuế suất cùng một vài điều cần thiết của Pháp lệnh thuế hiện hành để thực thi ngay.
 
Đại biểu Lê Quốc Dung cũng cho rằng, nếu chỉ để thu ngân sách thì chỉ cần sửa và bổ sung Pháp lệnh về thuế đất là đủ, vấn đề quan trọng khi xây dựng luật là phải chống đầu cơ, hạ giá nhà, đất xuống.
 
“Nếu chúng ta muốn cho người dân bình thường có đất và nhà ở thì phải hạ giá, nhưng trong nội hàm của luật này thì chúng tôi thấy nó chưa đảm bảo mục tiêu đó, mặc dù trong giải trình có nói chống đầu cơ”, ông Dung nói.
 
Theo ông Dung, nếu không bám được mục tiêu chống đầu cơ, luật chỉ là hình thức. “Lẽ ra bộ luật này đang xây dựng hoặc khi ban hành xong thì giá nhà đất bên ngoài người ta phải nín thở để nghe điều tiết tác động của dự án luật như thế nào, nhưng trong khi chúng ta làm luật như thế này bên ngoài giá đất vẫn tăng, đầu cơ vẫn tăng”.
Từ đó, ông Dung đề nghị sửa một cách cơ bản dự án luật này theo hướng chống đầu cơ.
 
“Nếu như chúng ta nói rõ với dân, cử tri rằng luật này không đánh thuế nhà mà chỉ đánh thuế đối với những người nhiều nhà, nhiều đất và đầu cơ nhà đất để bình ổn và giải quyết chính sách nhà ở - tôi tin rằng cử tri sẽ ủng hộ”, đại biểu Trần Du Lịch.
 
Cấn Cường