Đánh giá rủi ro môi trường như một rủi ro tín dụng: Ngân hàng có sẵn sàng?

(Dân trí) - Theo quy định mới từ Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động cho vay của ngân hàng đối với khách hàng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Điều này có nghĩa, dự án vay vốn không chỉ sạch về quan hệ tín dụng mà còn phải bảo vệ môi trường.

Cần thiết có công cụ quản lý các tác động môi trường của dự án vay

Theo quy định tại Thông tư số 39, kể từ ngày 15/3, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.

Để hỗ trợ triển khai thực hiện Thông tư 39, NHNN đã phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội (MTXH) trong 10 ngành cụ thể (nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm, dệt may, dầu khí, xử lý chất thải, khai thác mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại) nhằm khuyến khích các TCTD thực hiện để phục vụ cho công tác thẩm định và ra quyết định cấp tín dụng.

Theo đánh giá của bà Đặng Thị Thu Hải, Trưởng phòng Tư vấn Pháp luật Ngân hàng, Khối Pháp chế và Kiểm soát tuân thủ VPBank, Thông tư 39 đã có quy định về việc TCTD phải thẩm định việc tuân thủ quy định về pháp luật môi trường, song do các tác động MTXH chưa thực sự được coi trọng tại Việt Nam nên việc thực thi các yêu cầu đánh giá, giảm rủi ro MTXH khi cấp tín dụng trước mắt có thể sẽ khó đạt được sự hợp tác tự nguyện của tất cả các khách hàng. Một số khách hàng có thể sẽ chuyển sang ngân hàng khác không bắt buộc khách hàng thực hiện báo cáo về tác động MTXH hoặc áp dụng những tiêu chuẩn đánh giá đơn giản hơn.

Do đó, việc ban hành một sổ tay hướng dẫn rủi ro MTXH trong hoạt động cấp tín dụng của NHNN là vô cùng cần thiết, giúp NHTM có công cụ chuẩn để triển khai việc đánh giá, thẩm định. Tuy nhiên, việc triển khai cần được áp dụng đồng bộ trong toàn khối các ngân hàng thương mại để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng. Còn "nếu sổ tay ban hành dưới dạng hướng dẫn không bắt buộc thực hiện thì NHNN cần xây dựng các chính sách ưu đãi đối với những ngân hàng thương mại triển khai thực hiện các công cụ trong sổ tay này", bà Hải nhấn mạnh.


Theo quy định mới từ Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động cho vay của ngân hàng đối với khách hàng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường (ảnh minh họa).

Theo quy định mới từ Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động cho vay của ngân hàng đối với khách hàng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường (ảnh minh họa).

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank chia sẻ: "Cạnh tranh giữa các TCTD trong hoạt động kinh doanh rất gay gắt. Áp lực này đặt ra bài toán cho các TCTD là cần tinh giản quy trình, thủ tục hồ sơ cấp tín dụng đối với khách hàng. Từ đó có thể dẫn đến việc một số TCTD không chú trọng hoặc không tuân thủ quy định. Do vậy, việc giám sát các TCTD cần phải được thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc".

Doanh nghiệp có bị "đội" chi phí vốn vay?

Lấy thực tế từ thủ tục cho vay vốn của VietinBank, ông Lê Đức Thọ, cho hay: Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, cán bộ ngân hàng sẽ đến thăm trực tiếp cơ sở sản xuất để rà soát thẩm định tác động MTXH của dự án vay vốn. Qua đó, ngân hàng yêu cầu các hồ sơ cụ thể liên quan đến các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, các dự án thuộc các ngành khác nhau thì hồ sơ yêu cầu khác nhau.

Chi phí để áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động MTXH thường khá cao. Do đó, khách hàng là các chủ đầu tư dự án thường tìm cách cắt giảm và hạn chế chi phí này trong triển khai dự án/phương án kinh doanh. Trong khi đó, hoạt động truyền thông, kiểm tra đánh giá tác động của các cơ quan chuyên môn, sự quản lý về MTXH cũng như các chế tài xử phạt… còn nhiều hạn chế. Đây là kẽ hở khiến việc tuân thủ đánh giá MTXH chưa thực sự được quan tâm.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank cũng thừa nhận, "hiện việc các NHTM xây dựng các chính sách, cơ chế để đánh giá, thẩm định và đưa ra câu trả lời cho doanh nghiệp là khá phức tạp; đồng thời cũng sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí cho xây dựng hệ thống quản lý rủi ro MTXH và đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm về thẩm định rủi ro MTXH…”.

Các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng đối với những dự án có nhạy cảm về yếu tố MTXH cũng sẽ phải chấp nhận chi phí vốn cơ bản và chi phí hoạt động tăng cao do phải áp dụng các giải pháp để hạn chế tác động đến MTXH, thậm chí có thể dẫn đến dự án không có lời và doanh nghiệp sẽ không tiến hành đầu tư nữa.

Do đó, NHNN và các NHTM cũng nên cân nhắc vấn đề này khi xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến quản lý rủi ro MTXH khi thẩm định và xét duyệt cấp tín dụng cho khách hàng của các NHTM.

Chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp mình trong triển khai thực hiện, ông Lê An Khang - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC) cho biết: “Giai đoạn đầu triển khai xây dựng hệ thống Môi trường - An toàn - Sức khỏe - Xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế, GEC gặp nhiều thách thức trong quá trình thực hiện các cam kết về MTXH của nhà đầu tư và ngân hàng cấp tín dụng.

Tuy nhiên, với định hướng trở thành một trong những nhà phát triển năng lượng tái tạo bền vững tại Việt Nam, GEC đánh giá được tầm quan trọng của công tác Quản lý Môi trường, Sức khỏe, An toàn và Xã hội và đang dần hoàn thiện cơ cấu quản lý tại 15 nhà máy thủy điện để kiểm soát, chủ động trong mọi tình huống khi xảy ra sự cố và liên tục cải thiện hiệu quả hoạt động môi trường, sức khỏe và xã hội".

Dù còn nhiều thách thức, việc ban hành cuốn sổ tay đánh giác tác động môi trường đối với dự án vay vốn là phù hợp xu thế phát triển, là một bước tiến tích cực hướng tới tăng trưởng bền vững, khuyến khích doanh nghiệp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn môi trường lao động, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN chia sẻ, nhiều nhà đầu tư, khách hàng, tổ chức quốc tế cũng đang rất quan tâm đến tiêu chí này khi hợp tác.

An Hạ