Đang thanh tra các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đấu thầu vàng

(Dân trí) - NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp để kinh doanh và mua vàng miếng. Hiện NHNN đang thanh tra toàn bộ các TCTD và doanh nghiệp tham gia vào quá trình đấu thầu mua vàng của NHNN.

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013 diễn ra với kịch bản chương trình khác thường lệ khi Ban tổ chức dành một thời lượng lớn để Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng trao đổi với phóng viên các vấn đề “nóng” xung quanh diễn biến thị trường vàng.

Từ 30/6 chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế sẽ giảm

Nói về tình trạng chênh lệch giá giữa vàng nội và vàng ngoại trong suốt thời gian qua, Phó Thống đốc cho hay, “chúng ta phải khẳng định, Việt Nam là một nước không sản xuất được vàng, nhu cầu vàng miếng phải qua dùng ngoại tệ nhập khẩu”.

Ông thừa nhận, nhu cầu vàng miếng trên thị trường là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng thương mại để tất toán trạng thái.

Trong vòng 2 năm qua, để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thị trường ngoại tệ hoạt động bình thường, NHNN đã không cấp phép nhập khẩu vàng miếng. Ngoài ra, gần đây, giá vàng quốc tế lại có sự sụt giảm mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua. Do đó, đã khiến giá vàng trong nước và thế giới nới rộng chênh lệch.

Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng (Ảnh: NH).
Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng (Ảnh: NH).

Với việc kiểm soát thị trường vàng thông qua ban hành Nghị định 24, lãnh đạo NHNN cho rằng, đã giúp ổn định được thị trường tỉ giá và phần nào lập được trật tự ở thị trường vàng, không còn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng như trước.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu nên khi thị trường có chênh lệch giữa giá trong nước và giá quốc tế thì xảy ra hiện tượng có nhu cầu ngoại tệ với khối lượng lớn để nhập khẩu vàng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá và làm tăng áp lực lên lạm phát.

Nhìn chung, theo Phó Thống đốc, chênh lệch giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố: do không cho phép nhập khẩu, do nhu cầu vàng trong nước là hiện hữu và giá vàng quốc tế giảm rất mạnh. Nói về tổng thể, sự tham gia của NHNN vào bình ổn thị trường vàng đã đạt được mục tiêu đề ra.

Ông cũng thông tin thêm rằng, việc huy động vàng của các tổ chức tín dụng dưới hình thức tiết kiệm đã chấm dứt từ ngày 25/11/2012, nhưng kỳ hạn dài nhất mà một số tổ chức muốn huy động là 30/6. Đây là trong những lý do mà các tổ chức tín dụng phải mua vàng trên thị trường để đáp ứng tất toán trạng thái huy động và cho vay. 

“Rõ ràng nhu cầu gây áp lực lên thị trường, đến ngày 30/6 khi các tổ chức tín dụng hoàn thành việc tất toán trạng thái vàng của mình sẽ giảm cầu trên thị trường. Khi mà nhu cầu trên thị trường giảm bớt thì chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ giảm” – Phó Thống đốc Lê Minh Hưng lạc quan.

Tiền chênh lệch giá từ đấu thầu vàng chuyển về NSNN

Trao đổi sâu hơn về hoạt động NHNN cung ứng số lượng vàng lớn ra thị trường trong thời gian gần đây, Phó Thống đốc cho hay, với 12 tấn vàng đem ra đầu thầu, cơ quan quản lý đã giúp tăng cung và giảm áp lực cầu về vàng trên thị trường. Điều này đã giúp thị trường tránh được tình trạng bất ổn, sốt vàng; qua đó góp phần ổn định tỉ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, khi NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng thông qua đấu thầu vàng thì NHNN không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức cân bằng với giá vàng thế giới mà chủ yếu thực hiện việc tăng cung, giải quyết vấn đề nhu cầu vàng.

“Nếu thời gian qua, chúng ta không tăng cung thì với nhu cầu rất lớn như vậy, hoạt động trên thị trường vàng sẽ bất ổn” – Phó Thống đốc khẳng định. 

Ông cũng nhấn mạnh rằng, toàn bộ khoản chênh lệch giá vàng NHNN thu được từ việc đấu thầu vàng là nguồn thu của ngân sách nhà nước (NSNN) và đều được chuyển về NSNN.

Theo quyết định đấu thầu, tỷ lệ đặt thầu từ 500 - 1.000 lượng vàng tuỳ phiên thì doanh nghiệp phải có số vốn 20 - 40 tỷ đồng thì mới có thể tham gia. Phóng viên đặt câu hỏi, “với quy mô doanh nghiệp hiện tại, số vốn không lớn, doanh nghiệp thắng thầu chủ yếu là ngân hàng, vậy có lợi ích nhóm ở đây hay không?”, Phó Thống đốc khẳng định, vàng miếng là mặt hàng không khuyến khích mua bán, không phải mặt hàng thiết yếu, không đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, cho phép mua bán nhưng phải có điều kiện kinh doanh, trong đó có điều kiện vốn.

Theo đó, các tổ chức tín dụng tham gia phải đáp ứng quy định của NHNN về trạng thái kinh doanh vàng và nguồn vàng sử dụng cho mục đích gì. “Chúng tôi có quy định cụ thể và giám sát chặt chẽ công tác này”, ông nói.

Về nguồn tiền, Thông tư của NHNN cũng đã quy định, không cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp để kinh doanh và mua vàng miếng.

Hiện nay NHNN đang triển khai thanh tra toàn bộ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tham gia vào quá trình đấu thầu mua vàng của NHNN theo đúng quy định của pháp luật.

Bích Diệp