Đằng sau việc bán ròng cổ phiếu vốn hóa lớn

Áp lực bán ròng ra mấy hôm nay tại nhóm cổ phiếu lớn - hàng ưa thích của quỹ chỉ số - cho thấy có vẻ như hoạt động cắt lỗ đã khởi động.

Liệu có là sự trùng hợp hay không, khi thị trường đón nhận thông tin HSX có khả năng tính lại chỉ số VN-Index để hạn chế sự méo mó của một vài mã vốn hóa lớn. Hiện tượng này đã được cộng đồng đầu tư than phiền từ đầu năm khi hình thành con sóng tăng “quái dị” nhất từ trước tới nay của VN-Index.

Chỉ số này tăng gần 10% trong tháng 1/2011 nhưng đa số cổ phiếu lại mất giá trầm trọng. Duy chỉ có BVH tăng 45%. Sau khi BVH điều chỉnh, đến lượt MSN tăng gần 63%, VNM tăng 22%. Tính chung 4 cổ phiếu BVH, MSN, VIC, VNM, từ đầu năm, danh mục này có thể đem lại lợi suất tối đa 41%, một tỉ suất cực kỳ ấn tượng trong khi VN-Index giảm 0,6%.

Trước sự bức xúc của cộng đồng nhà đầu tư, cơ quan quản lý đã có một vài động thái quan trọng, yêu cầu HSX nghiên cứu và báo cáo khả năng tính lại chỉ số VN-Index.
Đằng sau việc bán ròng cổ phiếu vốn hóa lớn - 1

Chỉ số riêng với 4 cổ phiếu BVH, MSN, VIC, VNM cho thấy áp lực giảm giá đang rất mạnh.

Việc thay đổi trọng số tính toán VN-Index có cần thiết hay không vẫn còn gây tranh cãi. Dưới góc độ một chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán chính của Việt Nam, nếu chỉ số không phản ánh sát nhất diễn biến thì ý nghĩa sẽ không còn.

Tuy nhiên, dưới góc độ đầu tư, chỉ số cũng không hẳn quan trọng nếu nhà đầu tư biết cân đối danh mục của mình. Thay đổi cách tính VN-Index cũng không làm thay đổi biến động giá của cổ phiếu, nếu chiến thuật đẩy giá những mã thanh khoản thấp vẫn diễn ra.

Việc biến động giá của nhóm vốn hóa lớn mà điển hình là BVH được chú ý từ khi dòng vốn ngoại của các quỹ đầu tư chỉ số tham gia một cách rõ rệt vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc điểm của phương pháp đầu tư chỉ số là danh mục phải bám sát diễn biến của Index và sự phân bổ vốn phải tương đương với tỉ trọng của các cổ phiếu trong rổ tính Index. Thường thì không quỹ nào bỏ vốn vào tất cả những mã niêm yết mà chỉ cần đầu tư vào các mã có trọng số lớn. Do đó cũng khó nói các quỹ này làm giá VN-Index được.

Có thể nói các quỹ này đã chơi theo luật chơi của chính thị trường chứng khoán Việt Nam. Với thông tin thay đổi luật chơi, sẽ là bất ngờ đối với các quỹ này vì chiến lược có thể phải thay đổi.

Phương án “sửa” VN-Index khả thi nhất là chỉ tính khối lượng có thể giao dịch được, tức là trừ phần nắm giữ của Nhà nước, cổ đông sáng lập hoặc khối lượng bị hạn chế chuyển nhượng theo thời gian quy định. Tiền lệ thì đã có với SQC tại sàn Hà Nội. Nếu như vậy, chắc chắn BVH hay VNM sẽ chỉ là những “con tốt” vì vốn hóa lúc này teo tóp lại đáng kể.

Liệu đây có phải là tác nhân gây nên hiện tượng bán ròng ở một số mã vốn hóa lớn liên tiếp mấy phiên gần đây hay không? Điều này có vẻ hợp lý với BVH khi phần lớn số cổ phiếu đang lưu hành nằm trong tay cổ đông nhà nước. BVH ba phiên gần đây bị bán rất mạnh. Chẳng hạn phiên ngày 18/5, nhà đầu tư nước ngoài bán ra chiếm 86,4% tổng khối lượng giao dịch. Phiên cuối tuần lượng bán ra cũng chiếm gần 73%.

Tuy nhiên, suy luận trên có thể không đúng với trường hợp của MSN. MSN là một công ty tư nhân. Mặc dù thanh khoản thấp do cổ đông sáng lập và cổ đông nội bộ nắm giữ là chủ yếu nhưng đó cũng không phải là khối lượng không thể giao dịch để bị loại bỏ khỏi công thức tính VN-Index.

Theo quy định thì thời hạn hạn chế chuyển nhượng một phần và toàn bộ của cổ đông nội bộ sẽ hết sau tháng 6 tới. Như vậy chắc chắn MSN vẫn sẽ là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, bất chấp thanh khoản sẽ vẫn thấp vì cổ đông lớn không giao dịch nhiều.

Nhà đầu tư nước ngoài từ đầu tháng 5 trở lại đây liên tục bán ra nhiều tại MSN. Trong 13 phiên của tháng 5, khối lượng bán ròng đạt 134.700 cổ phiếu. Đây chưa hẳn là khối lượng lớn về con số tuyệt đối nhưng về tỉ trọng thanh khoản hàng ngày, ảnh hưởng lại không hề nhỏ. Nhiều phiên khối lượng bán ra của khối ngoại chiếm trên 80% tổng giao dịch của MSN.

Suy luận trên cũng không đúng với hoạt động mua vào lớn tại CTG và VCB. Nếu công thức sửa VN-Index không tính đến khối lượng sở hữu của nhà nước thì VCB và CTG cũng không thăng tiến là bao trong thứ tự vốn hóa. BVH, VNM, EIB, DPM, PVF có thể phải hạ bậc, nhưng trên VCB và CTG sẽ vẫn còn khá nhiều công ty tư nhân khác như VIC, HAG, FTP, STB, HPG, SSI, KBC, KDC...

Hoạt động mua vào tại hai mã ngân hàng này là rất đáng chú ý. Khối lượng mua ròng lớn nhất tại CTG tập trung trong tháng 3 và tạo sóng đáng kể. Gần 2 tháng trở lại đây, CTG không còn được mua nhiều mà thay vào đó là VCB.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, hoạt động bán ra của khối ngoại là khá bất ngờ. Lần đầu tiên sau gần 3 tháng mua ròng liên tục qua khớp lệnh tại HSX, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng ở sàn này trên 41 tỷ đồng. Trong đó, riêng nhóm blue-chip vốn hóa lớn bị bán ròng hơn 46 tỷ đồng. VIC, MSN, DPM, BVH, MSN bị bán lớn nhất về giá trị.

Chính hoạt động bán này làm nảy sinh nghi ngại sự tháo chạy của quỹ ngoại trước khả năng thay đổi cách tính chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn mối liên hệ giữa hai sự kiện này.

Số liệu mua bán của khối ngoại chỉ là một con số tổng hợp, trong đó có nhiều thành phần khác nhau. Rất có thể việc bán ra cũng chỉ là hoạt động cắt lỗ, đảo hàng, cơ cấu danh mục bình thường mà thôi.

Theo Khánh Hà

VnEconomy