Gia Lai

Dân trồng cà phê “khóc ròng” vì mất mùa, “khát” nhân công

(Dân trí) - Gần một năm chăm sóc, nhưng vụ cà phê năm nay lại rơi vào “thảm cảnh” mất mùa nặng nề. Nghịch lý hơn, năng suất giảm mạnh, trong khi đó công nhân hái cà phê lại khan hiếm, đắt đỏ…điều này khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh “trắng tay” sau một mùa cà phê.

Mùa cà phê “đắng” trên Cao Nguyên

Trong vụ mùa cà phê năm 2018, trên địa bàn Gia Lai đang rơi vào “thảm cảnh” “mất mùa” nặng nề nhất, điều này khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh “trắng tay”, thậm chí là lỗ nặng, không đủ tiền tái đầu tư. Theo ghi nhận tại huyện Ia Grai, thay vào tiếng cười khi đến mùa vụ, thì đổi lại là tiếng thở dài, “ngán ngẩm”. Các bà con nông dân hiện đang thu nhặt những hạt cà phê cuối cùng trên cây để trang trải chi phí công thuê hái cà.

Chia sẻ về vụ mùa, ông Vương Đình Danh (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) buồn rầu nói: “Với diện tích 4 ha cây cà phê, vụ năm 2017, tôi thu được hơn 20 tấn cà nhân. Trừ 6 tấn để trả cho các chi phí chăm sóc, công thuê hái và tiền phân bón thì tôi còn lãi được khoảng 14 tấn. Năm nay chẳng buồn tính toàn gì nữa, hơn một năm chăm sóc mà chỉ được 12 tấn nhân, giảm gần 1 nửa so với năm ngoái. Cùng với giá cà phê giảm, 12 tấn này chỉ đủ trả chi phí, không còn dư để tái đầu tư cho năm sau…Hiện giờ, giá cũng đang thấp nên gia đình đang tích trữ chờ giá lên cao thì bán để gỡ gạc lại chút đỉnh.

Bỏ công sức, tiền bạc chăm gần năm chăm sóc, nhưng cà phê lại rơi vào thảm cảnh mất mùa.
Bỏ công sức, tiền bạc chăm gần năm chăm sóc, nhưng cà phê lại rơi vào thảm cảnh "mất mùa".

Vất vả chăm sóc vườn cà phê cả năm trời, chị Lê Thị Thúy (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai) nói. “Nhà tôi có 1600 cây cà phê, năm ngoái xay xát nhân xong cũng cân bán được 7 tấn, còn năm nay được 4 tấn. Nhưng 4 tấn này với giá bán nhân hiện tại cũng chẳng được bao nhiêu, vì công cán phải thuê đến 200.000 đồng/ngày rồi…”.

Theo các nông dân đánh giá, vừa qua trên địa bàn có đợi mua kéo dài rơi vào đúng lúc cà phê đang ra quả non khiến cà phê rụng rất nhiều.

Trao đổi với PV, ông Đào Lân Hưng – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Ia Grai cho biết: “ Tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện là 17.587 ha, trong đó cà phê kinh doanh là 15.669 ha còn lại là cà phê tái canh. Năng suất năm nay, hiện tại đơn vị đang rà soát vì nhiều vườn đang trong qua trình thu hoạch chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá chung trên địa bàn huyện, năng suất cà phê năm nay giảm hơn nhiều so với năm ngoái. Hiện trên địa bàn huyện Ia Grai ước tính năng suất giảm đến 2.000 tấn nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết, mùa mưa kéo dài đến hơn 3 tháng nên trong thời điểm quả phát triển thiếu ánh sáng, quang hợp kém. Mưa nhiều các chùm quả không có chặt nên đã xảy ra tình trang rụng quả, thối quả…”.

Nguyên nhân ban đầu khiến năng suất giảm là do cà phê ra quả non trúng đợt mưa kéo dài nên rụng nhiều
Nguyên nhân ban đầu khiến năng suất giảm là do cà phê ra quả non trúng đợt mưa kéo dài nên rụng nhiều

Niên vụ năm 2018, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 81.000 ha tập trung ở các huyện như Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Păh…phần lớn các huyện này năng suất đều giảm năng nhiều. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai thông tin, năng suất cà phê toàn tỉnh vụ này chỉ còn 11,5 tấn quả tươi/ha, giảm gần 1/3 so với vụ năm ngoái.

Mất mùa, lại “khát” công nhân thu hái

Hiện nay, công nhân đi hái thường theo hình thức “hái khoán”, tính theo sản lượng hái trong ngày để nhận tiền công. Cũng vì năng suất giảm, khiến sản lượng hái trong ngày hái không đạt so với công sức đã bỏ ra nên công nhân chán nản, không muốn đi hái. “Khát” công nhân, chủ vườn bắt buột phải tăng thêm tiền từ 80.000 đồng/tạ lên 100.000 đồng/tạ, tuy nhiên cũng chẳng thể thu hút được công nhân.

Nghịch lý khiến nông dân rơi vào thảm cảnh khi mất mùa, lại khan hiếm công nhân
Nghịch lý khiến nông dân rơi vào thảm cảnh khi mất mùa, lại khan hiếm công nhân

Trung bình 1 ha cà phê cần đến 5 - 7 nhân công thu hái và sẽ phải mất một tuần để thu hái xong. Với 25 ha cà phê, ông Nguyễn Quốc Vinh (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) cũng đang “đỏ mắt” đi tìm nhân công thu hái: “Cả năm trời chăm sóc chỉ đợi đến ngày thu hoạch nhưng ngặt nỗi đến khi thu hái lại không tìm được công nhân. Năm ngoái, tôi thuê bà con địa phương hái khoán với giá 850.000 đồng/tấn. Nhưng năm nay, bà con thấy nhu cầu thuê công tăng cao nên đòi 1 triệu đồng/tấn. Công hái cao mà giá bán hiện nay chỉ 35.200 đồng/kg cà phê nhân, cùng đó năng suất giảm nên trừ các chi phí thì gia đình không còn lãi bao nhiêu…”, ông Vinh giải thích.

Do giá cả thấp và mất mùa nên nhiều người nông dân còn tích trữ chờ giá cao để gỡ gạc lại
Do giá cả thấp và mất mùa nên nhiều người nông dân còn tích trữ chờ giá cao để "gỡ gạc" lại

Tương tự, gia đình bà Trần Thị Minh (xã Ia Tô) trồng 5 ha cà phê nhưng đang bất an vì khan hiếm nhân công. Theo tính toán của bà Minh, trung bình mỗi héc-ta cà phê cần 4-5 nhân công thu hái mới kịp thời vụ. “Chúng tôi đã cho người nhà xuống các huyện phía Đông Nam tỉnh thuê người. Tiền công ngày càng tăng mà không thuê được người hái, trong khi cà phê đua nhau chín đỏ vườn. Tôi lo để cà phê chín lâu trên cây sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ sau”-bà Minh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Đường - Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu nông sản Tây nguyên, cho biết: “Tính trung bình khoảng 50% số hộ đã thu hoạch thì năng suất cà phê niên vụ năm 2018 vừa qua giảm khoảng 30% do mưa kéo dài trong nhiều tháng liền. Ngoài ra, nguyên nhân có khả năng là do năm ngoái được mùa nên chất lượng cây năm nay kém hơn. Đồng thời, thứ hai năm nay mùa mưa kéo dài hơn 3 tháng nên cây quang hợp kém, ánh sáng kém vì vậy cây, quả phát triển chậm, kém năng suất. Bên cạnh đó, giá cà phê năm nay giảm là so tổng sản lượng toàn cầu cao ví dụ như các nước Brazil, Colombia được mùa nên cung vượt cầu, mà theo quy luật cung vượt cầu thì giá sẽ giảm”.

Phạm Hoàng

Dân trồng cà phê “khóc ròng” vì mất mùa, “khát” nhân công - 5