Cây xăng không đạt chuẩn ở nội đô Hà Nội:

Dân đòi di dời, doanh nghiệp xin ở lại

Hà Nội đặt quyết tâm di dời, giải tỏa các cây xăng không đủ điều kiện ra khỏi nội đô trước ngày 15/9. Việc di dời này có dễ dàng

Dân muốn phải dời ngay

 

Vụ cháy cây xăng ở số 2B Trần Hưng Đạo, Hà Nội cách đây ít lâu khiến nhiều người giật mình kinh hãi vì đang phải chung sống với "tử thần" từ những cây xăng nằm sát khu dân cư.

 

Thành phố Hà Nội đang gấp rút rà soát lại tất cả các cửa hàng xăng dầu và đặt quyết tâm di dời các cây xăng không đủ điều kiện ra khỏi nội đô trước ngày 15/9 này. Người dân, đặc biệt là những người sinh sống cạnh các cây xăng không đủ điều kiện về an toàn đang mong mỏi từng ngày những "quả bom xăng" ấy sẽ được chuyển ra khỏi các khu phố đông đúc.       

 

Đến khu tập thể số 9, phố Trần Hưng Đạo, mới hiểu được nỗi lo lắng của những cư dân ở đây khi họ đang sống ngay sát một cửa hàng xăng dầu. Cả khu tập thể 6 tầng với khoảng 50 hộ dân, trong đó nhiều người già và trẻ em, nhưng chỉ có 1 cửa ra vào rộng chưa đầy 1 m.
 
Dân đòi di dời, doanh nghiệp xin ở lại

 

Vụ cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo cách đó không xa đã khiến người dân ở đây lo sợ như đang ở gần “quả bom” mà không biết nó sẽ phát nổ lúc nào. Bà Nguyễn Kim Dung, một người dân ở khu tập thể tỏ rõ lo lắng: “Cây xăng xây dựng gần nhà dân, dễ gây cháy nổ. Khu dân cư rất đông, lại nhiều người già. Nhà xây lâu năm nên không có lối thoát hiểm. Nếu xảy ra sự cố, rất nguy hiểm cho người dân”.

 

Theo những người dân ở đây, năm 2006 đã từng xảy ra sự cố ở cây xăng này khiến người dân một phen hoảng loạn. Ông Lưu Văn Lượng, một trong những người sống lâu năm ở đây cho biết: "Cây xăng này được xây dựng lâu rồi. Nó có thể gây ra cháy nổ bất cứ lúc nào và thiệt hại sẽ rất lớn nên cần đề phòng. Chúng tôi đề nghị di dời cây xăng này sang địa điểm khác".

 

Bà Nguyễn Thị Minh Hường cũng ở khu tập thể này, cho biết thêm: “Cây xăng với bồn chứa xăng rất to, lại nằm ngay gần hàng ăn. Mỗi đêm, xăng được chuyển về bồn, xăng bốc mùi làm chúng tôi rất khó thở, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân. Tất cả các hộ dân ở khu tập thể đã làm đơn kiến nghị gửi cấp trên nhưng chưa có phản hồi. Chúng tôi mong các sở ban ngành sớm giải quyết”.

 

Doanh nghiệp xin ở lại để... khắc phục

 

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đắc Xuân, Giám đốc Công ty xăng dầu khu vực 1 (Petrolimex Hà Nội), đơn vị quản lý cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo cho biết, trong đợt rà soát mới đây của thành phố, cửa hàng xăng dầu này và 11 cửa hàng khác của Công ty ở trung tâm thành phố đều thuộc diện phải di dời.

 

Ông Xuân lo ngại, nếu cùng lúc di dời 12 cây xăng ở nội thành sẽ gây nhiều xáo trộn. Đơn cử như cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo, hiện mỗi tháng bán ra thị trường 1.400m3, nếu di dời ngay sẽ quá tải ở những cây xăng còn lại, rồi nguy cơ mọc lên hàng hoạt điểm bán xăng tự phát trên phố… Đó là chưa kể đến hàng loạt khó khăn cho doanh nghiệp khi giải bài toán đầu tư, kinh doanh, công ăn việc làm cho người lao động…

 

Bởi vậy, đại diện công ty này cho biết, đối với 3 cửa hàng xăng dầu do diện tích nhỏ, không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh thì công ty sẽ di dời theo yêu cầu của thành phố, còn với những cửa hàng còn lại, trong đó có cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo, doanh nghiệp kiến nghị cho nâng cấp và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy để tiếp tục được kinh doanh.

 

“Những lý do dẫn đến việc phải di dời, chúng tôi hoàn toàn có thể khắc phục. Chúng tôi cũng sẽ có giải trình thêm với đoàn kiểm tra liên ngành. Chúng tôi tha thiết được giữ lại cây xăng này. Tới đây nếu được thành phố chấp thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai giải pháp khác để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong kinh doanh. Tâm lý người dân ở gần cây xăng bất an, nhưng mọi người cần bình tĩnh, xem xét lại. Ví dụ, ở Cửa hàng xăng dầu Quân đội, cháy xe téc chứa xăng chứ không phải cháy cây xăng. Thực tế, cháy cây xăng rất khó, vì bể chứa được xây ngầm dưới lòng đất” - ông Xuân viện giải.

 

Chờ thành phố "chốt" danh sách di dời

 

Chưa biết kiến nghị trên của Petrolimex Hà Nội có được thành phố chấp thuận hay không. Nhưng có thể thấy, việc tồn tại hay di dời những cây xăng không đạt chuẩn đang đứng giữa bài toán nan giải: vừa phải cung ứng xăng dầu cho các hoạt động bình thường của xã hội, vừa phải đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.

Sau cuộc họp ngày 6/9 vừa qua với đại diện các đơn vị có cây xăng không đảm bảo các điều kiện kinh doanh, Sở Công thương đã nêu danh sách những cây xăng sẽ bị “trảm”. Tuy nhiên, đó là những cây xăng nào thì còn phải chờ UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

 

Thực tế hiện nay, khu vực trung tâm thành phố chiếm 70% nhu cầu về xăng dầu nhưng các cửa hàng xăng dầu lại được phân bố không đồng đều và quá tải ở nhiều cây xăng. Trong quá trình phát triển Thủ đô, số cửa hàng cũ mất dần, cửa hàng mới lại chưa được quy hoạch, vì vậy, tình trạng quá tải ở một số cửa hàng xăng dầu tại trung tâm thành phố lại càng trầm trọng hơn. Mặt khác, trong số khoảng 500 cây xăng ở Hà Nội, đa phần đều vi phạm về khoảng cách an toàn. Khi xảy ra sự cố, sẽ rất nguy hiểm và khó khăn trong việc cứu hộ. Tuy nhiên, để di dời cây xăng không đạt chuẩn ra khỏi nội thành cũng không hề đơn giản.

 

Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho rằng: "Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nhiều lần phối hợp với các sở khác để kiểm tra và báo cáo thành phố việc di chuyển cây xăng có khoảng cách không an toàn ra khỏi thành phố. Trong quá trình di dời ra khỏi nội thành sẽ gặp nhiều trở ngại, vì các cây xăng này vi phạm về công tác PCCC nhưng các lĩnh vực khác lại vẫn phải hoạt động đảm bảo phục vụ dân sinh. Cho nên, cần phải nghiên cứu để di dời và tổ chức lại quy hoạch”.

 

Theo đề xuất của đoàn kiểm tra liên ngành, có 46 cây xăng ở trung tâm Hà Nội phải di dời, hơn 300 cây xăng cần phải khắc phục một số điều kiện để tiếp tục được kinh doanh. Tuy nhiên, danh sách cụ thể còn phải chờ UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

 

Từ ngày 11/9, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố bắt đầu kiểm tra, rà soát lại một lần nữa đối với các cây xăng ở Hà Nội. Người dân và doanh nghiệp đều đang nóng lòng chờ đợi kết luận cuối cùng về chủ trương di dời những cây xăng không an toàn ra khỏi nội đô. Nhưng điều cần làm về lâu dài là: quy hoạch mạng lưới phân phối kinh doanh xăng dầu như thế nào cho phù hợp và quan trọng nhất phải đảm bảo an toàn cho cuộc sống của nhân dân./.

 

Theo Việt Hà

VOV