Đài truyền hình Đức: Việt Nam có thể thành tâm điểm cho thương mại thế giới

(Dân trí) - Chương trình phát trên Đài truyền hình đối ngoại Đức đánh giá, Việt Nam có thể trở thành tâm điểm quốc tế cho thương mại thế giới. Các hiệp định này sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong nước.

Việt Nam cũng chưa có đủ thời gian để phát triển một nền công nghiệp hiện đại hay một lực lượng doanh nghiệp loại vừa làm nòng cốt phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp.
Việt Nam cũng chưa có đủ thời gian để phát triển một nền công nghiệp hiện đại hay một lực lượng doanh nghiệp loại vừa làm nòng cốt phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp.

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Đức Steinmaier, ngày 20/10 Đài truyền hình đối ngoại Đức Deutsche Welle có chương trình về kinh tế Việt Nam với tựa đề: "Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế“.

Đánh giá về Việt Nam, Deutsche Welle nhận định, Ngoại trưởng Đức đến thăm một đất nước mà cuối những năm 80 đã có những bước phát triển kinh tế ngoạn mục. Kể từ "Đổi mới" kinh tế Việt Nam phát triển bình quân 7 đến 8% /năm, chỉ từ 2014 là 5,98% dưới mức bình quân trước đây. Năm 2009 thu nhập bình quân đầu người đạt mức 1000 USD/người và được Ngân hàng thế giới liệt vào nước có thu nhập trung bình và do vậy không còn là nước đang phát triển nữa.

Tuy nhiên, theo chương trình này, ít nhất là sau khi đạt mức phát triển trên thì nhu cầu tất yếu là cần phải cải cách hơn nữa nền kinh tế nếu muốn giữ mức phát triển như hiện nay. Do mức lương ở Việt Nam ngày càng tăng nên Việt Nam khó lòng cạnh tranh với những nước đang phát triển khác trong khu vực như Myanmar hay Campuchia.

"Mặt khác Việt Nam cũng chưa có đủ thời gian để phát triển một nền công nghiệp hiện đại hay một lực lượng doanh nghiệp loại vừa làm nòng cốt phát triển kinh tế ở các nước công nghiệp. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rơi vào bế tắc về đường lối phát triển kinh tế", Deutsche Welle nhận định.

Deutsche Welle cũng cho rằng, Việt Nam đang có nhiều chính sách để ngăn chặn nguy cơ này mà một trong những trụ cột là các hiệp định thương mại tự do. Tháng 8 vừa qua Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với EU (Việt Nam-EU-FTA) dự kiến có hiệu lực 2017 hoặc 2018. Đây là một Hiệp định đầy tham vọng mà EU ký với một nước đang phát triển, theo đó 99% các loại thuế sẽ được dỡ bỏ trong mười năm tới.

Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình dương TPP bao gồm 12 nước khu vực Thái Bình Dương. Ngoài ra không thể không kể đến việc cuối năm 2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được khởi động. Hiện Việt Nam đang có 3 hiệp định thương mại tự do, góp phần xây dựng nhịp cầu kinh tế trong khu vực (AEC), xuyên Thái Bình Dương (TPP) và với châu Âu (Việt Nam-EU-FTA).

"Qua đó Việt Nam có thể trở thành tâm điểm quốc tế cho thương mại thế giới. Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng- người hiểu biết khá tốt về nước Đức từ thời làm việc ở Tổng lãnh sự quán tại Frankfurt và nay là Tham tán Công sứ Thương mại ở Đức tin tưởng rằng các hiệp định này sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong nước", Đài truyền hình Đức phát.

Tuy vậy, theo chương trình này, thì các Hiệp định thương mại tự do cũng có thể đẩy Việt Nam vào chỗ bế tắc, nhất là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, của nền nông nghiệp. Việc hình thành một nền công nghiệp phát triển hay của một lớp doanh nghiệp vừa rất có thể bị những cạnh tranh khốc liệt từ bên kia đại dương bóp chết từ trứng nước.

Đối với doanh nghiệp Đức thì các hiệp định thương mại tự do chắc chắn mang lại nhiều lợi thế. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong khi môi trường đầu tư hiện nay ở Việt Nam thuộc diện tốt nhất trong ASEAN. Việt Nam cũng đã đạt đến thời điểm mà đầu tư và các hoạt động thương mại lôi kéo rộng rãi sự tham gia của doanh nghiệp.

Đây được cho là điều mà các doanh nghiệp Đức có thể hưởng lợi và thực sự họ đã thụ hưởng điều đó. Nghiên cứu mới đây của Viện FES cho biết, nhu cầu sang Việt Nam của doanh nghiệp Đức là cực lớn, nhất là những doanh nghiệp Đức rút khỏi Trung Quốc do việc tăng lương ở đó, vì mức lương ở Việt Nam chỉ bằng 2/3 ở Trung Quốc.

Theo đó, điều Việt Nam cần tiếp tục cải thiện là đào tạo lực lượng lao động và quản lý lành nghề, đẩy mạnh hạ tầng phát triển công nghiệp phụ trợ cũng như chống tham nhũng. Một nghiên cứu cho biết tham nhũng đang là một vấn đề vì ngày càng nhiều các vụ hối lộ với mức tiền ngày càng tăng mặc dù Luật chống tham nhũng mới được Quốc hội sửa đổi và Chính phủ hướng dẫn thi hành.

Phương Dung

Đài truyền hình Đức: Việt Nam có thể thành tâm điểm cho thương mại thế giới - 2