Đại hội cổ đông DaiABank bất thành, việc sáp nhập HDBank bỏ ngỏ

(Dân trí) - Kể cả trong trường hợp đủ điều kiện tổ chức thì ĐHCĐ thường niên DaiABank lần này cũng sẽ không bàn đến những vấn đề đang được cổ đông quan tâm là bầu bổ sung nhân sự HĐQT, Ban Kiểm soát và vấn đề quanh dự định sáp nhập với HDBank.

Việc sáp nhập, tái cơ cấu chưa được thông qua tại ĐHCĐ lần này của DaiABank.
Việc sáp nhập, tái cơ cấu chưa được thông qua tại ĐHCĐ lần này của DaiABank.

Sáng nay (9/5/2013) Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) đã tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2013 tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai. 

Tuy nhiên, đại hội lần thứ nhất trong năm nay của DaiABank đã không thuận lợi khi ông Nguyễn Xuân Khánh - Trưởng Ban Kiểm soát báo cáo kết quả thẩm tra thành phần cổ đông tham dự Đại hội, tỷ lệ chỉ đạt 52,42%.

Như vậy, theo quy định tại Điều lệ Ngân hàng và tại Luật Doanh Nghiệp năm 2005, DaiABank chưa đủ điều kiện để tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Do vậy, cổ đông sẽ phải chờ tới lần tổ chức thứ 2, và trường hợp xấu nhất là lần thứ 3.

Theo ông Lê Hữu Tịnh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, theo chương trình ban đầu, Đại hội cổ đông thường niên lần này sẽ bao gồm nhiều nội dung trong đó có việc trình bổ sung về nhân sự HĐQT và Ban Kiểm soát.

Tuy nhiên, lường trước để hoàn tất thủ tục phải chờ sự chấp thuận của NHNN Việt Nam sẽ kéo dài thời gian nên HĐQT DaiABank đã chủ động có văn bản số 157 ngày 15/4 gửi Ngân hàng Nhà nước để xin tổ chức Đại hội thường niên trong tháng 6/2013. 

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước hồi đáp, từ chối đề xuất này, yêu cầu ngân hàng phải tuân thủ nghiêm quy định của Pháp luật, tổ chức Đại hội cổ đông thường niên trong vòng 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Do vậy, với việc tổ chức ĐHCĐ vào hôm nay theo đúng chỉ đạo, Tờ trình về cơ cấu nhân sự sẽ được gác lại sau khi Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, sau đó, DaiABank sẽ lấy ý kiến cổ đông tổ chức Đại hội bất thường để bầu bổ sung. 

Thông tin này để làm rõ hơn về ý kiến cho rằng “một số cổ đông lớn không tham dự Đại hội với lý do chương trình nghị sự không bầu bổ sung HĐQT và BKS” – thông cáo của DaiABank nêu.

Liên quan đến vấn đề hợp nhất với ngân hàng HDBank, ông Quách Văn Đức, Chủ tịch HĐQT DaiABank cho biết, đến thời điểm hiện tại, HĐQT hai ngân hàng đang trong quá trình trao đổi, tìm hiểu thông tin. 

“Việc hợp nhất sáp nhập, tái cơ cấu là rất quan trọng nên chưa thông qua Đại hội đồng cổ đông thường niên lần này” – ông Đức nói “HĐQT DaiABank luôn quan tâm cao nhất lợi ích cổ đông và lợi ích ngân hàng nên chúng tôi luôn thận trọng với trách nhiệm của mình”.

Như vậy, với ĐHCĐ lần thứ nhất thất bại, những thắc mắc, chờ đợi của cổ đông về nhân sự bổ sung và câu chuyện sáp nhập với HDBank vẫn còn bỏ ngỏ.
 
Việc ĐHĐCĐ lần 1 thất bại được mô tả là một điều không vui với các cổ đông nhỏ của DaiABank, những người "đến rồi lại đi về" khi chưa hiểu chuyện gì đang thực sự xảy ra tại ngân hàng mà họ là người đồng sở hữu. Một số người khác, hiểu việc hơn, vẫn nguyên trăn trở về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu nếu sáp nhập.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Hữu Tịnh - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT DaiABank cho biết: "Sau khi có biến động tại một ngân hàng lớn khác, thì cơ cấu sở hữu tại DaiABank có thay đổi, lượng cổ phần của ngân hàng này tại DaiABank được chuyển cho nhóm cổ đông mới của ngân hàng khác. Do đó việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS là đúng và phù hợp.

Chúng tôi đã lường trước việc trình chuẩn y nội dung bầu bổ sung HĐQT và BKS sẽ tốn thời gian vì bao gồm rất nhiều thủ tục. Vì vậy theo luật phải tổ chức ĐHĐCĐ thường niên đúng hạn, rồi nội dung này đến khi được chuẩn ý sẽ xin ý kiến cổ đông tổ chức đại hội bất thường. Tuy nhiên, nhóm cổ đông mới lại không đến dự. Họ có quyền làm vậy, và HĐQT sẽ làm đúng luật để tổ chức ĐHĐCĐ lần hai".

Liên quan đến việc đàm phán sáp nhập với HDBank, ông Tịnh cho biết đây là vấn đề quan trọng và cần sự thận trọng. Ông Tịnh dẫn lời một số cổ đông tới dự đại hội sáng nay, cho rằng không nhất thiết phải vội vã nếu vẫn còn sự hoài nghi về năng lực tài chính. Tuy nhiên, ông Tịnh cũng thừa nhận trong xu hướng hiện tại, bao gồm việc nhà nước thoái vốn theo định hướng, thì lộ trình này có thể đạt được trong tương lai không xa.
 
Hiện theo tìm hiểu, khoảng 35% cổ phần DaiABank do Công ty Tín Nghĩa nắm giữ và đại diện sở hữu (đại diện cho quyền sở hữu của UBND tỉnh Đồng Nai). Nhóm cổ đông mới, được cho là HDBank và các cá nhân liên quan, nắm trên dưới 40% cổ phần.
 
Được biết HDBank và DaiABank đã đàm phán với nhau hàng năm trời liên quan đến viẹc sáp nhập, và chủ trương đã được NHNN chấp thuận. Tuy nhiên, diễn biến sáng nay cho thấy mọi chuyện vẫn chưa đến hồi kết và thị trường vẫn phải chờ những diễn biến tiếp theo trong cuộc sáp nhập tự nguyện đúng nghĩa đầu tiên của ngành ngân hàng.
 
Mai Chi - Hoành San