Đại gia xây nhà giá rẻ: Thị trường sẽ được dẫn dắt bởi các ông lớn
(Dân trí) - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, thông tin các đại gia địa ốc thay đổi quan niệm đầu tư, hướng vào các dự án nhà ở giá rẻ, bình dân là điều hết sức kỳ vọng. Nó nói lên hai vấn đề là bản thân các nhà đầu tư đã nhìn ra và chấp nhận thay đổi. Thứ 2 là những thay đổi từ chính sách, từ kêu gọi của Nhà nước đã có tác dụng.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Việc Vingroup đưa ra tuyên bố xây nhà ở 700 triệu đồng, ngay sau đó Tập đoàn Mường Thanh cũng đưa thông tin cung cấp nhiều căn rẻ hơn là tín hiệu vui, là thành công chính sách của Nhà nước trong phát triển nhà ở giá rẻ".
Theo đánh giá của ông Võ, khó có xu hướng đổ bộ ồ ạt của các DN cho đầu tư nhà giá rẻ. Thời gian qua thị trường bất động sản nằm trong tay của nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc cỡ lớn. Cuộc chơi đang được quyết định bởi xu hướng đầu tư của nhiều đại gia.
Chính vì thế mới có chuyện, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng dù cầu ít song các đại gia vẫn đổ dồn đầu tư. Bất động sản nhà ở biệt thự, căn hộ cao cấp, nhiều người bán, ít người mua, tính thanh khoản thấp được nhà đầu tư đổ dồn và xây dựng. Trong khi đó, mặt hàng bán chạy, cầu cao như: nhà ở giá rẻ ít người quan tâm đầu tư.
Thị trường đã thay đổi, từ khi các ông lớn thay đổi tư duy đầu tư, hứa hẹn thời gian tới sẽ có nhiều dự án, nhiều nguồn cung tốt hơn. Tuy nhiên, ông Võ nhấn mạnh thực tế thời gian qua, nhiều DN đầu tư nhà giá rẻ ngán ngẩm vì đa số dự án nhà giá rẻ ở khá xa trung tâm, các dự án ven đô đều cao cấp; thuế đất vẫn cao, vay vốn tín dụng khó khăn...
"Năm 2017, khó khăn đối với phát triển nhà ở xã hội còn lớn, nhưng giải quyết nhà ở giá rẻ cần coi là nhiệm vụ trọng tâm bởi đây sẽ là mảng miếng lớn đối với các DN địa ốc và là sản phẩm mà thị trường có nhu cầu nhiều. Các DN nên đầu tư thay vì trợ giúp bao cấp từ Nhà nước", ông Võ cho biết.
"Nhà nước luôn phải loay hoay trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ, giật chỗ này, vá chỗ kia. Nay thì vấn đề thị trường đã được thị trường giải quyết, được DN thay vai trò của Nhà nước đảm nhiệm. Tôi phải nói rằng, hướng đi này đúng, trúng và phù hợp với thị trường hóa quan hệ sản xuất và tiêu dùng. Sau đây, Nhà nước nên tiếp tục trở thành vai "bà đỡ, kiến tạo" những chính sách để giúp thị trường có xu hướng rẻ hóa, đa dạng hóa căn hộ, nhà ở", ông Võ khẳng định.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, bất động sản vẫn là thị trường tốt cho các ngân hàng trong năm tới, các dự án hiệu quả như phân khúc nhà ở xã hội, thu nhập thấp sẽ là trọng điểm tín dụng của các ngân hàng thương mại. Ông Lực cho hay, từ khi Luật Nhà ở và Luật Đầu tư BĐS thay đổi cho người nước ngoài sở hữu nhà, hiện đã có khoảng 1.000 người nước ngoài, đặc biệt trong phía nam, tham gia thị trường.
Ông Lực kiến nghị, thời gian tới Việt Nam cần có trung tâm thông tin về bất động sản. Đây sẽ là nơi các DN, nhà đầu tư và người dân có nhu cầu tra cứu và tìm hiểu dự án. Về vấn đề vốn, cần lập quỹ tín thác bất động sản, hướng đến thị trường tài chính cho BĐS rất quan trọng và Singapore đã thành công.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội, thực tế thì nhu cầu nhà ở giá rẻ đã hình thành từ rất lâu bởi đa số người dân có thu nhập tầm trung, dẫn đến nhu cầu đối với nhà ở thương mại hạng B hay nhà ở thương mại giá rẻ hạng C tăng cao, tính thanh khoản lớn. Tuy nhiên, thị trường hạn chế nguồn cung do xu hướng chạy đua phát triển nhà cao cấp.
Tuy nhiên, bà Hằng nhận định: "Khi một nguồn cầu căn hộ hạng A đã đạt đến 1 ngưỡng nhất định, nếu chúng ta bỏ trứng trong 1 rổ sẽ có những rủi ro nhất định. Do đó cần san sẻ rủi ro sang một thị trường có tiềm năng trong tương lai và đây sẽ là xu hướng tất yếu. Nhà ở thương mại giá rẻ được đánh giá là có tiềm năng dài hạn dựa trên vấn đề dân số, bởi như chúng ta nhận thấy dân số ở các thành phố lớn luôn gia tăng và khi lượng người nhập cư vào thành phố gia tăng dẫn đến nhu cầu nhà ở cũng gia tăng".
Nguyễn Tuyền