Đại gia vào tù, ngàn người tan nát cơ nghiệp
Các vụ án kinh tế lớn xảy ra dồn dập trong vài năm gần đây cho thấy thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) quá phụ thuộc vào một người lãnh đạo. Những quyết định sai lầm của “linh hồn của DN” thường để lại hậu quả nặng nề, nhấn chìm DN khiến cổ đông, người lao động lao đao và nhiều ngân hàng chìm trong nợ xấu.
Đổ vỡ dây chuyền vì đại gia
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa có quyết định đưa cổ phiếu JVC của CTCP Y tế Việt Nhật vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 15/8.
Hồi đầu tháng, DN này công bố báo cáo tài chính kiểm toán riêng lẻ và hợp nhất năm2015 (niên độ 1/4/2015-31/3/2016) với những chênh lệch rất lớn so với báo cáo tài chính (BCTC) tự lập. DN bất ngờ lỗ ngàn tỷ, lũy kế bằng khoảng 90% vốn điều lệ.
Cú sốc JVC đã để lại thảm họa đối với rất nhiều NĐT trên TTCK. Túi tiền của nhiều người bỗng chốt bốc hơi gần như hết. Số liệu trên thị trường cho thấy, trong hơn một năm qua, doanh thu của JVC đã giảm gần một nửa. Tổng tài sản giảm gần 70%. Cổ phiếu JVC đã giảm gần 10 lần xuống còn 2.600 đồng/cp.
Sự sụt dốc của JVC gắn liền với sự cố cựu Chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt giam cách đây hơn 1 năm. Câu chuyện lùm xùm JVC liên quan tới ban lãnh đạo, từ tin đồn bất lợi về dự án JVC tham gia mà không một lời giải thích cho tới vụ miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT và TGĐ đối với ông Lê Văn Hướng sau khi ông này bị bắt.
Cổ đông của Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) còn rơi vào tình trạng bế tắc hơn. Nhà đầu tư N.V. Dũng tại Hải Phòng cho biết, ông bị mắc kẹt gần 1 tỷ đồng cổ phiếu KSS do nghĩ rằng giá có thể hồi phục. Thua lỗ khá nhiều trước đó, ông Dũng tiếp tục mua vào hơn 200 ngàn cổ phiếu KSS cách đây hơn 1 năm vì giá xuống quá thấp, chỉ hơn 4 ngàn đồng/cp. Tuy nhiên, sau đó giá cổ phiếu này tiếp tục giảm còn 800 đồng/cp, bị tạm ngừng giao dịch từ 6/2016 rồi hủy niêm yết hồi đầu tháng 7.
Sự lụi tàn của KSS gắn liền với việc chủ tịch kiêm TGĐ Nguyễn Văn Dĩnh bị bắt và bị khởi tố cùng kế toán trưởng liên quan tới việc làm giả con dấu, những khuất tất về tài chính và những khoản nợ khổng lồ của DN.
Giới đầu tư cũng chứng kiến Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh đổ dốc không phanh sau khi đại gia này vướng vòng lao lý. Thiên Thanh được biết đến là một tập đoàn lớn, từng mua lại nhiều khách sạn tên tuổi như Green Plaza Đà Nẵng, khách sạn Tam Kỳ, khu du lịch Long Hải Beach Resort.
Trước đó, người dân Đà Nẵng từng giật mình khi nghe tin sân vận động Chi Lăng bị ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh mua để đầu tư dự án tỷ USD. Tháng 4/2014, khi sếp lớn bị bắt, đất vàng của Thiên Thanh thành bãi hoang tàn.
Tới cuối 2015, TP. Đà Nẵng đã đề xuất thu hồi dự án tỷ đô như khu phức hợp thương mại dịch vụ cao cấp tại Sân vận động Chi Lăng cũ do Tập đoàn Thiên Thanh làm chủ đầu tư.
Quản trị lỏng lẻo
Cũng chỉ vài tháng sau khi ông Danh bị bắt, hàng loạt dự án của Tập đoàn Thiên Thanh ở miền Trung đã bị phong tỏa. Hầu hết đó là các dự án được triển khai trên những khu đất vàng nhưng gần như bỏ trống. Trong khi đó, 13 bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh tại TP.HCM bị cấm sang tên.
Các dự án lớn khác của Thiên Thanh như: khách sạn Green Plaza trên đường Bạch Đằng (trước mua lại từ Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam với giá khoảng 350 tỉ đồng),... cũng sẽ trở thành các tài sản được xem xét trong quá trình phán xét của tòa án.
Trước đó, năm 2011, Công ty TNHH TM công nghiệp Thái Sơn tại Hải Phòng đã được bán với giá 1 USD kèm theo đó là khoản nợ triệu đô. Phạm Văn Thụ, TGĐ Thái Sơn đã bị bắt với tội danh “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Cáo trạng sau đó xác định các bị can đã lừa hàng trăm tỷ đồng của 9 NH.
Đây thực sự là một cú sốc với người dân Hải Phòng, bởi Thái Sơn được biết đến là DN nhập khẩu sắt thép lớn nhất thành phố cảng và là một DN vốn thuộc top 500 DN tư nhân lớn nhất của Việt Nam. Giờ tất cả đã thành phế liệu và hậu quả để lại còn rất lớn, trong đó có nhiều NH.
Câu chuyện đổ vỡ của một đại gia thủy sản ở Cần Thơ cũng khiến hàng ngàn công nhân, NH và đối tác rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở. Đầu 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra BCA khởi tố, bắt giam Phan Bá Tòng (tự Tòng Thiên Mã, SN 1974) - Giám đốc Công ty Thiên Mã, trụ sở tại TP. Cần Thơ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo báo cáo, lúc cao điểm, Thiên Mã có 3 nhà máy thu hút đến 3.500 công nhân với tổng công suất lên đến 300 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Thị trường xuất khẩu của công ty được phát triển tới 40 nước.
Hàng loạt các đại gia thủy sản khu vực ĐBSCL khác như bà Đặng Thị Ngơi (Thủy sản Ngọc Sinh), Nguyễn Tấn Hải (Việt Hải), Phan Xuân Minh (Minh Châu),... cũng bị truy tố khiến chính các DN này lao đao, lãnh đạo nhiều cán bộ NH rơi vào vòng lao lý.
Các vụ án kinh tế lớn xảy ra dồn dập trong vài năm gần đây cho thấy thực tế, nhiều DN phụ thuộc vào một người lãnh đạo. Những quyết định sai lầm của “linh hồn của DN” thường để lại hậu quả nặng nề, nhấn chìm DN khiến cổ đông, người lao động lao đao và nhiều NH chìm trong nợ xấu.
Trong không ít các trường hợp, DN hoạt động theo mô hình gia đình, một người chỉ đạo vận hành cả bộ máy. Đây là điều ít gặp trong hoạt động của các DN ở các nước phát triển nơi mà quản trị được đặt ở vị trí rất cao, mọi hoạt động theo một guồng máy chặt chẽ, các quyết định mang tính rủi ro cao đều được đưa ra xem xét, kiểm soát cẩn trọng.
Theo M. Hà
Vietnamnet