Đại gia hờ hững với đất vàng
Có những khu đất vàng bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua.
Rà soát các dự án “đất vàng” khu trung tâm TP.HCM TP.HCM: Đại gia đua nhau giành đất vàng trung tâm rồi... bỏ ngỏ Đua xả hàng bất động sản trên “đất vàng” Sài Gòn Đại gia và “canh bạc” bất động sản Thêm 500 triệu USD đầu tư vào khu đất vàng quận 1
Trước đây các nhà đầu tư “giành giật” nhau để có được khu đất vàng nhưng gần đây họ tỏ ra không còn mặn mà nữa. Cụ thể, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT TP.HCM cho biết năm ngoái đơn vị đã tổ chức bán đấu giá 28 khu đất vàng trên địa bàn thành phố với tổng diện tích gần 855.000 m2. Tuy nhiên, mới chỉ đấu giá thành công bốn khu đất với tổng diện tích hơn 9.5000 m2. Ngoài ra còn có ba khu đất được tổ chức đấu giá nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia.
Nhiều khu đất bán chưa được chuyển sang năm nay, cộng thêm chín khu đất mới được bổ sung nâng tổng số khu đất dự kiến bán đấu giá trong năm nay là 23.
Giá cao, thủ tục rối
Đáng chú ý có những khu đất vàng bán đấu giá nhiều lần không có người mua hoặc có nhà đầu tư đã trúng thầu nhưng sau đó trả lại. Chẳng hạn khu đất 23 Lê Duẩn nằm trong lõi trung tâm thành phố với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du rộng 3.300 m2. Khu đất này được Công ty Tân Hoàng Minh đấu giá thành công trong phiên đấu giá ngày 23-6-2015 với 1.430 tỉ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong lịch sử các cuộc đấu giá đất đai ở địa bàn thành phố. Tuy nhiên, mới đây Tân Hoàng Minh đã làm đơn trả lại cho thành phố khu đất vàng này.
Vì sao các nhà đầu tư lại tỏ ra hờ hững với đất vàng? Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), cho hay: “Trước đây công ty từng có kế hoạch tham gia đấu giá một khu đất vàng ở Thủ Thiêm. Nhưng sau khi tìm hiểu thấy thủ tục rối ren, phức tạp, điều kiện đấu giá khó khăn… nên công ty rút lui”.
“Hiện nay, thay vì săn khu đất vàng, chúng tôi đi tìm những khu đất có sẵn bằng cách liên kết, liên danh. Điều này giúp quá trình thực hiện dự án nhanh và không phải trải qua các thủ tục phức tạp, cũng không phải đóng một số tiền lớn ngay từ đầu cho dự án trúng thầu” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, lãnh đạo một công ty bất động sản khác cho rằng hiện nay chủ đầu tư kinh doanh bất động sản không phải cứ thấy đất vàng là ham, là nhảy vào ngay như trước đây. Lý do giá những khu đất này vốn đã “đắt như vàng” và luôn bị đẩy giá lên rất cao nên nhà đầu tư không thể nào với nổi. Mặt khác, thời gian chủ đầu tư sở hữu những lô đất này chỉ 50 năm, không đủ thời gian để họ tính toán kinh doanh dài hạn.
Một vấn đề cũng gây lo ngại là khoản tiền đặt trước khi tham gia đấu giá tài sản. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự, cho biết theo quy định tại Điều 29 Nghị định 17/2010/thì người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
Ví dụ, với giá khởi điểm của khu đất vàng 23 Lê Duẩn là 558 tỉ đồng, chỉ tính riêng khoản tiền cọc chiếm 15%, tương đương khoảng 83 tỉ đồng. Đây là số tiền cọc không hề nhỏ.
Tìm cách đánh thức đất vàng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định những khu đất vàng của thành phố phần lớn đều ở các vị trí đắc địa. Do vậy khi Nhà nước kêu gọi được nhà đầu tư đánh thức những khu đất vàng sẽ làm tăng thêm các sản phẩm bất động sản như khách sạn, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, khu thương mại dịch vụ, tiện ích và các mảng xanh đô thị.
“Việc đầu tư vào các khu đất vàng không chỉ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế mà còn tăng thêm lợi ích cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà” - ông Châu phân tích.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng quá trình đấu giá tài sản thuộc sở hữu nhà nước vẫn còn nhiều điểm cần phải thay đổi. Ví dụ phương thức đấu giá còn thiếu tính công khai, minh bạch. Đồng thời cần có những quy định chặt chẽ để trừng phạt những ai để lộ thông tin qua đó tạo ra tình trạng “quân xanh, quân đỏ”.
Cũng theo ông Châu, các tổ chức hay công ty nước ngoài rất muốn tham gia đấu thầu những khu đất vàng. Đáng tiếc là việc họ có được tham gia đấu giá hay không đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức trong khi đây mới là những công ty có nguồn lực tài chính mạnh.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, phân tích thêm: “Đối với những nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thì hồ sơ pháp lý là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn khu đất vàng để quyết định đầu tư. Do đó nếu xét thấy những khu đất vàng còn tồn tại nhiều vướng mắc thì chắc chắn chủ đầu tư sẽ rất ngại dính vào”.
Đất vàng ế
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng vừa cho báo chí biết kết quả bán đấu giá sáu lô đất vàng tại TP Đà Lạt đã không thành công, do không có đơn vị hay cá nhân nào đăng ký đấu giá. Đợt bán đấu giá vừa qua cũng là lần thứ ba các lô đất này chào bán. Nguyên nhân khiến các lô đất vàng tại thành phố du lịch nổi tiếng bị ế chủ yếu là do giá khởi điểm quá cao, mật độ cho phép xây dựng thấp… khiến các nhà đầu tư chùn bước.
Săn dự án “chết”
Trong khi “quay lưng” với những lô đất vàng thì các đại gia địa ốc tại TP.HCM lại đua nhau tìm mua, chuyển nhượng những dự án “chết lâm sàng”. HoREA cho hay đầu năm 2016 toàn thành phố còn 137 dự án trong tình trạng đắp chiếu, chết lâm sàng chờ chuyển nhượng. Nhưng tới thời điểm hiện tại đã có nhiều dự án được bán, chuyển nhượng thành công. Lợi thế của các dự án này là không phải đền bù giải tỏa, tính pháp lý rõ ràng, vị trí đẹp...
Nhiều nước trên thế giới chọn chủ đầu tư thông qua phương thức đấu giá đấu thầu công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành viên tham gia đấu thầu. Trong khi đó, chúng ta lại chủ yếu chọn chủ đầu tư theo hình thức chỉ định. Cách làm này cần phải thay đổi. Nếu không thì khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia bởi nó giảm tính cạnh tranh và khó tìm được doanh nghiệp mạnh.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch HoREA
Theo Thuỳ Linh
Pháp luật TPHCM