Đại gia trẻ tính chi hơn 1.000 tỷ đồng trong 1 tháng để củng cố quyền lực
(Dân trí) - Chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, đại gia sinh năm 1984 đã liên tục có kế hoạch chi ra cả nghìn tỷ đồng để mua vào cổ phiếu GEX ở vùng giá cao
Với diễn biến tăng tích cực của thị trường trong phiên khởi động tháng 9, cổ phiếu GEX của Gelex cũng tăng thêm 1.200 đồng tương ứng 5,41% lên 23.400 đồng. Mã này thời gian gần đây đang trong đà tăng mạnh. Trong 1 tháng qua, GEX ghi nhận mức tăng gần 26,5%.
Giá cổ phiếu GEX đang được hỗ trợ đáng kể bởi thông tin đại gia Nguyễn Văn Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Gelex - đăng ký mua vào khối lượng lớn cổ phiếu.
Theo đó, ông Tuấn đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu GEX từ ngày 4/9 - 2/10 thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thoả thuận.
Hiện tại, ông Nguyễn Văn Tuấn đang sở hữu 35 triệu cổ phiếu GEX tương ứng chiếm tỷ lệ 7,45%. Nếu giao dịch sắp tới thành công, ông Tuấn sẽ nắm giữ 55 triệu cổ phiếu, tương đương 11,7% vốn điều lệ Gelex.
Trước đó, trong thời gian từ 25/7 - 12/8, ông Tuấn đã mua thành công 35 triệu cổ phiếu GEX và trở thành cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp này (sau Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX) và là cổ đông cá nhân lớn nhất của Gelex.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vừa qua, ĐHĐCĐ Gelex đã thông qua việc cho phép ông Nguyễn Văn Tuấn và người có liên quan được mua/nhận chuyển nhượng cổ phiếu GEX dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu tới mức 36% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
GEX hiện đang ở vùng giá cao nhất của mã này và đã tăng rất mạnh từ vùng đáy 13.400 đồng hồi trung tuần tháng 3/2020. Với mức giá hiện tại của GEX thì ông Tuấn sẽ phải dự chi tối thiểu là 468 tỷ đồng để sở hữu 20 triệu cổ phiếu GEX như đã đăng ký.
Tính ra, chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, vị đại gia sinh năm 1984 đã liên tục có kế hoạch chi ra cả nghìn tỷ đồng để mua vào cổ phiếu GEX ở vùng giá cao.
Về thị trường chứng khoán, trong sáng nay, dòng tiền tiếp tục đổ vào cổ phiếu, chỉ số chính VN-Index chỉ mất ít phút đầu xác định xu hướng rồi vọt tăng tích cực. Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 6,34 điểm tương ứng 0,72% lên 887,99 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index cũng nhích nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,04% lên 124,9 điểm mặc dù hầu như toàn thời gian phiên sáng, chỉ số này hoạt động dưới ngưỡng tham chiếu. Tương tự, UPCoM-Index thu hẹp đà giảm, chỉ còn mất 0,05 điểm tương ứng 0,09% còn 58,77 điểm.
Thanh khoản đạt 172,63 triệu cổ phiếu tương ứng 3.316,82 tỷ đồng trên HSX và 18,13 triệu cổ phiếu tương ứng 197,09 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM thu hút 127,99 tỷ đồng với 10,26 triệu cổ phiếu giao dịch.
Hiện nay, còn tới 908 mã không hề diễn ra giao dịch nào. Trong khi đó, độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã tăng; có 354 mã tăng, 46 mã tăng trần so với 294 mã giảm, 27 mã giảm sàn.
Rổ VN30-Index sáng nay có 22 mã tăng giá và có 6 mã giảm, biên độ tăng khiêm tốn hơn so với VN-Index. Cụ thể, chỉ số rổ này tăng 4,71 điểm tương ứng 0,57% lên 828,64 điểm.
Trong số này, VJC tăng 2.100 đồng lên 105.100 đồng/cổ phiếu; VNM tăng 1.800 đồng lên 122.800 đồng; SAB tăng 1.500 đồng lên 193.000 đồng; GAS tăng 1.200 đồng lên 75.300 đồng; VIC cũng tăng 1.000 đồng lên 91.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng nói, VIC và VNM lần lượt là những mã có tác động tích cực nhất lên VN-Index với mức độ ảnh hưởng lần lượt là 0,95 điểm và 0,88 điểm. BCM sáng nay tăng trần lên 35.950 đồng và theo đó cũng mang lại 0,68 điểm cho VN-Index.
Nhóm cổ phiếu giảm giá trong rổ VN30 sáng nay là NVL, MSN, TCH, EIB, BID và TCB. Tuy vậy, ảnh hưởng từ những mã này không đáng kể.
Trước phiên giao dịch, Công ty chứng khoán SHS đã đưa ra nhận định, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 895-900 điểm.
Theo đó, nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể canh bán ra nếu thị trường có nhịp tăng tiến vào vùng kháng cự 895-900 điểm.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể canh những nhịp giảm về quanh ngưỡng 870 điểm để mua thăm dò một phần.