Đại gia: rùm beng tai tiếng, lao đao vì nợ nần

Không như kỳ vọng về một năm Rồng phát đạt, hàng loạt các đại gia hàng đầu tại Việt Nam khởi đầu năm mới Nhâm Thìn với khá nhiều tai tiếng. Sự nổi tiếng của họ ngày càng bay xa nhưng lần này có thể là điều mà họ không mong muốn.

Thua lỗ và nợ nần, tranh chấp và giành giật... là những cụm từ gắn liền với những cái tên nổi như cồn trong giới doanh nhân nhiều năm qua như bầu Đức, bầu Kiên, Đặng Văn Thành, Lê Hùng Dũng, Đặng Thành Tâm, Cường "đô-la", đại gia thủy sản Diệu Hiền...

 

Nợ nần và thua lỗ

 

Ngày 29/2, luật sư bên nguyên cho biết TAND quận Ô Môn, Cần Thơ đã lên lịch, dự kiến ngày 16/3 sẽ đưa ra xét xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng mua bán cá" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai với phía bị đơn là bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco).

Đại gia: rùm beng tai tiếng, lao đao vì nợ nần

Vụ việc xảy ra ngay sau khi bà Diệu Hiền tổ chức đám cưới con trai (19/2) với dàn siêu xe có một không hai và tiệc tùng xa hoa bậc nhất Cần Thơ, trong khi nợ tiền cá của nông dân chưa trả lên đến gần 250 tỷ đồng.

 

Trước đó hai ngày, Ngân hàng NNPTNT, Chi nhánh Cần Thơ đã từ chối khoản vay trên 300 tỷ đồng đối với Bianfishco với lý do là phía công ty không đảm bảo việc thanh toán nợ, không còn các khoản thế chấp tương ứng.

 

Theo nội dung trong tờ trình gửi lên Ngân hàng Nhà nước, bà Hiền cho rằng: Trong 10 tháng đầu năm 2011 hoạt động sản xuất và xuất khẩu của công ty rất tốt; khách hàng ổn định và có thêm nhiều đối tác mới. Tuy nhiên, vào cuối năm 2011 các ngân hàng đồng loạt thu hồi vốn và không tiếp tục giải ngân. Trong khi nhu cầu cần tiền để mua cá tra nguyên liệu trong dân rất lớn.

 

Trong khi đó, giới đầu tư trong nước tỏ ra khá bất ngờ với thông tin Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của bầu Đức - ông Đoàn Nguyên Đức đang nợ thuế tới hàng trăm tỷ đồng.

 

Nó bất ngờ ở chỗ, Hoàng Anh Gia Lai là một tập đoàn mạnh, có hoạt động trên nhiều lĩnh vực trọng yếu và trải rộng trên phạm vi cả nước và trong khu vực. Mặc dù vốn vay khá nhiều với cả dài hạn và ngắn hạn lên tới gần chục nghìn tỷ đồng nhưng đây là một trong 10 doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền mặt lớn nhất tại Việt Nam tính tới cuối năm 2011 (2.800 tỷ đồng).

 

Lên tiếng về thông tin này, ông Đức cho rằng đây là số thuế hợp nhất nhiều loại, của nhiều công ty con trong tập đoàn, ở nhiều địa phương khác nhau. Việc chậm nộp có thể do nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc chậm hoàn thành các báo cáo quyết toán, tài chính, nên chưa thể thực hiện nghĩa vụ thuế. Và HAG có thể trả số nợ thuế bất cứ lúc nào.

 

Trên các diễn đàn, có những người thông cảm với bầu Đức, nhưng cũng có không ít người cho rằng đại gia này đang chiếm dụng vốn của NSNN, rồi là tiền thuế phần lớn là của nhân dân và doanh nghiệp chỉ thu hộ nhà nước...

 

Trên thực tế, năm 2011, HAG vẫn là một trong 15 doanh nghiệp trên sàn có lợi nhuận tính theo giá trị tuyệt đối cao nhất và thuộc "câu lạc bộ nghìn tỷ". Số lãi hơn 1.000 tỷ năm qua dù chỉ bẳng khoảng hơn 50% so với năm trước đó cho thấy doanh nghiệp vẫn đang làm ăn có lãi. Dù sao, những câu chuyện nợ thuế bị bêu tên công khai cũng là một vấn đề phải xem xét, ít nhất về mặt quản trị.

 

Không may mắn như cổ đông HAG, các cổ đông của Tập đoàn của đại gia Cường "đô-la" còn bị "ăn vào thịt" trong năm 2011 với khoản lỗ quý IV lên tới hơn 100 tỷ đồng và cả năm là âm gần 40 tỷ. Hoạt động kinh doanh yếu kém chủ yếu là thị trường bất động sản đóng băng và chi phí lãi ngân hàng cao.

 

Thua lỗ là chuyện bình thường, nhưng đối với một tập đoàn lớn như của bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Cường) thì không ít người đặt vấn đề khai lỗ để trốn thuế, lỗ ít khai nhiều, đặc biệt khi mà ông chủ Cường "đô-la" vẫn đang xài tiền như nước.

 

Hiện giới chơi xe đang bàn tán về tin đồn đại gia Cường "đô-la" rao bán hai siêu xe Lamborghini Murcielago LP 640 và Lamborghini Gallardo để lấy tiền tậu một đôi "hàng khủng" Aventador LP700-4.

 

Không những thế, trong thời gian vừa qua, Quốc Cường Gia Lai đã có những tranh chấp và điều tiếng không đáng có với nhiều cư dân trong chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 sau những vi phạm về hợp đồng góp vốn mua nhà (giao nhà chậm) và lắp đặt vật liệu xây dựng chung cư không đúng theo hợp đồng.

 

Tai tiếng: tranh chấp và giành giật

 

Không dính vào nợ nần, thua lỗ, một số đại gia khác làm ăn rất phất nhưng lại đang rơi vòng xoáy các vụ tai tiếng khác.

 
Đại gia: rùm beng tai tiếng, lao đao vì nợ nần
 
 
Nếu như đại gia Nguyễn Đức Kiên (ngân hàng ACB) tai tiếng với vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá với AVG và với các cầu thủ, thì ông Đặng Thành Tâm - một doanh nhân sinh năm rồng lại bị dính líu vào vụ tranh giành quyền lực tại Đại học Hùng Vương.

 

Còn ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Ngân hàng Eximbank đang là tâm điểm chú ý của dư luận về nghi án thâu tóm Ngân hàng Sacombank với những cuộc đấu khẩu dày kín trên mặt báo.

 

Trong những ngày qua, đề tài ngân hàng bị thâu tóm và rồi làn sóng mua gom cổ phiếu ngân hàng (mà theo đó giá cổ phiếu ngành này đang tăng lên chóng mặt) được bán tán xôn xao trên khắp các sàn giao dịch cũng như trên các diễn đàn.

 

Phát pháo cho làn sóng này chính là được bắt nguồn từ khi Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng có công văn chính thức (ngày 17/2/2012) công bố đã nhận được ủy quyền bằng văn bản của nhóm cổ đông đại diện cho trên 51% vốn tại STB, đồng thời công khai yêu cầu STB bổ sung việc bầu lại toàn bộ HĐQT đương nhiệm vào chương trình họp ĐHĐCĐ sắp tới.

 

"Cuộc chiến" Sacombank-Eximbank chưa đến hồi kết nhưng sự việc này cho thấy trên thị trường, ngay cả đối với lĩnh vực nhạy cảm và chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chức năng chuyên biệt như NHNN và UBCK cũng đang xuất hiện những nhóm những nhà đầu tư lớn có xu hướng tập hợp sức mạnh để hình thành các thế lực mạnh hơn.

 

Đằng sau Eximbank là một nhóm các nhà đầu tư lớn. Trong đó, rất có thể có ông bầu nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên (ACB). Thuyết minh báo cáo tài chính của ACB cho thấy số tiền đầu tư vào tổ chức tín dụng khác của ngân hàng này lên tới 950 tỉ đồng, tuy nhiên không ghi rõ đây là những tổ chức nào. Ngoài ra, ACB còn có số tiền đầu tư dài hạn là 3.144 tỉ nhưng không cho biết có bao nhiêu tiền đầu tư vào các tổ chức tín dụng.

 

Riêng trường hợp đại gia Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu - ACB), ông bầu này không chỉ được xem là đứng đằng sau vụ Eximbank-Sacombank mà còn vướng vào vụ tranh chấp về bản quyền truyền hình và tranh chấp pháp lý với các cầu thủ.

 

Chỉ trong vài ngày cuối tháng 2/2012, ông bầu Kiên đã thua ở hai bản hợp đồng, một với cầu thủ Đinh Thanh Trung và hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG.

 

Vụ việc rắc rối xung quanh bản hợp đồng giữa cầu thủ Đinh Thanh Trung và CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên rút cuộc đã có kết thúc sau khi VFF xác nhận tiền vệ này là cầu thủ tự do và yêu cầu CLB bóng đá Hà Nội phải trả giấy thanh lý hợp đồng cho anh.

 

Trước đó, Thanh Trung đã có hành động từ chối ra sân do hợp đồng đã kí của anh với CLB Hòa Phát Hà Nội trước đây hết hạn vào ngày 21/1/2012. Trong hợp đồng có bản phụ lục cầu thủ và CLB sẽ thương lượng để kí tiếp hợp đồng sau khi hợp đồng cũ kết thúc.

 

Tuy nhiên, mức giá mà bầu Kiên đưa ra đã không đáp ứng được nguyện vọng của Thanh Trung. Tiền vệ này đã nhiều lần chủ động liên lạc nhưng đã không đạt được thỏa thuận với đội bóng.  Thanh Trung sau đó đã từ chối ra sân nhưng bầu Kiên lại yêu cầu Thanh Trung "phải thực hiện đúng những gì đã cam kết". Trong những lần gặp, bầu Kiên còn nói với Thanh Trung rằng mình có nhiều luật sư đứng đằng sau và Thanh Trung sẽ rất khó thắng kiện.

 

Kết cục đã rõ, bầu Kiên đã thua nhưng điều tệ hơn là nhiều người hâm mộ bóng đá cho rằng cách mà bầu Kiên đối xử với Thanh Trung là thiếu tình nghĩa bởi Thanh Trung là cầu thủ trẻ, đã có nhiều đóng góp cho Hòa Phát Hà Nội.

 

Trước đó, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF)  mà bầu Kiên là chủ sướng đứng đằng sau đã thua đau trong "cuộc chiến" bản quyền truyền hình trước Công ty An Viên (AVG) sau kết luận thanh tra của Bộ VH-TT-DL cho rằng hợp đồng giữa VFF và AVG là không vi phạm.

 

Gần đây, AVG cũng đã thẳng thừng từ chối VPF về đề nghị để Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị độc quyền nắm giữ bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Về cơ bản, đây có thể coi là một lần thất bại nữa của VPF và bầu Kiên trong vấn đề bản quyền truyền hình. Và một điều đáng nói là, sau những gì đã làm, bầu Kiên dường như đang đánh mất thiện cảm từ người hâm mộ.

 

Ở một lĩnh vực khác, đại gia Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) hôm 29/2 đã bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT Đại học Hùng Vương để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan đến vụ việc mất đoàn kết, mâu thuẫn nội bộ kéo dài giữa H ĐQT và Ban Giám hiệu nhà trường.

 

Ngoài ra, UBND TP.HCM cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 đối với Trường ĐH Hùng Vương để tập trung củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, công tác quản lý hoạt động của trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của nhà trường.

 

Được biết, ông Đặng Thành Tâm được Thành ủy TP.HCM mời làm nhà bảo trợ cho trường Đại học Hùng Vương từ năm 2004. Kể từ khi trường chuyển từ dân lập sang tư thục, ngoài tiền tài trợ học bổng, tổng số tiền góp vốn bất vụ lợi (tiền lãi phát sinh sẽ dùng để tái đầu tư) của ông Tâm cùng bạn bè, đơn vị ông là 50 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ tài chính của người đứng đầu SGI, trường Hùng Vương đã nhiều lần vượt qua khó khăn.

 

Tuy nhiên, sự đồng thuận giữa các thành viên Hội đồng quản trị duy trì không bao lâu đã phát sinh mâu thuẫn, nhất là từ khi trường chuyển sang tư thục, cơ chế quản lý, điều hành cũng khác biệt so với khi còn là dân lập.

 

Có thể thấy, khủng hoảng kinh tế trong năm qua đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Những khó khăn này phần nào đã tác động xấu đến hoạt động, đến uy tín của những người đứng đầu. Hơn nữa, những vụ tai tiếng lại phần lớn xuất phát từ quan điểm, thái độ và cách cư xử của những người đứng đầu.

 

Theo Mạnh Hà
VEF