“Đại gia” PVN cam kết tiết giảm hơn 3.700 tỷ đồng

(Dân trí) - Chủ tịch PVN Phùng Đình Thực cho biết: Tổng giá trị đăng ký tiết giảm của toàn PVN là 3.715 tỷ đồng, tăng 11% so với cam kết trước đó. Đây là con số tiết kiệm cao nhất trong các tập đoàn kinh tế nhà nước đã đăng ký triển khai.

“Đại gia” PVN cam kết tiết giảm hơn 3.700 tỷ đồng - 1
Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực.
 
Trong đó, tiết giảm chi phí quản lý là 563 tỷ đồng, tiết giảm từ việc cải tiến, hợp lý hoá sản xuất là 2.656 tỷ đồng, tiết giảm trong xây dựng cơ bản là 496 tỷ đồng.

Với con số tiết giảm chi phí quản lý 563 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ các chi phí quản lý từ Công ty Mẹ - Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, thắt chặt định mức chi tiêu, sử dụng ô tô, điện thoại, trang bị tài sản; lồng ghép các nội dung để rút ngắn thời gian họp, hội nghị nhằm tiết kiệm chi phí…

Cũng theo ông Phùng Đình Thực (Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN), PVN xem việc tiết giảm chi phí từ cải tiến, hợp lý hoá sản xuất và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng (tổng số tiền 2.656 tỷ đồng) là nội dung quan trọng nhất mà tập đoàn tập trung đẩy mạnh thực hiện trong năm 2012 và các năm tiếp theo. Theo đó, tập đoàn sẽ tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoan học kỹ thuật, áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến, và sáng kiến cải tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh; Rà soát, hiệu chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng; định mức khai thác và sử dụng máy móc, thiết bị…

Về tiết giảm chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản 496 tỷ đồng, ông Thực cho hay, giải pháp chủ yếu mà PVN sẽ làm là thực hiện giao thầu với mức tiết giảm 3 - 5% so với kế hoạch, giá dự toán được duyệt; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ bản bằng hình thức cam kết trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo ông Phùng Đình Thực, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong tháng 1 và 2/2012, PVN đã chủ động và tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ đề án tái cấu trúc doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn.

Theo đó, phương hướng là xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế. Tập đoàn sẽ tối ưu hoá mọi nguồn lực vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: Thăm dò khai thác dầu khí, Lọc-Hóa dầu, Công nghiệp khí, Công nghiệp điện và Dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Mục tiêu của Petrovietnam là tiếp tục giữ vững vị trí Tập đoàn mạnh số 1 của Việt Nam, phấn đấu trong 5 năm tới là tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20% giai đoạn 2011-2015. Ông Phùng Đình Thực cũng cho biết, đề án tái cấu trúc của Tập đoàn đang được hoàn thiện và sẽ được trình Chính phủ vào trung tuần tháng 3 tới.

Nguyễn Hiền