1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia ô tô lỗ nặng, bán cả nhà máy, tính nước bỏ nghề

Doanh số bán xe tải tính đến hết tháng 11/2018 giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu giảm trong cả năm 2018 trong khi tồn kho cao, nhiều đại gia ô tô gặp khó khăn chồng chất.

Doanh số bán giảm mạnh

Báo cáo tài chính Công ty cổ phần Ô tô TMT quý 3/2018 cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018 doanh thu thuần của TMT đạt 843 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2017 và mới hoàn thành được 27% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 8,1 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và cũng chỉ hoàn thành 28% kế hoạch năm. Theo kế hoạch kinh doanh đặt ra tại ĐHCĐ thường niên 2018 của TMT thì doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 3.076 tỷ đồng và 29,6 tỷ đồng.

Nhiều DN kinh doanh xe tải cũng gặp khó khăn tương tự, doanh số bán giảm mạnh, lợi nhuận giảm và không đạt kế hoạch đề ra.

Đại gia ô tô lỗ nặng, bán cả nhà máy, tính nước bỏ nghề - Ảnh 1.

Một năm ế ẩm của thị trường xe tải Việt Nam


Trong khi đó, lượng tồn kho lại khá cao. Theo quy định, từ 1/1/2018, xe ô tô động cơ diesel sẽ phải triển khai tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Tuy nhiên, các DN đã lắp ráp và đăng kiểm số lượng lớn xe tải tiêu chuẩn Euro 2 vào năm 2017, để sang 2018 bán ra. Những chiếc xe này có giá rẻ hơn so với xe tiêu chuẩn Euro 4, hy vọng sẽ bán tốt. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu lại giảm, tiêu thụ không nhiều dẫn đến tồn kho lớn. Một DN sản xuất lắp ráp xe tải tại Củ Chi (TP.HCM), cho biết, tiêu thụ xe tải từ đầu năm đến nay rất chậm. Năm 2017 công ty này còn bán được khoảng 60 xe mỗi tháng thì 2018 tháng bán tốt nhất chỉ đạt 50 xe, có nhiều tháng chỉ đạt 20-30 xe. “Chúng tôi đang phải cầm cự, đã phải giảm sản xuất và cho một số lao động tạm nghỉ việc ngay từ quý 2 vừa qua”, đại diện DN này than thở.

Một số DN năm nay chỉ bán được vài trăm xe, trong khi tồn kho cả nghìn chiếc, khiến chi phí bảo quản, lưu kho bãi với xe tồn và các linh kiện, nguyên vật liệu đầu vào tăng lên. Không ít DN có lượng xe tồn kho từ vài năm trước để lại nay không biết làm thế nào. Số lượng xe tải cả nước tồn kho ước tính lên đến cả chục ngàn chiếc, một số DN đã phải tạm ngừng kế hoạch đưa ra mẫu xe mới.

Theo các DN, nhu cầu xe tải giảm mạnh là do sau một thời gian siết chặt việc chở hàng quá tải đã lại dừng. Vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh vận tải thấy không cần đầu tư thêm xe mới. Những DN kinh doanh vận tải khi đó cũng đã mua lượng xe lớn nên nhu cầu giảm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng siết chặt cho vay với khách hàng mua xe tải kinh doanh, chính vì vậy doanh số bán giảm.

Hiện trên thị trường chỉ có những mẫu xe tải cỡ nhỏ giá rẻ, chất lượng đảm bảo, vẫn còn duy trì doanh số bán ổn định. Tuy vậy, các DN cũng phải đẩy mạnh khuyến mãi, trong khi trước đây không cần khuyến mãi vẫn bán tốt.

Đại gia ô tô lỗ nặng, bán cả nhà máy, tính nước bỏ nghề - Ảnh 2.

Hàng nghìn xe tải đang ế ẩm tồn kho (ảnh minh họa)

Rao bán doanh nghiệp

Từ tháng 4/2019, các DN sản xuất ô tô sẽ phải thực hiện quy định mới tại Nghị định 116/2017 NĐ-CP. Theo đó, các DN sản xuất lắp ráp ô tô, trong đó có xe tải, phải có đường xe với chiều dài tối thiểu 800m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đây là quy định bắt buộc, khiến nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô khó đáp ứng.

Đường thử theo quy định trước đây là 500m, nay muốn nối thêm 300m vào, không hề dễ dàng vì không biết kiếm đâu ra quỹ đất để bổ sung. Những DN nhỏ nhà xưởng vốn nhỏ bé, diện tích mặt bằng hạn hẹp, sẽ không dễ đáp ứng quy định này. Nếu muốn đáp ứng  chỉ còn cách thuê khu đất mới làm đường thử mới, như vậy, chi phí sẽ tăng, khiến giá xe đội lên.

Một điều kiện bắt buộc nữa là phải có dây chuyền sơn đạt tiêu chuẩn. Để đầu tư dây chuyền này tốn hơn 100 tỷ đồng, nhiều DN nhỏ không có tiền đầu tư, hoặc đầu tư xong cũng khiến giá xe đội lên.

Nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô quy mô nhỏ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa bởi không thể đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 116. Nếu có làm được thì chi phí cũng sẽ đồng loạt tăng, khiến giá xe tăng cao. Đã có một vài DN lắp ráp xe tải đang rao bán nhà máy.

Thời gian qua, giá xe tải đã giảm nhiều. Các DN cho hay, với xe tải nhập khẩu, do vướng các quy định tại Nghị định 116 nên từ đầu năm 2018 không thể về nước. Việc mang động cơ đi thử nghiệm khá phức tạp, nếu không đạt tiêu chuẩn thì rủi ro, nên nhiều DN đã không nhập xe nữa, nhất là từ Trung Quốc. Trong khi đó, hàng năm có hàng chục nghìn xe tải hết niên hạn sử dụng. Vì vậy các DN vẫn hy vọng thời gian tới thị trường sẽ khởi sắc.

Một DN kinh doanh xe tải cho biết, xe tải trọng 30 tấn trở lên trước đây chủ yếu nhập khẩu, nay không còn, trong khi có ít cơ sở lắp ráp trong nước, sắp tới khi tồn kho không còn, giá sẽ tăng. "Chúng tôi đang xem xét tình hình, dự kiến đầu năm 2019 sẽ tăng giá sản phẩm. Bởi giá bán hiện nay không có lợi nhuận", đại diện DN nói.

Dự báo của các DN cho thấy, thời gian tới một số sản phẩm sẽ tăng giá trở lại, đặc biệt là xe tải cao cấp. Với xe tải động cơ Euro 4, hạng trung từ 3-8 tấn, giá thành tăng thêm khoảng 50 triệu đồng, còn xe hạng nặng từ 8-30 tấn, giá dự kiến tăng hơn 100 triệu đồng mỗi xe.

Theo Trần Thủy
VietnamNet

Đại gia ô tô lỗ nặng, bán cả nhà máy, tính nước bỏ nghề - Ảnh 3.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm