"Đại gia" nông dân chơi ngông như Công tử Bạc Liêu

Từ thuở xa xưa, bên cạnh tầng lớp dân nghèo, vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn luôn có những người giàu lên từ… gốc hai lúa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Miền Tây đã vào mùa nước nổi, người dân tất bật “sống chung với lũ”, lo toan chuyện mưu sinh. Nhưng đó chỉ là cái lo của một số bộ phận người dân nghèo khó, còn người có của ăn, của để thì dù nắng, mưa hay lũ lụt, họ vẫn sáng sáng ngồi chễm chệ ở quán cà phê bàn chuyện thời sự và chuyện “ăn gì, chơi gì, mua gì…”.

Họ là những bậc cự phú ở miền sông nước miền Tây. Ít ai nghĩ rằng, ở miền Tây lại có những đại gia giàu “nứt đố, đổ vách” và thích chơi trội không thua dân Sài thành.

Tất nhiên, có những người biết làm giàu chính đáng, cũng có những người làm giàu bằng xương máu đồng loại. Có người giàu trong thanh bạch và cũng có rất nhiều người giàu “chảnh”. Và chuyện giàu “chảnh” không hiếm ở vùng đất chín rồng này.

Những tỷ phú gốc… hai lúa

Ông bà xưa có câu, “nhất gan, nhì gốc” để ám chỉ nguyên cớ giàu của những người bỗng dưng trở thành tỷ phú. Ngày xưa, muốn làm giàu người ta phải chấp nhận 2 điều kiện.

Thứ nhất là phải có gan vượt khó, vượt lên chính mình, vượt lên đồng loại. Có gan chinh phục thiên nhiên và dám khai phá, đánh thức những tiềm ẩn kinh tế của vùng đất rộng, phì nhiêu đang ngủ quên.

Thứ hai là có sẵn cái gốc giàu của cha mẹ, tổ tiên để lại qua tài sản thừa kế. Và bây giờ thêm tiêu chí thứ ba là phải có gan làm sui với… ngoại quốc. Cái gan thứ ba trở thành phong trào để thiên hạ đua nhau làm giàu và đua nhau… chảnh. Tuy nhiên, do cái tính cách phóng khoáng nhưng hời hợt, không sâu sắc, hiếm ai trụ được cái giàu của tổ tiên. Đa số người giàu ở vùng đất chín rồng hiện nay đều xuất thân từ “gốc bần”, tức gốc gác bần cố nông.

Tỷ phú Hồng Văn H. (Bảy H. ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) là một ví dụ. Ông có biệt danh tỷ phú… miệng đáy. Khi xưa, ông Bảy H. khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Lúc lập gia đình, cha mẹ cho vợ chồng ông ra riêng bằng tài sản là 2 cái miệng đáy cũ và căn chòi ở mép biển Rạch Gốc. Hằng ngày, ông lặn ngụp dưới nước cùng miệng đáy, vợ ông thì cắm mặt chăm sóc mấy con heo. Tuy làm lụng suốt ngày nhưng vẫn không đủ ăn.
 
Tỷ phú tôm Bến Tre (Người trong hình ảnh không phải là nhân vật được nhắc tới trong bài).
Tỷ phú tôm Bến Tre (Người trong hình ảnh không phải là nhân vật được nhắc tới trong bài).

Một hôm nhà hết gạo, vợ ông phải bấm bụng sang nhà hàng xóm mượn đỡ lon gạo về nấu cháo cứu đói cho gia đình. Nhà hàng xóm lúa gạo chất đầy nhưng keo kiệt không cho mượn mà còn mỉa mai: “Tại làm biếng nên mới nghèo. Vợ chồng đủ tay, đủ chân mà phải đi mượn gạo…”. Tự ái, vợ chồng Bảy H. nuôi ý chí làm giàu bằng mọi cách. Ông chạy vạy khắp nơi mua tấm đáy mới, với lòng quyết tâm, ông cùng vợ bám biển, cỡi sóng ngày đêm khai thác thủy sản. Sau vài năm “sống, chết” bám biển, vợ chồng tích luỹ và làm chủ gần 100 miệng đáy, thu nhập mỗi tháng hơn 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, kiếp cơ cực của nghề hạ bạc cứ thăng trầm theo con nước thủy triều và bấp bênh theo từng cơn bão nên ông chuyển sang nghề thu mua thủy, hải sản tận gốc. Vì ông mua tận gốc, không phải qua thương lái chuyên ép giá ngư dân nên được nhiều người tin tưởng. Nhưng chính điều này đã khiến các con buôn bắt tay nhau nâng giá ngọn và hạ giá bán ở gốc khiến ông phải lỗ vài trăm triệu đồng.

Bị lỗ và không đủ ma lanh để chống chọi với những chiêu trò của các thương lái nên ông chuyển sang đầu tư nhà máy chế biến thu mua nguyên liệu, mua tận gốc bán tận ngọn. Ông dành hẳn một phần vốn cho việc trợ vốn bạn đáy. Tuy là một giám đốc giàu có nhưng ông không xem ngư phủ là khách hàng mà là bạn đáy như thuở hàn vi. Nhờ vậy, việc làm ăn của ông luôn phát đạt. Cơ sở chế biến của ông tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Còn rất nhiều những tỷ phú “gốc bần”, do tức mà trở nên giàu có. Nhiều vị tỷ phú bắt đầu khởi nghiệp bằng những nghề chỉ dành cho người nghèo. Thế nhưng, nhờ yêu nghề, biết tận dụng lợi thế và thời cuộc, họ đã làm giàu bằng chính cái nghề tưởng chừng "thấp hèn". Họ trở thành những vị vua không ngai của nghề đó.

Tỷ phú tôm Bến Tre (Người trong hình ảnh không phải là nhân vật được nhắc tới trong bài).
Vẫn còn những đại gia miền Tây bình dị với những thú vui tao nhã (Người trong hình ảnh không phải là nhân vật được nhắc tới trong bài).

Ở TP.Cần Thơ và An Giang có nhiều tỷ phú… cá tra đến nổi không thể thống kê hết được. Điển hình nhất là tỷ phú Bảy Viễn. Là một kỹ sư nông nghiệp làm việc cho Nhà nước, do hoạt động không hiệu quả, đơn vị giải tán, Bảy Viễn ôm nỗi thất chí về nhà đào ao nuôi cá tra. Ai cũng cười gã kỹ sư gàn vì lúc đó mọi người đều nuôi cá tra bè chứ không nuôi cá tra ao.

Bảy Viễn lẵng lặng làm một mình. Anh nghiên cứu quy trình nuôi cá theo kiểu kinh tế công nghiệp. Sau vài năm "lỗ sặc máu", quy trình nuôi cá tra ao công ngiệp đã hoàn thành và chứng minh lợi nhuận cao gấp 10 lần nuôi cá tra bè. Anh là người khuấy động phong trào nuôi cá tra ao kiểu công nghiệp thành phong trào rầm rộ khắp vùng sông Hậu, sông Tiền. Nhờ phong trào này hàng ngàn tỷ phú cá tra xuất hiện.

Hầu hết các tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng đều trải qua nhiều thăng trầm bất chợt. Nhờ lòng kiên trì, uy tín, chất phác và quyết tâm, họ đã vượt qua và thành công. Nhưng bên cạnh đó, có một dạng tỷ phú nhờ hồng phúc con gái, tức nhờ vào “hồng nhan bạc tỷ”, nghĩa là làm sui với nước ngoài rồi sang, rồi chảnh. Luận chuyện chơi ngông của các tỷ phú, dù giàu bằng cách nào, thì cũng cười ra nước mắt. Đến nỗi có thời gian, những cái chảnh của tỷ phú đã trở thành đề tài nóng ở các buổi cà phê sáng, trong tiệc nhậu… của những người dân miền Tây.

Những đại gia giàu bất ngờ và chơi bất tận

Người miền Tây ít chú trọng vẻ bề ngoài và xuề xòa trong giao tiếp, cũng như lễ nghi. Vì vậy, chỉ một số ít tỷ phú xây biệt thự để xứng tầm với tiền bạc mà mình vất vả làm ra, còn lại họ sống trong cảnh tuềnh toàng. Nhưng khi những vị đại gia kiểu này bất chợt… chảnh và chơi tới bến để dằn mặt những ai dám khoe khoang và “có mắt mà không biết họ giàu” thì ai cũng sợ.

Có một đại gia tầm cỡ ở TP.HCM về Đồng Tháp kiếm đất mua, xây biệt thự để cuối tuần về quê hưởng không khí trong lành. Ông này lái chiếc xe hơi đời mới trị giá vài tỷ và ghé vào nhà người dân ven đường để hỏi đường đi, cũng như thăm dò đất. Vừa lúc đó, chủ nhà đang đuổi gà và vô tình ném hòn đá trúng vào xe, gây một vết xước dài bên hông xe. Xót xe mới, vị đại gia nhăn mặt trách, chủ nhà hoảng nên rối rít xin lỗi và đề nghị được bồi thường. Đang tức, vị đại gia bảo: “Anh có bán hết nhà cũng không bồi thường nổi…”. Thấy bị khinh ra mặt, chủ nhà nóng máu thách: “Có ngon thì anh bán chiếc xe này cho tui, lấy tiền mua chiếc khác”.

Nhìn thấy ông chủ nhà đang mặc độc chiếc quần cụt đã ngấm phèn, da đen nhẻm loang lổ vết đồi mồi do dãi nắng dầm mưa nên vị đại gia cười khẩy thách chơi: “Xe trị giá 4 tỷ, nếu trả tiền mặt, tôi bán ông giá 2 tỷ mà thôi”. Ai dè, ông chủ nhà chẳng nói chẳng rằng đi thẳng vào nhà. Một lát sau, ông ta quay ra với một giỏ xách tiền mặt đủ 2 tỷ đồng. Biết đụng phải đại gia thứ thiệt và tay chơi liều mạng nên đại gia Sài Gòn cười giã lã và xin lỗi bằng chầu nhậu rượu đế. Sau cuộc đối ẩm bất đắc dĩ này, đại gia Sài Gòn mới biết ông chủ nhà là một trong những “ông vua” xuất khẩu gạo có tiếng ở miền Tây.

Ở quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, ai cũng biết chuyện ông S. đi mua xe hơi. Sáng hôm đó, ông S. mặc quần đùi, cùng mấy người bạn ngồi quán vỉa hè uống cà phê bàn chuyện thời sự. Nhắc đến xe hơi, ông S. bỗng dưng hứng chí rủ bạn xuống Cần Thơ tậu xe hơi ngay. Thế là 3 ông nông dân mặc nguyên áo thun, quần đùi, xách giỏ bàng ra cửa hàng bán xe hơi ở TP.Cần Thơ xem xe. Thấy 3 ông nông dân lúi húi ngắm nghía từng chiếc xe, nhân viên bán xe…phát chán vì xem thường.

Sau một hồi, ông S. hỏi: “Xe này giá bao nhiêu?”. Nhân viên bán hàng khinh khỉnh trả lời: “Chú mua không nổi đâu”. Ông S. tức mình bảo: “Giá bao nhiêu mà mua không nổi?”. “Giá hơn 2 tỷ đồng”, vừa nghe nhân viên trả lời xong, ông S. gật đầu cái rụp và bảo mua liền. Choáng, nhân viên vào báo với ông chủ, ông chủ salon xe hơi này phải ra xin lỗi vì thái độ của nhân viên. Đích thân ông chủ salon phải lái chiếc xe này về tận nhà cho ông S.. Đến nơi, ông mới biết 3 vị khách xách giỏ đệm kia là 3 vị đại gia trong làng nuôi cá bè ở Thốt Nốt. Trước khi mua xe hơi, ông S. còn chơi “gân” bằng cách sắm chiếc ca-nô để làm phương tiện đi chăm sóc ao cá hằng ngày.

Còn tỷ phú Đ. sản xuất tương, chao ở Ô Môn, TP.Cần Thơ thì nổi tiếng với bộ sưu tập cổ vật. Từ khi “thoát nghèo”, ông Đ. bắt đầu tập chơi đồ cổ, đồ “độc” dù bản thân không biết tí gì về đồ cổ. Hễ nghe ở đâu có món vật dụng lạ hoặc cổ là ông tìm đến mua cho bằng được, mặc cho vợ con phản đối vì thú chơi "đốt" tiền này. Giờ ông Đ. có riêng một “viện bảo tàng mini” tại nhà với hàng ngàn món xưa như bộ bình vôi hơn 200 cái, sắc phong đình thần hơn 100 tấm. Vì vậy, dân chơi đồ cổ gọi ông là vua "bình vôi" hoặc vua "sắc thần" .

Có một dạo, nhà nhà, người người đổ xô vào phong trào chơi chứng khoán. Ở TP.Long Xuyên, An Giang người dân thường bắt gặp một lão nông (khoảng 60 tuổi, quê Chợ Mới, An Giang) chạy chiếc xe cúp 50 cà tàng, sáng sau khi chạy một vòng TP.Long Xuyên mua báo, uống ly bạc xỉu xong, lão nông này ghé vào tiệm nét và bắt đầu lên mạng. Chủ tiệm nét cho biết lão nông ấy vừa phất lên nhờ bán được đất cho những người nuôi cá. Có tiền, lão nông tập tành chơi chứng khoán và trở thành “tay trùm” chứng khoán ở miền Tây. Hằng ngày, lão nông lên mạng để theo dõi biến động giá cổ phiếu và chát với nhóm đàn em ở Sài Gòn liên quan đến chuyện kinh doanh cổ phiếu. Được biết, ông hiện không còn chơi cổ phiếu nhưng tiền thì rủng rỉnh để hưởng thụ đến lúc “về đoàn tụ ông bà” và vui với công việc làm từ thiện của mình.

Khi có tiền, bỗng dưng con người ta có cái nhìn rộng rãi và thoáng hơn, giống như kiểu “có tiền, có quyền” và mạnh bạo hơn trong cách làm, cách suy nghĩ. Nhưng chuyện đại gia mạnh tiền nhưng lại “đầu tư” sai mục đích lại nhiều vô số kể. Dân miền Tây khi nhắc đến những vị đại gia này thì chỉ phán một câu “tào lao mía lao”.

Từ khi phất lên nhờ nghề mua bán gạo, ông Hai T. ở quận Thốt Nốt cảm thấy cuộc đời mình là chuỗi thành công, nối tiếp thành công khi con cái đã thành danh và ổn định cuộc sống gia đình. Sau khi xây một căn nhà hoành tráng ở vùng sông Hậu, ông Hai T. bắt đầu cuộc sống hưởng thụ, thích gì làm nấy. Và sở thích của ông là “giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”. Đó là chuyện tốt, nhưng đối tượng ông giúp không phải là những người chí thú làm ăn mà là những cô gái chuyên hành nghề bán “rượu đế ôm”.

Số là, trong một chuyến xe từ Thốt Nốt về Cà Mau để thanh toán tiền mua bán gạo, ông đã gặp một cô gái trạc ngoài 30, quê ở Thới Long, Ô Môn, ngồi cùng băng ghế với ông. Vì tính thích khoe của và thích "nổ" nên ông Hai T. cứ liên tục gọi điện thoại cho người này, người kia bàn chuyện làm ăn tiền tỷ. Gặp phải đại gia thứ thiệt, cô gái bắt chuyện làm quen và sụt sùi kể khổ.

Cô bảo mình không nhà cửa, cùng mẹ già và con gái sống bấp bênh trên chiếc ghe bầu. Vì nghèo khó nên chồng đã bỏ theo vợ bé và cô đang làm phục vụ ở quán nhậu, với mức lương chỉ 1 triệu đồng. Ra vẻ thông cảm, ông Hai T. móc ra 500 ngàn đồng giúp đỡ cô gái và kèm theo số điện thoại để liên lạc. Qua nhiều lần gặp gỡ, cô gái quý và ngưỡng mộ đức độ của ông Hai T. nên cô gái muốn làm “người em kết nghĩa”, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Từ đó, ông Hai T. siêng đi "làm ăn" hơn và tiền kinh doanh ngày càng vơi. Đến khi vợ con phát hiện thì mới tá hỏa, cô gái tên Tuyền đích thị là gái bia ôm, chuyên lừa tình, lừa tiền đàn ông.

Vì biết ông Hai T. hay lên xuống Cà Mau lấy tiền bạc tỷ nên ả cố tình canh me và đón xe ngồi gần ông Hai T. để mồi chài. Vụ việc được phát giác, nhưng ông Hai T. đã kịp “cúng” cho ả 1 cái nhà tường cấp 4, tiện nghi đầy đủ và vàng vòng cô ta đang đeo trên người. Khi biết không thể “bòn rút” được tài sản của ông nữa, ả ta trở mặt rước chồng về để hưởng thụ.

Vì trót lụy tình nên ông Hai T. bất chấp sự can ngăn của vợ con đã quay lại ghen ngược với chồng của “đứa em nuôi”. Tức khí, ông Hai T. làm đơn ra UBND xã thưa cô nhân tình để đòi lại nhà và tố cáo chồng của người tình dám… làm ngơ để "thả" vợ đi lừa tình cảm, tiền bạc người khác. Lá đơn khiến người ta không nhịn được cười, bảo, “Bắc thang lên hỏi ông trời.

Có tiền cho gái có đòi được không?”. Hiện tại, ông Hai T. vẫn quyết làm giàu lần nữa để “trả thù” tình. Cách trả thù của ông Hai T. là tiếp tục nuôi cô nhân tình mới, trẻ đẹp hơn để “chọc tức” người tình cũ. Không biết ả có tức không, nhưng mọi người vẫn thấy ả hằng ngày cùng chồng đi ăn sáng bằng chính chiếc xe mà ông Hai T. đã sắm cho và tiếp tục mồi chài những vị đại gia lắm của, nhiều tiền thích “nổ” và thích “chơi tới bến” này. Vợ con ông Hai T. chán ngán kiểu cách sống “có tiền sinh tật” của ông, bỏ mặc cho ông ta tự bươn chải khi tuổi vào ngưỡng lục tuần.

Còn chuyện những ông sui giàu nhờ… hồng nhan con gái thì chảnh không ai bằng. Từ khi con gái có chồng Đài Loan được 5 tháng, ông D. ngụ phường Tân Lộc, Thốt Nốt đã tính đến chuyện thay ngôi nhà lá xập xệ bằng ngôi nhà tường khang trang. Đúng là con gái ông tốt phước nên lấy được người chồng giàu có và gửi tiền về cho ông cất nhà. Vừa có nhà mới, vừa có tiền đô hàng tháng, ông D. bắt đầu ăn mặc, chơi theo đúng đẳng cấp đại gia…miệt Cù Lao.

Ông lấy đất cho người khác thuê, hằng ngày ông trầm quán cà phê và uống rượu. Thấy ông có tiền chơi sộp, những cô gái tiếp viên quán cà phê cứ dập dìu bu lấy. Dù chưa dám qua mặt vợ con “chén món lạ”, nhưng cái kiểu lấy le liếc mắt, đưa tình với gái trẻ thì ông D. đầy đủ kinh nghiệm. Nghe tin cha có tiền “trở chứng” nên con gái ở Đài Loan điện thoại về hăm dọa sẽ “cắt viện trợ” khiến ông D. hoảng vía. Dù vẫn sáng sáng cà phê, chiều chiều nhậu nhưng ông D. không dám dây dưa với gái. Nhưng cái tật, “còn tiền đô, còn nổ” của ông D. thì không bao giờ dứt.

Đại gia “chơi ngông” thời nào cũng có, chưa đến kiểu Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, nhưng đại gia thời nay thì có nhiều điều kiện để “chơi”. Chính vì điều kiện và theo thời nên càng có nhiều chuyện dở khóc, dở cười như thế. Dù giàu bằng ý chí, giàu “ngang hông” – nếu không biết trân trọng đồng tiền, không biết liều lượng hay không nghĩ đến những người bên cạnh, xem đồng tiền là công cụ để thỏa mãn thú vui nhất thời hay tính ích kỷ thì đồng tiền ấy khó mà trở nên “sạch” theo đúng nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng.