Đại gia nghĩ cách xoay tiền tránh bị thải loại

Hiện nay, trên sàn chứng khoán, số lượng các doanh nghiệp đang ngập ngụa trong nợ nần và đau đầu với chồng chất các dự án đang mắc kẹt rất nhiều.

Trong tháng 5 có tới 6 cổ phiếu trên sàn HNX bị hủy niêm yết bắt buộc. Đây chỉ là số ít trong các DN bị hủy hay bị đặt trong diện kiểm soát có nguy cơ bị hủy niên yết. Một thời chưa xa, đây những “đại gia”, cổ phiếu luôn là hàng “hot” được săn đuổi trên sàn nhưng nay họ lại đứng trước nguy cơ bị loại khỏi sàn vì lỗ và nợ.
 
Đại gia nghĩ cách xoay tiền tránh bị thải loại
Chỉ trong mấy năm gần đây, BĐS là động lực đưa SJS đi lên thì cũng chính BĐS nhấn chìm doanh nghiệp này (ảnh minh họa).

 

Xoay đủ cách

 

Một trong những cái tên được dân đầu tư nhắc đến nhiều gần đây là PSG. Doanh nghiệp này có lỗ lũy kế đến cuối năm 2012 là 337 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 350 tỷ đồng. Khả năng hoạt động liên tục của đơn vị này đã bị kiểm toán nghi ngờ bởi vốn chủ sở hữu tính tới cuối 2012 chỉ còn 16 tỷ đồng, trong khi nợ lên tới trên 1.030 tỷ đồng.

 

Hiện tại, PSG đang mắc khá nhiều khoản đầu tư như tại dự án Văn Phú (Hà Nội), dự án Hậu Giang, khu đất tại huyện Bình Chánh, công trình B4 Kim Liên, nhà máy Xà Phòng Hà Nội, bệnh viện Thanh Hóa...

 

Hiện nay, trên sàn chứng khoán, số lượng các doanh nghiệp đang ngập ngụa trong nợ nần và đau đầu với chồng chất các dự án đang mắc kẹt rất nhiều như: PVA, PVL, PTL, VC2, NTB...

 

Mới đây nhất, ty CP Đầu tư và Phát triển Sông Đà (SJS) đã dự định bán dự án Nam An Khánh - Hà Nội rất nổi tiếng trước đây nhằm thoát khỏi vũng lấy nợ nần hiện nay.

 

Hồi đầu tháng 4, cổ phiếu SJC đã một lần "thoát nạn" khi đươc giao dịch lại sau 7 ngày bị ngừng giao dịch do 2 năm liên tiếp bị lỗ. Tuy nhiên, SJS vẫn thuộc diện giao dịch bị kiểm soát, nghĩa là chỉ được giao dịch trong 15 phút cuối của đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa.

 

SJS một thời lừng lẫy trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vào thời đỉnh cao vào 2007, giá cổ phiếu SJS lên đến 728.000 đồng/cổ phiếu.

 

Tuy nhiên, chỉ trong mấy năm gần đây, BĐS là động lực đưa DN này đi lên thì cũng chính BĐS nhấn chìm SJS. Năm 2011, DN này lỗ 80 tỉ đồng; năm 2012 lỗ tiếp khoảng 300 tỉ đồng. Đáng chú ý là theo đơn vị kiểm toán, tổng dư nợ ngắn hạn của công ty lên đến 2.255 tỉ đồng...

 

Tương tự, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, từng một thời đưa ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch HĐQT) lên ngôi vị tốp "đại gia" trên sàn chứng khoán nhưng giờ cũng rơi vào diện bèo bọt, chỉ còn vài ngàn đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, KBC còn thuộc diện bị cảnh báo vì năm 2012 lỗ trên 400 tỉ đồng...

 

Mới đây, Công ty Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) cho biết, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án Việt Hưng. Bên cạnh đó, PVR cũng cho để ngỏ khả năng thoái vốn ở một số dự án khác để tập trung vào các dự án còn lại hoặc tìm kiếm dự án khác phù hợp.

 

Trên thực tế, tình trạng các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn và phải bán một phần hoặc nhiều dự án là rất phổ biến. Và việc các doanh nghiệp BĐS này thoái vốn tại các dự án khác để tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm chính là lời giải tốt nhất trong thời điểm khó khăn hiện hiện nay.

 

Lớn nhanh có dễ ngục ngã?

 

Vụ việc chủ dự án BĐS Ngọc Viên Islands 70 triệu USD - CTCP Sỹ Ngàn bị tòa tuyên bố phá sản do bị đối tác là CTCP Đầu tư Trường Phúc yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản, do có dấu hiệu không trả được khoản nợ nhỏ đáo hạn. Hiện nay, trên TTCK có rất nhiều doanh nghiệp lớn cực nhanh, nợ cực nhiều, không có tiền để hoạt động... được nhà đầu tư xem là những "quả bom chờ nổ".

 

Trong phiên giao dịch ngày 2/5, giới đầu tư khá bất ngờ khi PVA tăng trần với dư mua 630 nghìn cổ phiếu cho dù doanh nghiệp này vừa tổ chức bất thành đại hội cổ đông lần thứ 2 hôm 29/4 vừa qua do có quá ít cổ đông tham dự.

 

Doanh nghiệp này là một điển hình trong việc gia tăng quy mô vốn trong vài năm qua. Nếu không thất bại trong lần gần đây, đơn vị này đã có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, so với mức 218 tỷ hiện nay và mức 45 tỷ đồng hối cuối 2009.

 

Huy động vốn là mục tiêu của TTCK. Doanh nghiệp lên sàn cũng là để huy động vốn. Tuy nhiên, vấn đề nợ và thua lỗ, đầu tư dàn trải của nhiều doanh nghiệp khiến không ít nhà đầu tư lo ngại.

 

Trong trường hợp PVA, không biết tương lai các dự án của doanh nghiệp này sẽ như thế nào nhưng hiện tại khối nợ ngắn hạn hơn 1.000 tỷ đồng, so với vốn chủ sở hữu hơn 100 tỷ đồng cùng với 2 năm thua lỗ liên tiếp vừa qua khiến nhiều người phải dè chừng.

 

Trong vài ngày qua, giới đầu tư cũng khá e ngại với kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng của đại gia PVX vốn đang gánh khoản lỗ cả nghìn tỷ và nợ nần chục nghìn tỷ trên TTCK. Theo đó, dự kiến trong đại hội cổ đông vào 19/5 tới, PVX áo cáo cổ đông việc sử dụng vốn điều lệ tăng thêm của đợt phát hành tăng vốn từ 2.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng.

 

Nhiều người lo ngại nếu các đại gia như PVX, PVA... thua lỗ thêm một năm nữa (đã thua lỗ 2 năm liên tiếp) thì vấn đề gì sẽ xảy ra.

 

Gần đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với một loạt doanh nghiệp niêm yết, trong đó có 6 mã sẽ phải rời sàn trong tháng 5 này là VCH, TLC, SCC, SDJ, SHC và S27 do lỗ 3 năm liên tiếp hoặc có lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

 

Thực tế, số lượng doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do làm ăn yếu kém, thua lỗ, sai phạm trong một hai năm gần đây rất nhiều, lên tới vài chục đơn vị. Tuy nhiên, làn sóng buộc phải rời sàn dường như vẫn chưa lên tới đỉnh điểm. Bởi vì, trong năm vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đại gia có doanh thu cả năm chỉ bằng 1-10% so với nợ.

 

Thời kỳ các ông lớn tay không bắt giặc, vốn liếng ít vài còn lại vay ngân hàng 80-90%, thậm chí hơn có thể không còn nữa. Những "đại gia bong bóng" đã đến lúc bị loại khỏi sàn.

 

Theo Mạnh Hà

VEF