Đại gia ngàn tỷ thu tiền lẻ nước mắm, mỳ tôm

Thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu đang hấp dẫn hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Hàng loạt đại gia dồn dập huy động tiền từ tất cả các nguồn để đổ vào ngành sản xuất hàng thực phẩm thiết yếu.

Đổ tiền vào làm thực phẩm thiết yếu

Hội đồng Quản trị CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) vừa thông qua đề xuất thành lập CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. PAN là cổ đông chính góp 99,9 tỷ đồng. Ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đồng thời là chủ tịch PAN - sẽ là người đại diện phần vốn của PAN tại PAN Food.

Trước đó, PAN đã thông qua phương án phát hành 25 triệu cổ phiếu huy động hơn 750 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính, thực hiện chiến lược đầu tư, mua lại, hợp nhất các công ty trong ngành chế biến thực phẩm tiêu dùng.

Hồi tháng 6, PAN cũng đã mua thỏa thuận 3,4 triệu cổ phiếu Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An - Lafooco (LAF) từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để nâng sở hữu tại đây lên trên 23% đồng thời là công ty liên kết của Lafooco.

Đại gia ngàn tỷ thu tiền lẻ nước mắm, mỳ tôm
Kinh Đô bán toàn bộ mảng bánh kẹo cho tập đoàn nước ngoài với giá 370 triệu USD để tập trung làm mì gói, dầu ăn, gia vị... (ảnh minh họa)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Như vậy, thị trường đón nhận thêm một DN lớn mới trong lĩnh vực thực phẩm, sau hàng loạt các tên tuổi như: Masan, Kinh Đô, Cholimex, Sagrifood... hay những DN ngoại đình đám đang bạo tay chi tiền vào lĩnh vực chế biến thực phẩm như CP, Cargill, Japfa Việt Nam...

Cuối tháng 11 vừa qua, thị trường rúng động với vụ Kinh Đô của anh em nhà ông Trần Lệ Nguyên - Trần Kim Thành bán toàn bộ mảng bánh kẹo cho Mondelēz International để chuyển sang đầu tư mạnh vào mì gói, dầu thực vật, gia vị và cà phê.

Theo kế hoạch, trong số 370 triệu USD (khoảng 8.000 tỷ đồng) thu về từ việc bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, Kinh Đô sẽ trích hơn 300 tỷ đầu tư cho mì gói. Còn lại, đại gia bánh kẹo một thời này sẽ dành phần lớn số tiền cho các thương vụ M&A trong ngành thực phẩm thiết yếu.

Trước khi quyết định bán 80% mảng kẹo, Kinh Đô cũng đã đổ tiền vào hãng mì gói Sài Gòn Vewong (với thương hiệu A-One); trở thành đối tác chiến lược trong đợt cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Gần đây, Kinh Đô cũng đã công khai hợp tác phát triển thương hiệu cà phê PhinDeli cùng với thị trưởng người Việt ở Mỹ Phạm Đình Nguyên.

Trong khi đó, Masan Food - công ty con do Masan Consumer sở hữu 100% vốn cũng vừa công bố chào mua công khai 49% cổ phần của Cholimex Food với mức giá cao ngất 90.000 đồng/cp, với ý định hợp nhất hai DN lớn nhất trong phân khúc tương ớt - một nhánh quan trọng của ngành gia vị - để tăng cường sự hiện diện trên thị trường. Trước đó, Tập đoàn Masan đã mua thành công Bia Phú Yên, nước khoáng Vĩnh Hảo, Vinacafe Biên Hòa (VCF)...

Công ty Cổ phần Thực phẩm Cầu Tre gần đây cũng tung ra một loạt sản phẩm mới "bữa ăn nấu sẵn" như cháo, bún, bánh, mì, miến... bên cạnh các sản phẩm truyền thống là trà, thủy sản, thịt... Cầu Tre thậm chí còn liên doanh với một công ty Hàn Quốc để sản xuất các loại thực phẩm truyền thống của Hàn bán ngay thị trường nội địa như kim chi...

Mavin - một thương hiệu vừa được trình làng cũng đặt mục tiêu rất tham vọng: trở thành một trong 3 nhà sản xuất thực phẩm chế biến từ thịt hàng đầu Việt Nam ngay trong năm 2015, với đối tượng là các nhà hàng lớn, khách sạn trên toàn quốc, khách trên các đường bay, nhà ga quốc tế.

Tham vọng gầy dựng đế chế mới

"Ông vua bánh kẹo" Kinh Đô từ lâu đã bày tỏ ý định tấn công lĩnh vực khác, tập trung vào sản xuất mì ăn liền, cà phê.

Tại đại hội cổ đông gần đây, ông chủ Trần Kim Thành đã bật mí về kế hoạch chuyển hướng. KDC đã có sự chuẩn bị tốt cho một sự chuyển đổi. "Không phải chờ đến khi ngành bánh kẹo tăng trưởng chậm lại KDC mới tính đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng nhanh". Và kế hoạch của KDC là "đầu tư vào các ngành giúp Kinh Đô đứng top 3 trở lên trên thị trường".

Trên thực tế, KDC đã "chung thủy" với mảng bánh kẹo trong suốt 20 năm qua, luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tốc độ này đã chậm lại. Nếu công ty tiếp tục theo đuổi thuần túy ngành bánh kẹo thì tăng trưởng chỉ đạt 5-10%/năm. Điều quan trọng là quy mô thị trường bánh kẹo khá nhỏ bé, chỉ bằng khoảng 1/10 so với quy mô của ngành thực phẩm thiết yếu đóng gói.

Với Masan của gia đình ông Nguyễn Đăng Quang, từ lâu, tập đoàn này công khai chiến lược phát triển thông qua hoạt động M&A, "thay vì làm 10 năm thì làm trong vòng 3 năm" để hướng tới vị trí vô địch. MSN luôn nhất quán thực hiện chính sách này. Mục tiêu MSN nhắm vào là tiềm năng tăng trưởng của ngành tiêu dùng và tài nguyên vốn chưa được khai thác đúng mức.

Hầu hết các khoản cổ tức khủng hàng nghìn tỷ đồng tại các DN con, DN liên kết của Masan như Masan Consumer (MSF), Vĩnh Hảo, Cà phê Biên Hòa (VCF)... đều được sử dụng tái đầu tư để thực hiện tham vọng xây dựng đế chế Masan trong ngành hàng tiêu dùng.

Với cách đi như vậy, dưới bàn tay của ông Quang, Masan Group đã lớn mạnh đến không ngờ, từ mức vốn chủ sở hữu chưa tới 500 tỷ đồng hồi 2008 đã tăng lên hơn 14,4 nghìn tỷ đồng vào cuối 2013. MSN hiện có hàng chục công ty con và liên kết có tiếng tăm trên thị trường, như: Thực phẩm Ma San, Hoa Bằng Lăng, Hoa Phong Lan, Hoa Đồng Tiền, Hoa Thược Dược, Bao bì Minh Việt, Nước khoáng Vĩnh Hảo, VCF, MSF, Proconco...

Có thể thấy, thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu đang hấp dẫn hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Hàng loạt đại gia dồn dập huy động tiền từ tất cả các nguồn có thể, từ tiền mặt, từ bán ngành hàng khác, từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu, huy động trong và ngoài nước... để đổ tiền vào ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Sự tham gia ồ ạt của quá nhiều DN khiến cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Theo Mạnh Hà
VEF
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”