Đại gia kín tiếng, âm thầm rút vào bí mật
Chuyển nhượng, bán hết cổ phiếu hoặc chuyển cổ phiếu về công ty riêng, không ít các đại gia âm thầm rút vào hoạt động kín đáo hơn trong năm 2014 sau những biến động, sóng gió thăng trầm trên thị trường.
Âm thầm thoái vốn
Những ngày cuối năm 2014, thông tin mua bán khối lượng lớn cổ phiếu của các cổ đông lớn, các đại gia trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn liên tục được tung ra, đánh dấu một năm chuyển tên, đổi chủ đầy sôi động.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngày 24/12 cho biết, Phó Chủ tịch Masan Group (MSN) Hồ Hùng Anh đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 15,77 triệu cổ phiếu MSN thuộc sở hữu theo như đăng ký từ trước.
Thương vụ mua bán trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng này không nêu rõ ai là người mua. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây chỉ là giao dịch nội bộ và người nhận chuyển nhượng có thể là bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - vợ ông Hồ Hùng Anh. Trước đó, bà Thủy đã đăng ký mua vào 16 triệu cổ phiếu MSN.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Sau thương vụ này, ông Hồ Hùng Anh không còn nắm cổ phiếu MSN nào, trong khi vẫn là lãnh đạo cao cấp tại tập đoàn này, giống như chủ tịch Nguyễn Đăng Quang, người vốn đã từ lâu chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu MSN.
Như vậy, ông Hùng Anh cũng nhanh chóng rớt khỏi tất cả các bảng xếp hạng giàu có do một số doanh nghiệp, tổ chức thực hiện. Trước đó, với khối tiền khoảng 1.300 tỷ đồng, ông Hùng Anh đứng thứ 13 trong số những người giàu nhất TTCK. Số lượng cổ phiếu Techcombank ông nắm giữ cũng không được tính do chưa niêm yết trên TTCK tập trung.
Cũng trong ngày 24/12, thông tin từ SSI cho thấy, ông Nguyễn Duy Hưng muốn chuyển toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn sang công ty riêng - Công ty TNHH Đầu tư NDH. Dự kiến giao dịch sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 29/12/2014 đến 27/1/2015.
Sau chuyển nhượng, ông Hưng sẽ không còn là cổ đông trực tiếp của SSI. Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư NDH nâng sở hữu từ 29 triệu đơn vị (8,19%) lên 40,3 triệu đơn vị (11,39%).
Ông Nguyễn Duy Hưng từ lâu đã chuyển dần ra cổ phiếu sang công ty riêng, thuận tiện cho việc quản lý và ông cũng đã từ lâu ra khỏi tốp 10 người giàu nhất trên TTCK.
Ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ tịch Alphanam (ALP). |
Trong năm 2014, giới đầu tư cũng chứng kiến vợ chồng ông Đặng Thành Tâm bán ra khá nhiều cổ phiếu khiến tổng giá trị tài sản quy ra từ cổ phiếu niêm yết trên sàn bị sụt giảm mạnh. Thứ hạng giàu sang của ông Tâm do vậy cũng tụt hạng nhanh chóng.
Từng là người giàu nhất năm 2007 và đứng trong tốp 3 trong nhiều năm sau đó, ông Đặng Thành Tâm giờ đã rớt rất xa khỏi tốp 10. Hồi tháng 9/2014 ông Tâm đã bán non nửa trong số 100 triệu cổ phiếu KBC tại CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).
Chán tiếng siêu giàu?
Nhiều đại gia đã, hoặc sắp biến mất hoàn toàn trên thị trường, như trường hợp bà Ngô Thị Thông, chủ tịch Công ty cổ phần Ngô Han (NHW), hay ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ tịch Alphanam (ALP).
Đầu tháng 12/2014, NHW đã hoàn thành việc mua lại gần 1,4 triệu cổ phiếu của cổ đông nhỏ lẻ trước khi hủy niêm yết. Trước đó, công ty cũng đã công bố thông tin về việc không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng. Trong danh sách cổ đông chốt ngày 19/9 của Trung tâm lưu ký Chứng khoán, NHW chỉ có 98 cổ đông.
Theo quy định, NHW sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc, mặc dù đây vẫn là một DN rất tốt, chiếm khoảng 40% thị phần dây điện từ ở Việt Nam. Có thể thấy, đây là chủ ý của NHW, trong đó bà Thông đang nắm giữ trên 75% cổ phần.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Thủy sản Minh Phú |
Ông Nguyễn Tuấn Hải là một doanh nhân nổi lên đầy bất ngờ trong năm 2012, với khối tài sản tăng lên trên 6 lần, bật vươn lên tốp 10 người có tài sản nhiều nhất trên TTCK. Hàng loạt công ty con, cùng với nhiều chiêu thức niêm yết cửa sau, niêm yết vòng, mua bán thâu tóm đã giúp ông Hải có ngay vị trí rất cao trong những người siêu giàu.
Tuy nhiên, cũng rất ngạc nhiên khi chỉ một năm sau đó, trong đại hội cổ đông 2013, ông Hải đề cập tới việc hủy niêm yết cổ phiếu Alphanam (ALP). Tất cả các thủ tục chuẩn bị cho việc hủy niêm yết sắp hoàn thành. Tất cả hơn 192 cổ phiếu ALP sẽ chính thức hủy niêm yết kể từ 31/12/2014.
Tên tuổi của ông Hải cũng sẽ chìm xuống giống như quyết định "lựa chọn cái tiếng không minh bạch, thay vì mất tiền" mà vị doanh nhân này đã nêu ra trong đại hội cổ đông 2013.
Hai đại gia nổi tiếng khác cũng sắp "biến mất" trên TTCK là vợ chồng ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình, chủ tịch và thành viên HĐQT Thủy sản Minh Phú (MPC).
Tính từ đầu năm đến 25/12, khối tài sản của hai vợ chồng ông Quang bà Bình tăng gần 2.000 tỷ đồng. Bà Bình vươn lên vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất, trong khi ông Quang đứng thứ 11. MPC hoạt động rất tốt trong năm 2014.
Tuy nhiên, ông bà trùm chứng khoán thời kỳ đầu này cũng sắp nói lời chia tay với TTCK. Đại hội cổ đông bất thường năm 2014 của Thủy sản Minh Phú hồi cuối tháng 8 đã thông qua chủ trương mua lại tối đa 1,6 triệu cổ phiếu quỹ nhằm giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho cổ đông trước khi hủy niêm yết. Hiện, MPC đã hoàn tất các thủ tục để hủy niêm yết trên Sở HOSE với hơn 98% vốn điều lệ được nắm giữ bởi 29 cổ đông. DN của ông Quang bà Bình cho biết, MPC sau khi hủy niêm yết sẽ không có ý định trở lại sàn.
Trước đó, nhiều DN cũng đã và có kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện để thuận lợi hơn cho tính toán riêng của các ông bà chủ, như huy động vốn ngoại, chuyển hướng kinh doanh...
Năm 2014, xu hướng các đại gia ráo riết rút vào hoạt động kín đáo trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Thực tế này cho thấy, có thể họ không đạt được kỳ vọng vào việc niêm yết cổ phiếu. Ngoài ra, việc nhiều đại gia sa cơ trong 2-3 năm gần đây có thể cũng ảnh hưởng tới cách thể hiện mình của các lãnh đạo doanh nghiệp.