1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại gia Hàn Quốc rót tỷ đô vào Việt Nam, vốn FDI tăng tháng thứ 3 liên tiếp

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo WB, vốn FDI đăng ký tăng tháng thứ ba liên tiếp, thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế.

Nhận định trên được World Bank (WB) đưa ra tại báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 10.

Cụ thể, theo WB, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, vốn FDI đăng ký tháng 9 tăng 26,1% so với tháng trước, là một sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Vốn FDI đăng ký tăng là nhờ dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 90,7% so tháng trước), trong đó có khoản đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD vào ngành điện tử của một công ty Hàn Quốc.

Về tổng thể, vốn FDI đăng ký đạt 22,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% (so cùng kỳ năm trước). Nhờ các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, vốn FDI thực hiện cũng phục hồi, tăng 57,4% (so tháng trước), mặc dù vẫn thấp hơn 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, vốn FDI thực hiện giảm 3,5% (so cùng kỳ năm trước).

Đại gia Hàn Quốc rót tỷ đô vào Việt Nam, vốn FDI tăng tháng thứ 3 liên tiếp - 1

WB dự báo GDP năm 2021 ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2% đến 2,5% (Ảnh: WB).

Ngoài ra, WB cũng đề cập tới một số điểm sáng của nền kinh tế như cán cân thương mại được cải thiện do tăng trưởng nhập khẩu chững lại.

Cụ thể trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,6% (so cùng kỳ năm trước), trong khi tăng trưởng nhập khẩu chững lại, chỉ đạt 9,5% (so cùng kỳ năm trước) so với 20,4% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 8. Chính vì vậy theo WB, đây là tháng đầu tiên có thặng dư thương mại kể từ tháng 4 năm nay.

Với xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu và nhu cầu trong nước còn yếu, việc nhập khẩu vẫn tăng trong tháng 9 có thể chủ yếu xuất phát từ giá nhập khẩu tăng cao, tăng đến 9,5% (so cùng kỳ năm trước) trong quý III, do giá hàng hóa thế giới tăng vọt và các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Dù thế, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý III đã giảm 2,6 điểm phần trăm so với quý trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lần lượt 1 điểm phần trăm và 1,8 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian. Theo WB, diễn biến đó phản ánh tác động bất lợi của đợt giãn cách xã hội và cho thấy những khó khăn kinh tế các hộ gia đình có thể đang phải gánh chịu.