“Đại gia giấy” lừa cả Mai Văn Phúc

Với vỏ bọc danh tiếng là chủ tịch hội đồng quản trị một công ty tầm cỡ, Chu Thế Tâm đã đi lừa đảo hàng chục tỷ đồng của nhiều tổng công ty lớn. Mánh khóe Tâm dùng chỉ là lời quảng cáo có mối quan hệ thân thiết với nhiều chức sắc tầm cỡ, có thể xin được mọi dự án của tỉnh Hà Tây cũ...

Chủ tịch HĐQT công ty “giấy”

 

Chu Thế Tâm (SN 1971, trú tại khu đô thị mới Nam Thăng Long, Hà Nội) có tài ngoại giao tốt và dẫn dụ được mọi người. Nhờ mối quan hệ quen biết rộng của mình, Tâm tích cóp được khá nhiều “vốn liếng” về kinh nghiệm đầu tư các dự án nhưng không có cơ hội để nhận công trình vì không có vốn. Một ngày kia, Tâm được biết anh trai mình là cổ đông của Công ty CP Phong Phú, Tâm liền tham gia.

 

Bị cáo Nhâm và Tâm (bên phải) trước vành móng ngựa.
Bị cáo Nhâm và Tâm (bên phải) trước vành móng ngựa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo đó, Tâm quyết định khai tăng vốn điều lệ của xông ty từ 10 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh xây dựng, bất động sản… và giữ chức tổng giám đốc, sau này là chủ tịch HĐQT. Thực tế số vốn điều lệ này chỉ là trên giấy. Theo lời khai của các thành viên tham gia sáng lập công ty, không ai phải đóng góp một đồng vốn nào. Toàn bộ những hoạt động liên quan đến tài chính đều do Tâm quyết định và làm “đạo diễn”.

 

Ngày 10/6/2003, Tâm thay mặt công ty làm thủ tục xin Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) làm chủ đầu tư 4 dự án với tổng số vốn đầu tư lên đến 2000 tỷ đồng. Để có được dự án này, Tâm đã khai khống số tiền vốn của công ty, tiền mặt có trong quỹ cũng như các khả năng tài chính khác và khai khống số liệu trong các báo cáo tài chính do Tâm và Nguyễn Thị Nhâm ký.

 

Ngoài ra, Tâm còn khai Công ty CP Phong Phú thuộc Tập đoàn Phong Phú với nhiều công ty khác nhau, có vốn đầu tư và tiền mặt lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thực tế, những điều này không có thật. Đây chỉ là một chiêu để Tâm khuếch trương danh tiếng của mình cũng như công ty cho tiện bề chiếm đoạt tiền của nhiều công ty, tổng công ty khác trong các phi vụ “bánh vẽ” do y làm đạo diễn.

 

Nhiều tổng công ty sập bẫy

 

Trước khi làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phong Phú, Tâm có quen biết với Nguyễn Thị Thanh Loan, chuyên viên Bộ Nội vụ. Thấy mối quan hệ này có lợi, Tâm thường xuyên liên lạc, qua lại với Loan.

 

Theo đó, Tâm thường khoe khoang với Loan về những mối quan hệ mật thiết với nhiều chức sắc tỉnh Hà Tây cũ, có thể xin làm chủ đầu tư bất kỳ dự án nào, trong đó có dự án Mỗ Lao. Chi phí cho việc xin ấy là 70.000 USD/ha, khi nào có quyết định giao đất thì Tâm sẽ lấy 5 biệt thự là tiền công. Cho rằng Tâm có khả năng xin dự án Mỗ Lao mà công ty bạn của mình đang muốn làm, đầu năm 2002, Loan đã về nói lại sự việc này với Nguyễn Thị Minh Huyền và Đỗ Thị Thúy Nga - nhân viên công ty Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân (trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam).

 

Thông qua Loan, Huyền và Nga đã đưa cho Tâm 135.000 USD theo yêu cầu của Tâm để xin dự án Mỗ Lao. Sau khi nhận tiền, Tâm hứa sau 1 năm sẽ có quyết định giao đất cho Tổng Công ty Công nghiệp tầu thủy Việt Nam. Tuy nhiên đến hẹn, không nhận được kết quả gì như Tâm đã hứa.

 

Đầu tháng 3/2003, cũng với thủ đoạn trên, Tâm nói với Loan hiện có dự án mới khu đô thị mới An Khánh – Hà Tây. Lấy lí do công ty mình đang đầu tư nhiều dự án rồi nên muốn liên doanh với các đơn vị khác để cùng xin làm chủ đầu tư, Tâm đã lừa đảo, chiếm đoạt 75.000 USD của nhiều người.

 

Tâm chỉ đạo Nhâm ký biên bản liên kết với Công ty TNHH Công nghiệp và Thương mại Hoàng Nguyên, Công ty vàng bạc đá quý – ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty Đầu tư và xây dựng 68, Xí nghiệp XD tư nhân số 1 Lai Châu chi nhánh Hà Nội để cùng xin làm chủ đầu tư dự án khu đô thị An Khánh. Để được liên doanh làm dự án này, thông qua Loan, ông Nguyễn Thanh Trúc, giám đốc Công ty vàng bạc đá quý, ông Nguyễn Ngọc Ngoạn, giám đốc Công ty TMDV ngân hàng và ông Mai Văn Phúc, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng Hải (Vinalines) đưa cho Tâm 75.000 USD.

 

Sau khi nhận tiền, Tâm hứa hẹn 3 tháng sau sẽ có giấy cấp phép cho liên doanh làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên Tâm không làm gì như hứa hẹn cũng không trả lại tiền.

 

Tương tự, với dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp và nhà ở Vạn Minh. Dù chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây cấp phép làm chủ đầu tư, thế nhưng Tâm đã kêu gọi liên doanh đầu tư và khẳng định công ty mình đã làm chủ đầu tư chính thức. Tin tưởng Tâm, bà Nguyễn Thị Hồng Vinh, GĐ Công ty Hoàng Nguyên đã góp 3,7 tỷ đồng, Loan góp 2000 USD để góp vốn cùng làm dự án Vạn Minh với công ty của Tâm. Để công việc thuận lợi, bà Vinh bổ nhiệm Loan làm phó GĐ, thay mặt mình thực hiện các giao dịch với Công ty CP Phong Phú.

 

Nhận tiền góp vốn xong, Tâm luôn thúc giục Công ty Hoàng Nguyên phải nhanh chóng nộp tiền cho Công ty CP Phong Phú để thực hiện dự án. Sau khoảng 20 lần đưa tiền, Tâm đã nhận từ Loan 56.400 USD và hơn 3,5 tỷ đồng. Đưa tiền nhiều mà công việc vẫn không được thực hiện như hứa hẹn, Loan đã tìm gặp Tâm nhiều lần để hỏi tại sao, Tâm lấy nhiều lý do để biện hộ.

 

Chán nản, Loan thay mặt công ty đòi lại tiền, Tâm trả được một ít, sau đó viết giấy hẹn đến tháng 7/2005 sẽ trả thêm, tháng 10/2005 thì trả hết nhưng đến nay, Tâm không thực hiện như cam kết mà tìm cách lẩn tránh. Trong vụ việc này, Nhâm giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho Tâm.

 

Ngoài ra, Tâm còn nhận 77.000 USD và 6,8 tỷ đồng của Công ty Sông Hồng và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kinh tế Hòa Việt. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhận thấy hành vi này Tâm và Nhâm không phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản mà chỉ là tranh chấp dân sự, do đó không truy tố.

 

Sau gần chục năm đưa ra xét xử, trả hồ sơ điều tra lại nhiều lần, cuối cùng vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Chu Thế Tâm và Nguyễn Thị Nhâm thực hiện đã được đưa ra xét xử. Theo đó, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt Chu Thế Tâm 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Thị Nhâm bị xử phạt 7 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vai trò đồng phạm giúp sức.

 

Theo Ngọc Diệp

Petrotimes

 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước