Đại gia FDI Trung Quốc, Hàn Quốc rót thêm vốn lớn vào Việt Nam
(Dân trí) - Vốn đầu tư đăng ký mới trong tháng đầu năm tuy giảm so với cùng kỳ do không có nhiều dự án lớn song số lượng dự án mới lại tăng mạnh, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tháng 1.
Theo báo cáo, tính đến 20/1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế đến ngày 20/1, cả nước có 34.642 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 415,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 253,2 tỷ USD, bằng gần 61% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo lý giải từ Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký mới tháng 1 năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ do trong tháng 1/2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 60% tổng vốn đăng ký mới của tháng 1/2021. Trong khi đó, tháng 1 năm nay, chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trên 130 triệu USD.
Ngoài ra, vốn đầu tư Hàn Quốc tăng mạnh trong tháng 1 năm nay do có 2 dự án điều chỉnh vốn lớn trên 100 triệu USD, riêng 2 trường hợp này đã chiếm 79% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc. Còn vốn đầu tư của Trung Quốc chủ yếu là vốn đầu tư mở rộng dự án hiện hữu (chiếm tới 94,5% số vốn).
Cục Đầu tư nước ngoài điểm ra một số dự án đầu tư lớn trong tháng 1, chủ yếu là các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cụ thể, dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD tại Nghệ An.
Tiếp đến phải kể đến dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh.
Ngoài ra còn có dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD tại Phú Thọ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nối tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2021 sau tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án trong tháng 1 năm nay tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Việc điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần đều tăng so với cùng kỳ cả về số lượt dự án điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần cũng như tổng vốn đầu tư tăng thêm và giá trị vốn góp.
Còn vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm so với cùng kỳ do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng mạnh (gấp gần 2,2 lần cùng kỳ), cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ngoài ra, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài giảm nhẹ trong tháng 1/2022. Mặc dù vậy, theo Cục đầu tư nước ngoài, khu vực này vẫn xuất siêu 1,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 1,5 tỷ USD không kể dầu thô. Tuy nhiên, xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài không thể bù đắp phần nhập siêu trên 2,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, do đó cả nước xuất siêu khoảng 900 triệu USD.