Thông tin kinh tế tuần qua:
“Nóng” vụ doanh nghiệp đòi tiền hải quan; ông Đinh La Thăng bị khởi tố thêm
(Dân trí) - Vụ việc Tổng công ty Dầu (PVOil) đòi lại được 67 tỷ đồng tiền hoàn thuế sau 20 công văn liên tiếp gửi Tổng cục Hải quan là một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong tuần qua. Ngoài ra, độc giả cũng quan tâm đến vụ án Ethanol Phú Thọ khiến ông Đinh La Thăng bị khởi tố thêm.
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố thêm
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát đi thông cáo cho biết, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (vụ án Ethanol Phú Thọ).
Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thực hiện các quyết định tố tụng đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng, (sinh năm 1960), cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đồng thời, quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trần Thị Bình (sinh năm 1958), nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Liên quan đến vụ án này, trước đó ngày 29/6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB) ông Vũ Thanh Hà.
Tại dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, cơ quan chức năng đã làm rõ những sai phạm có liên quan đến nhà thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC)-thời điểm ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.
“Thủ tục hành chính nửa điện tử, nửa giấy tờ chỉ để vòi tiền doanh nghiệp”
“Chỗ tiếp xúc giữa doanh nghiệp và công chức là chỗ mà công chức cố tình gây phiền hà, khó khăn và vòi tiền doanh nghiệp”.
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.
TS Nguyễn Đình Cung
Theo ông Cung phải làm sao phải hạn chế tối đa tiếp xúc người dân, doanh nghiệp và công chức.
Mấu chốt của Nghị quyết 02 của Chính phủ thay thế tên gọi Nghị quyết số 19 những năm trước là đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Nếu có dịch vụ công trực tuyến thì phải có thanh toán điện tử trực tuyến mới đáp ứng và hệ thống hóa được thói quen của người dân, doanh nghiệp và công chức.
Doanh nghiệp gửi liên tiếp 20 công văn đòi tiền, Tổng cục Hải quan phải trả 67 tỷ đồng
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu (PVoil) cho biết, sau hơn 20 công văn "đòi tiền" liên tiếp (mỗi tháng gửi 1 công văn), cuối năm 2018, Tổng cục Hải quan đã trả cho tổng công ty này số tiền 67 tỷ đồng.
PVOil đã đòi lại được 67 tỷ đồng tiền hoàn thuế sau 20 công văn kiến nghị lên Hải quan
Vụ việc trên bắt đầu từ việc năm 2015, khi Việt Nam áp dụng ưu đãi thuế quan ASEAN, cho nên xăng dầu nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi.
"Tổng cộng các lô hàng là 60 tỷ đồng tiền thuế. Chúng tôi nộp thuế và hồ sơ lên hải quan. Các anh rà soát bảo hồ sơ hợp lệ, và hoàn trả 60 tỷ đồng. 16 tháng sau trong đợt kiểm tra sau thông quan, thông báo cho chúng tôi hồ sơ thiếu 1 chữ kí cho nên không hợp lệ và truy thu 60 tỷ đồng đó. Đồng thời phạt thêm 7 tỷ tiền chậm nộp trong 18 tháng", ông Dương kể.
"Chúng tôi gặp hải quan, kiên trì gửi công văn. Rất may hải quan Singapore hợp tác, xác nhận lô hàng này hoàn toàn chuẩn. Hải quan cũng cầu thị. Cuối cùng tôi cho rằng các bên đều gọi là win – win", ông nói thêm.
Trung Quốc rào 113 điểm cấm hàng Việt, nhưng mở lối mòn xuất ngược Việt Nam
Thời điểm cuối năm, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm diễn ra ngày càng phức tạp, chủ yếu là các mặt hàng: may mặc, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, pháo nổ,… Tình trạng này theo đại diện Cục QLTT Lạng Sơn là do nhiều yếu tố, trong đó có cả những yếu tố nhạy cảm.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Trường, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn trong buổi tổng kết của Tổng Cục quản lý thị trường diễn ra sáng 21/1 tại Hà Nội.
Vấn nạn rượu giả luôn nhức nhối, đặc biệt là tại khu vực vùng biên giới phía bắc
“Phía Trung Quốc đã tiến hành rào 113 điểm, trải dài tại nhiều tuyến đường biên giới để ngăn chặn hàng hoá của chúng ta mang qua đường mòn lối mở. Hiện nay, theo thống kê của chúng tôi, có tới 147 điểm có thể đấu nối các phương tiện vận tải để vận chuyển hàng hoá qua biên giới. Ngoài ra thì bất cứ điểm nào ở biên giới cũng có thể mang vác, vận chuyển hàng qua”, quyền Cục trưởng cho biết.
Đây vừa là thuận lợi cho giao thương nhưng cũng là khó khăn lớn khiến việc ngăn chặn hàng lậu trở nên khó khăn.
“Chúng tôi tạo điều kiện cho mặt hàng nông sản của bà con nông dân xuất qua đường mòn lối mở. Nhưng phía “bạn” lại đào hào và rào kiên cố, mỗi km rào của phía họ có giá trị lên tới 7 - 8 tỷ đồng để ngăn chặn hàng của ta.”
“Nhưng ngược lại, họ lại mở các lối mở để tạo điều xuất hàng hoá của họ đưa vào Việt Nam. Mà đặc biệt là trong dịp gần Tết, nhu cầu hàng hoá của người dân tăng cao thì tình trạng này diễn biến ngày càng “nóng” hơn”, đại diện QLTT chia sẻ thêm.
Trung Quốc đổ hàng tỷ đô vào nhiệt điện than ở Việt Nam
Trong khi các tổ chức tài chính trên thế giới đang dần rút khỏi nhiệt điện than để hạn chế rủi ro tài sản bị mắc kẹt thì đất nước đi đầu trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo là Trung Quốc đang tài trợ cho hơn 1/4 các nhà máy nhiệt điện than hiện đang được phát triển bên ngoài nước này, theo một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ.
Nhiệt điện than vẫn được sử dụng tại nhiều quốc gia đang phát triển vì giá thành rẻ hơn so với năng lượng tái tạo
Bangladesh nhận được cam kết tài trợ nhiều nhất từ Trung Quốc với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD để phát triển 14GW công suất nhiệt điện than, tiếp theo là Việt Nam, Nam Phi, Pakistan và Indonesia.
Theo bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Việt Nam đang ở một thời điểm quan trọng trong quỹ đạo tăng trưởng của đất nước.
“Nếu chúng ta chọn con đường phát triển nhiệt điện than, tình trạng ô nhiễm không khí độc hại vốn đã bao trùm các thành phố sẽ trở nên tồi tệ hơn, buộc chúng ta phải sống như những công dân hạng hai trong nhiều thập kỷ tới. Đầu tư của Trung Quốc có tiềm năng định hình Đông Nam Á, nhưng khi làm như vậy, họ phải đầu tư vào năng lượng tái tạo sạch, không tạo gánh nặng cho chúng ta bằng than bẩn”, bà Khanh nói.
Năm 2045, TP. Hải Phòng lọt "top" thành phố phát triển hàng đầu châu Á và thế giới
Bộ Chính trị vừa đồng ý về cơ chế đặc thù cho hai thành phố là Hải Phòng và Đà Nẵng trong kế hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Với Hải Phòng, Bộ Chính trị đưa mục tiêu phát triển thành phố này theo hướng công nghiệp, lấy kinh tế tư nhân là động lực, đột phá phát triển, phấn đấu GRDP/người năm 2030 đạt hơn 29.900 USD (hơn 680 triệu đồng/người/năm).
Tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Mai Chi (tổng hợp)