1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đối thoại Tổng cục Thuế và doanh nghiệp:

Thực thi chính sách chống chuyển giá ảnh hưởng xấu đến DN trong nước

(Dân trí) - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 diễn ra sáng 27/11 tại Hà Nội, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.


Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thuế.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thuế.

Đại diện một tập đoàn cho rằng, mục tiêu của Nghị định 20 là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia nhưng trên thực tế lại ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ con.

"Chúng tôi đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, sản xuất công nghiệp nặng. Trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận do đó toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, các dự án không thể vay vốn ngân hàng được mà chủ yếu thông qua công ty mẹ nên chi phí lãi vay trong tập đoàn lớn", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Theo vị này, việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị được tiếp tục thực hiện tính toán chi phí không được trừ theo Luật hiện hành, tạm thời chưa áp dụng Nghị định 20. Đồng thời đề xuất sửa Nghị định 20 cho phù hợp với tình hình hoạt động của Việt Nam.

Đại diện ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng, Nghị định không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cụ thể như, Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, hoạt động chuyển giá hoàn toàn gần như không thể nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.

Trả lời về nội dung này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, Nghị định 20 được thực hiện trên cơ sở khuyến nghị các nước OECD và G20, theo đó, yêu cầu các nước phải tập trung chống chuyển giá xói mòn nguồn thu.

"Việt Nam là nước thứ 100 gia nhập diễn đàn BEPS về chống xói mòn nguồn thu. BEPS đưa ra khuyến nghị về khống chế lãi vay trên EBITDA từ 10-30%, Chính phủ cân nhắc chọn 20% trên cơ sở khảo sát 12.000 tập đoàn trên toàn cầu. Như vậy ta đã tính tới thực tế của Việt Nam", ông Tuấn cho biết.

Theo đại diện cơ quan thuế, khi doanh nghiệp có quan hệ liên kết, giao dịch liên kết thì vay giữa các bên liên kết và độc lập phải xử lý như nhau.

Ông Tuấn cho biết, BEPS cũng đã khuyến nghị từ năm 2000. Anh là nước thực hiện đầu tiên nhưng chỉ khống chế với giao dịch liên kết nên hệ quả là toàn bộ công ty đa quốc gia nước này tái cơ cấu khoản nợ qua ngân hàng trung gian, các công ty liên kết, mẹ con, thành các khoản vay giáp lưng qua các NHTM, hoàn toàn né tránh quy định khống chế lãi vay của Chính phủ Anh.

"Thực tế chúng tôi thanh tra 1 doanh nghiệp FDI có chuỗi siêu thị rất nổi tiếng ở Việt Nam, công dồn lợi nhuận về 1 công ty thuộc tập đoàn có tỷ lệ lãi vay trên 40-50% tổng chi phí, sau khi trả lãi vay tại nước gần Việt Nam, nơi thuế thấp, thì hạch toán lỗ. Hay trường hợp khác được Cục thuế TPHCM tiến hành cho thấy, một số công ty thực hiện vốn hóa các khoản vay giáp lưng để hạch toán khấu trừ chi phí lãi vay. Đó là vì sao không thể nói chỉ khống chế với khoản vay liên kết, mà phải cả giao dịch độc lập nhưng biến tướng dưới các khoản vay giáp lưng", ông Tuấn nói.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh: "Ta không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu, doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng chính sách lại muốn riêng thì khó. Tại sao không có một doanh nghiệp FDI nào kinh doanh tại Việt Nam kêu vì vấn đề này? Vì họ biết rõ cái này là cuộc chơi toàn cầu".

"Chúng tôi khảo sát 37.000 doanh nghiệp FDI là công ty con của các công ty đa quốc gia đóng tại Việt Nam thì hiện chưa nhận được 1 văn bản kiến nghị nào về khống chế lãi vay. Kiến nghị chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chúng tôi cũng chia sẻ, doanh nghiệp phải có lộ trình, phải tính toán lại các khoản vay giúp lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp, nền kinh tế. Đây là lộ trình ta thực hiện khống chế vốn mỏng với doanh nghiệp", ông Tuấn nói thêm.

Đồng thời, thông tin thêm, thực tế trong hơn 600.000 doanh nghiệp nhưng hiện chỉ có hơn 4.500 doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết phải thực hiện kê khai theo Nghị định 20, trong đó, doanh nghiệp có mức khống chế 20% như Nghị định 20 thì có 423 doanh nghiệp, tức là 10% doanh nghiệp phải kê khai doanh nghiệp liên kết.

"So với số doanh nghiệp đang hoạt động thì chỉ 1%, chưa được 1%. Các doanh nghiệp phát biểu chúng tôi ghi nhận là vấn đề khó khăn nhưng nếu nói không phù hợp thực tế thì chúng tôi phải căn cứ vào số liệu thống kê, xem ảnh hưởng so với số đông như thế nào, để có giải pháp", ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan thuế sẽ nghiêm túc nghiên cứu lắng nghe những phản ánh của doanh nghiệp. Theo đó, giao cho Vụ doanh nghiệp lớn và Thanh tra, và các vụ liên quan mời một số doanh nghiệp, Tập đoàn trong nước trao đổi để xem xem các doanh nghiệp tính đúng chưa, mức độ ảnh hưởng ra sao...

Ở góc độ khác, chuyên gia thuế, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế cho rằng, Nghị định 20 có khống chế lãi vay trong khi thực tế các doanh nghiệp liên kết cùng chịu một mức thuế suất như nhau 20%, không ưu đãi thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp mới, vốn thấp thì cần vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.

"Với các bên liên kết thì khống chế lãi vay dẫn tới khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam. Với doanh nghiệp FDI họ chấp nhận nhưng điều kiện cụ thể cũng cần xem xét lại để vừa phù hợp thông lệ qốc tế vừa phù hợp Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển", bà Cúc nói.

Phương Dung

Thực thi chính sách chống chuyển giá ảnh hưởng xấu đến DN trong nước - 2