Đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế thế giới tồi tệ hơn bạn tưởng

(Dân trí) - Sự lây nhiễm của virus corona trên toàn thế giới hiện đang làm kiệt quệ các nghành nghề và doanh nghiệp, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của cơn ác mộng mang tên corona.

Đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế thế giới tồi tệ hơn bạn tưởng - 1
Phố Bourbon ở New Orleans, thường nhộn nhịp với khách du lịch, giờ đây vắng tanh. Ảnh: GITHD HERBERT / AP

Virus corona giống như một cơn sóng thần với rất nhiều đợt sóng lớn đổ bộ vào thế giới.

Mark Zandi – một nhà kinh tế trưởng uy tín tại Moody, đã ví sự tàn phá của virus corona giống như một thảm họa thiên nhiên tàn khốc để mô tả mức thiệt hại khổng lồ mà đại dịch gây ra đối với nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp sẽ bị phá hủy, nhiều người bị mất việc, quỹ hưu trí bị bốc hơi và xã hội phải sống trong sự hoang mang lo lắng.

Những tổn thất về kinh tế đã xảy ra ngay trước mắt chúng ta. Thị trường chứng khoán đã mất hơn một phần ba giá trị, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, các nhà hàng, dịch vụ, những địa điểm du lịch và ngành công nghiệp hàng không đang bị tàn phá bởi dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp đã không thu được lợi nhuận trong những tháng qua và phải đối mặt với sự khủng hoảng ngân sách. Sự căng thẳng leo thang trong hệ thống y tế cộng cộng và những gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai các quốc gia.

Tác động của virus corona tới nền kinh tế ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Vào sáng thứ 5 vừa qua, chính phủ Mỹ đã báo cáo rằng có 281.000 người trên toàn quốc đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, tăng 33% và nhiều nhất trong hai năm rưỡi và có thể chính phủ Mỹ sẽ còn nhận được nhiều đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hơn trong những tuần tới.

Những nhà kinh tế đang phải vật lộn hàng ngày để tìm ra cách làm giảm những tác động suy thoái kinh tế. Vào tối thứ bảy tuần trước, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế của họ sẽ bằng 0 trong quý đầu tiên của năm và hoạt động kinh tế sẽ giảm 5% trong quý hai.

Chỉ ba ngày sau, J.P. Morgan - một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới đã đưa ra một dự báo mới: Tổng sản phẩm quốc nội sẽ giảm 4% trong quý này và sau đó giảm mạnh 14% trong ba tháng tới.

Bà Heidi Shierholz, người từng là nhà kinh tế trưởng của Bộ Lao động trong thời chính quyền Obama và hiện là thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Kinh tế, một nhà tư tưởng tiến bộ, đã nói rằng: “Chúng ta đang bàn luận về những con số thật sự lớn.”

Đến thứ Sáu, Goldman Sachs đã sửa đổi số liệu của mình: Ngân hàng đầu tư hiện đang kỳ vọng giảm 24% trong quý hai này.

Những dự báo trong quý hai này có nghĩa là hoạt động kinh tế sẽ giảm sâu nhất và nhanh nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu tính toán GDP của quốc gia trên cơ sở hàng quý vào năm 1947.

Shierholz và các đồng nghiệp của mình đang đưa những dự đoán của Goldman Sachs và J.P. Morgan vào các số liệu thống kê liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp. Shierholz cho rằng, dựa trên những số liệu thu thập được, có thế sẽ có 8,5 triệu việc làm bị mất vào mùa hè, tăng tỷ lệ thất nghiệp hiện tại từ 3,5% lên tới gần 8,7%. Theo ước tính của Goldman Sachs, có tổng cộng 14 triệu việc làm bị mất.

Jared Bernstein, người từng là nhà kinh tế trưởng cho Phó Tổng thống Joe Biden đã nói rằng, tất cả những nhà kinh tế học mà ông từng nói chuyện đều có thái độ rất hốt hoảng.

Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất về các dự đoán kinh tế mới là chúng mang toàn màu hồng, có thể những dự đoán này đã quá xa vời với thực tế. Cả Goldman Sachs và J.P. Morgan dự đoán có những đợt tăng giá lớn trong quý 3 vào mùa hè năm nay, bởi họ đưa ra các giả định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đẩy nhanh các động thái nhằm ổn định hệ thống tài chính và Quốc hội sẽ sớm ban hành một gói kích thích tài chính khổng lồ khác.

Nhưng cuộc khủng hoảng có thể chưa kết thúc. Kế hoạch của chính phủ liên bang để chống lại đại dịch ước tính rằng nó có thể kéo dài 18 tháng và được chia thành nhiều đợt nhỏ, có khả năng chính phủ sẽ chỉ thực hiện các biện pháp tài chính khi có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế xuống dốc.

Và ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường, những chấn động kinh tế kết thúc thì theo Zandi, ít nhất vẫn có ba làn sóng lớn sẽ tác động đến hoạt động kinh tế của Mỹ. Làn sóng đầu tiên và đang xảy ra ngay bây giờ đó là các doanh nghiệp đóng cửa và nền kinh tế bị đình trệ và tiếp theo sẽ là tỷ lệ mất việc gia tăng.

Làn sóng thứ ba sẽ ập đến và tồi tệ hơn rất nhiều, đó là sự ảnh hưởng lớn đến những người đang đóng quỹ nghỉ hưu. Có khả năng quỹ hưu trí trong tương lai gần sẽ bị cạn kiệt và khi điều đó thực sự xảy ra, mọi người lập tức sẽ rất hoảng loạn và cắt giảm chi tiêu. Điều đó càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Các nhà kinh tế học cho rằng nếu có bất kỳ hy vọng nào trong viễn cảnh đen tối này thì đó là chính phủ liên bang có thể làm nhiều hơn để làm dịu nền kinh tế đang bị tổn thương bởi sự hoành hành của virus Corona.

Nền kinh tế có thể phục hồi nhanh như thế nào còn tùy thuộc vào thời gian mà các chính phủ sẽ hành động và sự cách ly trong xã hội kéo dài bao lâu.

Thùy Dung

Theo The Atlantic