Đại biểu Trần Du Lịch: Mua sân bay, cảng biển cần dùng "tiền thật"
(Dân trí) - Cho rằng chủ trương xã hội hóa sân bay, cảng biển, đường xá… là một chủ trương đúng, nhưng theo cảm nhận của đại biểu Trần Du Lịch “dường như 1 số doanh nghiệp trong nước muốn kiểm soát, quản lý các công trình đó không phải bằng nguồn lực thực, mà đi vay để mua lại”.<br><a href="http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhuong-quyen-san-bay-cang-bien-rat-can-nhung-phai-kiem-soat-1076422.htm"><b> >> Nhượng quyền sân bay, cảng biển: Rất cần, nhưng phải kiểm soát</b></a>
Không “bơm” vốn ngân hàng mua sân bay, cảng biển
Chiều nay 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015. Tại phiên thảo luận này, đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu TPHCM đã chia sẻ quan điểm trước câu chuyện nhượng quyền khai thác, xã hội hóa sân bay, cảng biển, đường xá…
Theo đánh giá của ông Lịch, “dường như 1 số doanh nghiệp trong nước muốn kiểm soát, quản lý các công trình đó không phải bằng nguồn lực thực, mà đi vay để mua lại”.
Ông Lịch cho rằng, chủ trương xã hội hóa sân bay, cảng biển, đường xá… là một chủ trương đúng, nhưng tiền mua sân bay, cảng biển đó phải là tiền thật của doanh nghiệp, chứ không thể là tiền đi vay từ các ngân hàng thương mại.
Bởi theo ông Lịch, nguồn tiền của ngân hàng là để giúp phát triển sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế chứ không phải dành cho 1-2 doanh nghiệp đi mua sân bay. Do đó, nếu gom tiền cho đối tượng doanh nghiệp này thì không thể có vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường khác.
“Vốn tín dụng là hữu hạn, cho số doanh nghiệp này vay mua cảng biển, sân bay thì làm sao giảm lãi suất xuống được. Anh này ôm hết thì anh khác nhịn. Tín dụng nhỏ lẻ tốt, nhưng tín dụng toàn bộ nền kinh tế lại đáng lo”, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn nói và kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát kỹ, dứt khoát không cho phép bơm vốn từ ngân hàng thương mại để doanh nghiệp mua lại sân bay, cảng biển.
Trước đó, trao đổi bên lề kỳ họp, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng: Chuyển nhượng quyền khai thác đường sá, sân bay, cảng biển… là giải pháp hay nhưng không được để tạo ra độc quyền, phát sinh gánh nặng cho người dân…
“Chủ trương không phải là bán hết cả các sân bay hay bến cảng mà phải chọn lọc, không phải công trình, vị trí nào cũng để nước ngoài khai thác được. Việc này cũng giống như giao quyền khai thác về tài nguyên vậy, không phải ai cũng được nhượng quyền và việc chuyển nhượng phải đảm bảo quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia”, ông Phúc nhấn mạnh.
Nền kinh tế đã thoát khỏi vùng suy thoái
Về tình hình thực hiện kinh tế 5 tháng đầu năm, theo đánh giá của các đại biểu, nền kinh tế của đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ số về kinh tế đang có chuyển biến tích cực.
Đại biểu Mai Xuân Hùng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) cho hay, báo cáo kinh tế của Chính phủ đã thể hiện đúng bản chất của nền kinh tế. Tái cấu trúc nền kinh tế đã đem lại kết quả nhất định, mặc dù tiến độ còn chậm (do yếu tố nguồn lực); cổ phần hóa doanh nghiệp tuy có đạt được một số vấn đề nhưng chưa cao…
Ông Lịch cũng đồng tình với những chỉ số kinh tế tích cực đưa ra trong báo cáo của Chính phủ như: tín dụng tăng trên 4%, cho thấy điểm nghẽn nợ xấu về tín dụng đã thông được phần nào; chỉ số lạm phát thấp tạo dư địa chính sách thuận lợi để thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa…
Dẫu vậy, ông Lịch lại bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng tái nhập siêu của nền kinh tế. Theo ông, đây là bệnh trầm kha từ cơ cấu kinh tế chứ không phải do chuyện điều hành.
Ông Lịch nói: “Chúng ta đặt ra cả một chương trình tái cấu trúc nền kinh tế đã 3 năm nay nhưng tới giờ “bệnh” vẫn chưa thể trị từ “gốc”, cũng chưa đưa ra được bài thuốc nào chữa bệnh hiệu nghiệm. Nếu căn bệnh từ gốc không được chữa trị dứt điểm thì những hệ lụy này cứ quay đi quay lại hoài, không giải quyết được. Nếu đầu tư tăng trở lại, kinh tế tăng trở lại thì chắc chắn nhập siêu sẽ nhanh, không thể thoát được”.
Theo chương trình của kỳ họp, ngày 8/6, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách tại hội trường. Chương trình được truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên sóng VTV1.
Nguyễn Hiền