Đại biểu Trần Du Lịch: Cần xem 2 năm tới nên làm gì
(Dân trí) - Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: Mặc dù bàn chính sách cho năm 2014 nhưng cũng cần có những chính sách cho phát triển trong năm 2015. Những mục tiêu của năm 2014 phải gắn luôn với năm 2015, có nghĩa là chúng ta phải xem 2 năm tới nên làm cái gì.
Đánh giá về báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (đại biểu tỉnh Khánh Hòa) cho rằng: Báo cáo của Chính phủ phản ánh khá sát thực tình hình thực tế hiện nay. Điểm đáng quan tâm là, trong những chỉ tiêu Quốc hội đưa ra thì Chính phủ thực hiện được 11 chỉ tiêu và về tổng quan là thực hiện được yêu cầu tổng quát mà Nghị quyết Quốc hội đề ra vào cuối năm 2012 cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là tăng trưởng cao hơn 2012 và lạm phát thấp hơn.
“Về năm sau, tôi cho rằng mục tiêu lạm phát khoảng 7% và tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8% là khả thi, hợp lý. Những chỉ tiêu này trong việc triển khai thực hiện kế hoạch cũng đã có nhiều tính toán và nhiều quan điểm khác nhau”,TS. Vũ Viết Ngoạn nói.
TS.Vũ Viết Ngoạn dẫn ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, mục tiêu 5,8% là quá tham vọng và sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng theo TS.Vũ Viết Ngoạn, việc duy trì tốc độ tăng trưởng 5,7 - 5,8% năm sau là hợp lý để góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài.
“Có tốc độ tăng trưởng như vậy thì các doanh nghiệp mới có điều kiện duy trì sản xuất và trong một chừng mực nhất định để tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất. Nếu hẹp hơn thì sẽ khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn tới khó khăn cho thu ngân sách và ảnh hưởng công ăn, việc làm và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là quá trình thực hiện phải đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách tạo tâm lý yên tâm ở trong và ngoài nước cho các nhà đầu tư. Chúng ta có tái cơ cấu cụ thể hơn, mang lại hiệu quả rõ ràng hơn thì mới nâng cao năng suất lao động, thì mới tránh được tình trạng tăng đầu tư dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Lúc đó, mới hấp dẫn được khu vực tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia vào, còn nhà nước chỉ bỏ vốn hỗ trợ trong lúc khó khăn”, TS. Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.
Góp ý cho Chính phủ, TS. Trần Du Lịch (đại biểu TPHCM) cho rằng: Chính phủ và các bộ, ngành cần có những giải pháp đột phá hơn để tháo gỡ được khó khăn cho nông nghiệp. Chúng ta phải chuyển được nền kinh tế gia công sang sản xuất, phải nghĩ tới sau năm 2015 khi mở cửa thị trường, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc xử lý triệt để những bất cập của nền kinh tế hiện nay.
“Quốc hội mặc dù bàn chính sách cho năm 2014 nhưng cũng cần có những chính sách cho phát triển trong năm 2015. Có nghĩa là phải tính cả chính sách cho 2 năm chứ không chỉ năm 2014. Tôi cũng muốn kiến nghị là những mục tiêu của năm 2014 phải gắn luôn với năm 2015, có nghĩa là chúng ta phải gắn với mục tiêu của kế hoạch 2 năm xem 2 năm tới nên làm cái gì”, TS.Trần Du Lịch đề xuất.
Còn theo đánh giá của TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đại biểu đoàn Thái Bình) thì: Nếu kiểm điểm về các mặt tồn tại, mặt khó khăn hiện nay thì báo cáo của Chính phủ nêu chưa tương xứng. Kết quả mà chúng ta đạt được là có, là kinh tế chúng ta đang phục hồi nhưng những khó khăn, tồn tại nói cũng chưa hết và thực tế cũng còn những yếu tố khó khăn hơn việc chúng ta đề cập
Đề cập tới việc Chính phủ xin nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP để đầu tư phát triển và trả nợ, TS.Kiêm cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay, khả năng để tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, theo tôi cần phải làm tích cực nhưng không phải làm vô giới hạn. Với yêu cầu chi rất lớn như hiện nay, giải pháp phát hành trái phiếu Chính phủ cũng như việc nâng bội chi ngân sách lên là cần thiết nhưng cần lưu ý, chỉ được phép làm khi chúng ta khai thác tất cả các nguồn thu có thể thu được và kiểm soát chặt chẽ nguồn chi”.
Trước đó, tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày trước Quốc hội, đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tuy nhiên nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Ngược lại, một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP, đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô. Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tạo việc làm mới 1,6 triệu người trong bối cảnh một số lượng không nhỏ doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; bổ sung các chỉ tiêu: tỷ lệ thất nghiệp chung của nền kinh tế; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Bài: Nguyễn Hiền
Ảnh: Việt Hưng