1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại biểu Quốc hội: Lãnh đạo bộ, ngành lấy tiền đâu đi xe sang 3.0?

(Dân trí) - Nói về tình trạng chi thường xuyên không đúng mức, đại biểu Ngô Văn Minh dẫn chứng, trong khi đại biểu chuyên trách của Quốc hội đều đi xe 1.8; 2.0 thì các bộ ngành toàn thấy đi xe 2.4 thậm chí 3.0. Đại biểu đặt câu hỏi: "Tiền ở đâu?"

Phát biểu tại lễ nhậm chức vào ngày 26/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta phải sử dụng có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”. Câu nói của Thủ tướng đã liên tục được các đại biểu Quốc hội nhắc đến trong phiên thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2014 diễn ra chiều nay (28/7).


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị phải có cơ quan công an, cảnh sát kinh tế vào cuộc để xử lý việc không chấp hành nghiêm quy định, pháp luật về ngân sách

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị phải có cơ quan công an, cảnh sát kinh tế vào cuộc để xử lý việc không chấp hành nghiêm quy định, pháp luật về ngân sách

Ai chịu trách nhiệm về các dự án "đầu tư lớn, tiến độ chậm, hiệu quả kém"?

Báo cáo về Kết quả kiểm toán Quyết toán NSNN năm 2014 tại hội trường chiều nay (28/7), ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phải ngao ngán nhận xét: "Dự toán chi thường xuyên vẫn lặp lại các sai sót đã được KTNN phát hiện trong những năm vừa qua".

Cụ thể, đó là tình trạng việc lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách hoặc số kiểm tra của Bộ Tài chính; lập dự toán chưa đầy đủ căn cứ và không sát thực tế; giao dự toán chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm; tính thiếu số trừ tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương, giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao; phân bổ dự toán nhưng không có nhiệm vụ chi; bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề thấp hơn mức Trung ương giao...

Góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải kiểm tra, "làm cho mạnh mẽ". Theo đó, bà Khánh cho rằng, "phải có sự phối hợp với cơ quan công an, cảnh sát kinh tế".

"Từ trước đến nay khi kiểm toán nêu vấn đề rồi Ủy ban Tài chính Ngân sách trình thông qua như thế nào thì các đại biểu Quốc hội đều đồng ý như vậy. Thế nhưng, tình trạng này cứ lặp đi lặp lại. Nếu luôn tái phạm như vậy thì phải có xử lý bằng pháp luật, phải có sự vào cuộc của các cơ quan điều tra kinh tế", bà Khánh nêu quan điểm.

Cho rằng, so với các báo cáo kiểm toán trước đây, báo cáo lần này đã nêu rõ các địa chỉ vi phạm, song vị đại biểu đề nghị, cần phải nâng thêm một bước nữa là giao cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra điều tra kỹ, khi cần thiết phải xem xét về mặt hình sự. Như vậy mới nâng cao hiệu lực giám sát tối cao của Quốc hội.

Trong khi đó, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề trách nhiệm liên quan đến những dự án chậm tiến độ, điều chỉnh lớn. "Như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông mấy năm rồi tăng vốn hơn 300 triệu USD ai chịu trách nhiệm? Bảo tàng thư viện không có ai vào, ký túc xá không ai ở, trường nghề không người học, nhà văn hoá không ai đến… đầu tư lớn nhưng chậm tiến độ, hiệu quả sử dụng kém…. Phải làm rõ những vấn đề này".

Bên cạnh đó, đề cập đến tình trạng chi thường xuyên tăng 2,7% so với dự toán trong năm 2014, ông Minh cho rằng, hầu hết là do các bộ ngành chi không đúng định mức.

Dẫn chứng về việc quản lý sử dụng xe công, ông Minh đã làm phép so sánh: "Trong khi đại biểu chuyên trách của Quốc hội đều đi xe 1.8; 2.0 nhưng các bộ ngành toàn thấy đi xe 2.4 thậm chí 3.0. Tiền ở đâu?". Vấn đề này, ông Minh cho rằng, KTNN phải vào cuộc làm rõ.

Đại biểu Ngô Văn Minh: Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, còn rút kinh nghiệm cái gì nữa?
Đại biểu Ngô Văn Minh: "Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, còn rút kinh nghiệm cái gì nữa?"

Chi ngân sách theo kiểu "tiền trảm hậu tấu"

Ngoài ra, báo cáo của ông Phớc trước Quốc hội cũng cho hay, theo Báo cáo của Chính phủ, trong tổng số quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 còn có 26.169 tỷ đồng vốn ngoài nước giải ngân vượt dự toán nhưng chưa có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Như vậy, quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 còn có 26.169 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán. Cơ quan kiểm toán đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định bổ sung dự toán, quyết toán NSNN năm 2014 số tiền này.

Cho ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Ngô Văn Minh (tỉnh Quảng Nam) đánh giá, đây là một việc làm "tiền trảm hậu tấu", sai pháp luật, không đúng quy định, không đúng với Nghị quyết Quốc hội.

"26.169 tỷ đồng chi vượt dự toán bội chi ngân sách. UBTCNS nêu và đề nghị Quốc hội chấp thuận đưa vào dự toán và quyết toán. Tôi nghĩ kiểu này là không được! Đây không chỉ là kỷ cương kỷ luật mà còn là chấp hành pháp luật không nghiêm, phải làm rõ vấn đề này", ông Minh nói một cách gay gắt.

Vị đại biểu không khỏi bức xúc nói: "Tôi nhớ năm nào báo cáo cũng có những khoản này và rồi lại đề nghị rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, còn rút kinh nghiệm cái gì nữa? Phải làm rõ trách nhiệm việc này, báo cáo của Chính phủ phải giải trình đầy đủ chứ không phải cứ nêu đề nghị rồi rút kinh nghiệm kỳ sau."

"Vẫn có tâm lý là chuyện đã rồi, hợp thức hoá chi tiêu. Giờ tôi đề nghị phải làm sao cho đúng luật, đúng tinh thần của Thủ tướng vừa nhậm chức là phải tiết kiệm sử dụng đúng mục đích, chắt chiu từng đồng thuế của dân", ông Minh nhấn mạnh.

Cũng góp ý kiến về các vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, qua kiểm toán đã cho thấy trong thực hiện thu chi ngân sách Nhà nước năm 2014 có những con số sai sót rất lớn.

"Chính phủ, Quốc hội cần phải nhìn nhận lại việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện kỷ luật, kỷ cương của pháp luật về vấn đề ngân sách trong thời gian tới", vị đại biểu đề nghị.

Thậm chí, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ trước nghị trường: "Lần này tôi sẽ thông qua nhưng nếu như vẫn lặp lại tình trạng trên thì trong lần tới tôi sẽ không bấm nút thông qua!".

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm