1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại biểu Quốc hội: Không chỉ Vietnam Airlines cần hỗ trợ

Trần Kháng

(Dân trí) - Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, ngành hàng không của Việt Nam rất cần sự hỗ trợ không chỉ đối với Vietnam Airlines mà phải hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 26/6, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135 của Quốc hội đối với gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2022 cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam Airlines (Vietnam Airlines).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình vận tải quốc tế, du lịch quốc tế và nhiều hãng hàng không trên thế giới đã rơi vào khủng hoảng. Doanh thu của Vietnam Airlines giảm sút một cách nghiêm trọng và do đó năm 2020, doanh nghiệp hàng không này đã lỗ 8.743 tỷ đồng.

Trước tình hình này, khả năng hãng sẽ mất khả năng thanh toán và có thể bị hủy niêm yết và ảnh hưởng đến nguồn vốn của Nhà nước tham gia trong Việt Nam Airlines, hiện nay mức vốn nhà nước tham gia ở đây khoảng 19.000 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã đồng ý theo Tờ trình của Chính phủ và cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn, gia hạn không quá 2 lần.

Tuy nhiên, đến năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục phát triển phức tạp và gây hậu quả nặng nề ở Việt Nam thì Việt Nam Airlines tiếp tục lỗ nặng trên 11.800 tỷ đồng và năm 2022 lỗ tiếp là 8.841 tỷ đồng, mặc dù kế hoạch đưa ra lỗ chỉ 35 tỷ đồng và năm 2023 kế hoạch dự kiến là lãi nhưng cuối cùng tiếp tục lỗ 4.789 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội: Không chỉ Vietnam Airlines cần hỗ trợ - 1

Ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TPHCM (Ảnh: Quochoi.vn).

Như vậy, theo ông Ngân, qua 4 năm thì Vietnam Airlines lỗ trên 32.000 tỷ đồng. Do đó, so với vốn chủ sở hữu khoảng 22.000 tỷ đồng thì Vietnam Airlines tiếp tục âm trên 8.000 tỷ đồng. Ông đề nghị Quốc hội cho gia hạn nợ không quá 3 lần và như vậy là trong 5 năm để bảo vệ thương hiệu quốc gia và đặc biệt là vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines. 

Để có một giải pháp căn cơ để đảm bảo sự phát triển bền vững của hãng trong thời gian tới, ông Ngân đề nghị với Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn cũng như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phải tái cơ cấu lại nợ và trong đó chúng ta phải giảm nợ ngắn hạn. Giảm nợ ngắn hạn bằng cách gì? Là chúng ta phải tiếp tục tạo điều kiện cho hãng tăng vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu.

Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, ngành hàng không của Việt Nam rất cần sự hỗ trợ không chỉ đối với Vietnam Airlines mà phải hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

"Chúng ta cần xem xét đến gói tái cấp vốn cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nhưng các tập đoàn đó phải có tài sản thế chấp và có phương án kinh doanh hiệu quả. Chúng ta chỉ tái cấp vốn với lãi suất thấp", ông Ngân nhấn mạnh thêm.

Về nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, trong bối cảnh âm vốn chủ sở hữu và lũy kế tăng rất lớn, Vietnam Airlines cần có các giải pháp tổng thể để đảm bảo vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.

"Tôi nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là giải pháp ngắn hạn giúp cho Tổng công ty tạm thời có dòng tiền ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời gian ngắn", bà Ngọc nói.

Về giải pháp dài hạn, bà đề nghị cần có các giải pháp tái cơ cấu tài chính nguồn vốn, tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên mới là các giải pháp căn cơ, giải quyết được 2 mục tiêu cho hãng, đó là vừa có dòng tiền để xử lý thâm hụt dòng tiền, vừa có thu nhập để xử lý vấn đề âm vốn chủ sở hữu.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đồng ý nên tái cấp vốn cho Vietnam Airlines với 4000 tỷ đồng đợt này. Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, cần yêu cầu Vietnam Airlines có một kế hoạch về việc sẽ tái cấu trúc, đảm bảo 5 năm tới không phải đề nghị Quốc hội xin tái cấp vốn một lần nữa.

Đối với phương án tiếp tục gia hạn nợ khoảng 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn của Vietnam Airlines, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong lúc khó khăn, Quốc hội đã có chủ trương theo Nghị quyết 135 cho 2 nội dung, một nội dung là cho vay tái cấp vốn vì thuộc Luật Các tổ chức tín dụng, do đó phải được Quốc hội đồng tình và phát hành cổ phiếu thông qua SCIC, 2 gói hỗ trợ này cũng giúp rất nhiều.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng có cải thiện tình hình, năm 2024 hoạt động kinh doanh có lãi, tuy nhiên cũng tiếp tục hỗ trợ cho Vietnam Airlines.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ tiếp thu ý kiến, sẽ tiếp tục chỉ đạo Vietnam Airlines, Ủy ban Quản lý vốn và các cơ quan có liên quan phê duyệt đề án này và một số các nội dung còn lại phải xây dựng các phương án thực sự khả thi, hiệu quả.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm