Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm: Nên sớm áp dụng Luật Thuế tài sản

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, năm nay dù khó khăn, Chính phủ cũng không cần thiết phải xin điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP. Tuy nhiên, ông đề nghị phải mở rộng nguồn thu như xây dựng Luật Thuế tài sản và cắt giảm chi tiêu và các chính sách ưu đãi thuế đang tràn lan.


ĐBQH Hoàng Quang Hàm: Thuế tài sản nên trở thành một nguồn thu chính. Ảnh: VOV

ĐBQH Hoàng Quang Hàm: Thuế tài sản nên trở thành một nguồn thu chính. Ảnh: VOV

Không điều chỉnh GDP nhưng cần điều hành linh hoạt

Theo ông, Chính phủ có cần đề xuất với Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP?

-Chỉ tiêu GDP phấn đấu năm nay là cao. Đó là nhiệm vụ do Quốc hội đã đặt ra, nếu khó khăn thì có thể điều chỉnh nhưng tôi cho rằng, không điều chỉnh cũng không sao. Trong thực tế, đặt ra chỉ tiêu GDP là để phấn đấu nhưng thu hay chi, vay và trả nợ đều bằng tiền thật thì không nên neo vào một GDP phấn đấu được mà phải có phương án khác với các con số thật đó.

Tôi nghĩ là hiện nay Chính phủ đang điều hành, kiểm soát chủ yếu theo số tuyệt đối. Chính phủ thyowngf báo cáo bằng số dự toán về bội chi thôi nhưng khi quyết toán chưa biết thế nào. Nếu chỉ giữ được số đấy, khi GDP không đạt thì chắc chắn tỷ lệ nợ công lại tăng. Do đó, các trường hợp này phải có phương án dự phòng. Trong trường hợp này, GDP không đạt thì phải cắt giảm chi tương ứng. Việc điều hành phải linh hoạt như khi thấy GDP có thể không đạt thì phải có phương án cắt giảm chi tiêu. Cái này cũng khó vì chi theo dự toán rồi, nhưng có thể khi lên kế hoạch chi thì nên theo thứ tự ưu tiên để khi không đủ nguồn thu thì phải cắt đi.

Ở cuộc họp tổ vừa rồi, khi phát biểu, ông tỏ ra rất lo lắng về vấn đề kiểm soát nợ công. Theo ông, để nợ công trong giới hạn mà Quốc hội đã yêu cầu thì phải có giải pháp gì?

-Nợ công rõ ràng đang tiến đến dần mức trần mà Quốc hội đã nêu trong Nghị quyết (65%), trong khi chúng ta còn tới 4 năm nữa. Để kiểm soát nợ công thì giải pháp quan trọng là giảm chi và mở rộng cơ sở thu, siết, cắt giảm ưu đãi thuế hiện nay đang tràn lan.

Muốn tăng thu, phải đánh thuế tài sản

Ông thấy khả năng tăng thu hiện nay còn nhiều không?

-Trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm là phải mở rộng cơ sở thu. Thì có nhiều cách, như đánh thuế tài sản rộng rãi toàn xã hội. Ai có tài sản thì phải nộp. Đây là chính sách thuế rất hợp lý mà nhiều nước phát triển hiện nay họ áp dụng và là một trong những nguồn thu chủ yếu. Ở ta, tuy đã nêu ra nhưng vướng về tư duy nên chưa thực hện. Đây là một luật mới tinh, chắc chắn gặp nhiều ý kiến trái chiều nhưng rất cần phải quyết liệt làm.

Luật này rất hợp lý ở chỗ có tính chất phân phối thu nhập cao, cứ ai có tài sản thì nộp, càng nhiều tài sản càng phải nộp nhiều. Khi phát biểu thảo luận ở tổ tôi cũng nói rằng, cần đưa ngay vào chương trình xây dựng luật năm 2018.

Trong 5 năm tới, rủi ro kế hoạch thu là lớn nên phải cải cách, mở rộng cơ sở thu thuế. Việc đưa luật này vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội là rất cần thiết.

Nhưng chỉ Luật Thuế tài sản là không đủ, thưa ông?

-Để mở rộng cơ sở thu thì ngoài thuế tài sản thì cũng cần siết lại các diện ưu đãi thuế. Ưu đãi thuế hiện nay thì tổ chức Oxfram có đánh giá là Việt Nam đang tạo ra hiệu ứng là kéo nhau cùng xuống đáy vì rất nhiều ưu đãi, ưu đãi tràn lan.

Nhưng có vẻ như, ngành thuế cũng đã chuẩn bị cho việc đẩy mạnh tăng thu rồi. Nhưng có loại thuế định điều chỉnh tăng cao lại gặp phản ứng khá mạnh từ người dân như dự kiến tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ 5000-8000 đồng/lít?

-Việc điều chỉnh có nguồn thu thuế BVMT nếu phù hợp với lộ trình thì đương nhiên phải điều chỉnh. Nhưng tôi nghĩ Bộ Tài chính không phải điều chỉnh thu vì hụt thu. Mặc dù Tờ trình của Bộ về việc này có ý nói để tăng thu nhưng đó chỉ là một mục tiêu còn mục tiêu chung cũng là hợp lý vì là để BVMT. Tuy nhiên, tôi chưa nghiên cứu kỹ xem mức tăng có hợp lý không.

Vấn đề là người dân chỉ thấy có ý về tăng thu thôi còn thực tế thu từ khoản thuế này không dành nhiều cho cải thiện môi trường. Theo ông, có nên thay cách gọi loại thuế này bằng cái tên khác?

-Thực ra, để BVMT thì có những khoản chi trực tiếp và gián tiếp. BVMT không chỉ có xử lý nguồn nước, không khí, xe chở rác...mà còn có các khoản chi như đầu tư cho công nghệ, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn. Tuy tên loại thuế đó là như vậy nhưng trong Luật Ngân sách Nhà nước thì cũng không phải tách bạch ra hết. Như tạo ra một khoản thu thì sẽ đua vào ngân sách rồi chi theo dự toán. Còn tách bạch ra là cả vấn đề nên có khi cũng không rõ được khoản này chi cho môi trường bao nhiêu. Có rất nhiều thứ nên khoản thu thuế BVMT khó đánh giá là cao hay thấp.

Còn để giảm chi, hiện nay, người dân đều thấy là chi thường xuyên, chi khánh tiết, hội nghị, kỷ niệm, chi mua sắm công của các bộ, ngành địa phương còn lãng phí, thất thoát nhiều. Theo ông có cơ sở giảm chi nhiều không để giảm bớt gánh nặng nợ công?

-Có những câu chuyện đó nhưng chúng ta nên nhìn tổng thế. Tôi nghĩ là có cắt giảm được các khoản đó thì cũng không lớn đến mức giảm được nhiều bội chi, nợ công. Vì một điểm % nợ công nó cũng nhiều tiền lắm. Mình tiết kiệm, cắt giảm 10% chi thường xuyên cũng có được bao nhiêu đâu, như năm 2016 cũng chỉ giảm được 82 tỷ đồng thì phải, cũng giải quyết được gì đâu?

Một số nơi cũng có chuyện chi tiêu lễ tiết lớn nhưng đó cũng chỉ là một số thôi và tôi cho là cũng không nên đặt vấn đề quá nặng nề.

Tiết kiệm chi, cắt giảm là đúng rồi nhưng đặt vấn đề là việc cắt giảm đó để đáp ứng giảm bội chi, giảm nợ công thì không đủ. Nhưng cắt giảm nhiệm vụ chi rải rộng thì có thể. Tôi nghĩ là phải xem lại các chính sách ưu đãi thuế và tăng cường chống chuyển giá, chống thất thu. Hiện nay, việc chống chuyển giá theo tôi ta tuy đã làm nhưng chưa triệt để.

Mạnh Quân (thực hiện)