1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại biểu QH Nguyễn Sỹ Cương: Thuốc lá nhập lậu phải là hàng cấm

Liên quan đến việc thí điểm cho “bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng” mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đã có trao đổi với báo giới.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương

PV: Trước ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu theo hướng, “đối với thuốc lá nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng, thực hiện thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất”, ông đánh giá thế nào?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Việc thực hiện thí điểm này có nhiều điểm không phù hợp với những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định khác của pháp luật hiện hành. Bởi luật nghiêm cấm các hành vi mua bán thuốc lá nhập lậu. Quy định xử lý hình sự với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá nhập lậu của pháp luật hiện tại đang từ 1.500 bao xuống còn 500 bao trở lên đã phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc hợp pháp hóa thuốc lá nhập lậu đang bị tiêu hủy và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật để bán đấu giá tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất là không phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và cam kết quốc tế.

Hơn nữa, tương quan với thuốc lá điếu nhập khẩu để tiêu thụ trong nước, thuốc lá nhập lậu khó có thể đáp ứng tối thiểu 6 quy định về: ghi nhãn, in cảnh báo, dán tem, in mã số mã vạch, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu…., từ đó tạo ra sự bất bình đẳng đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá hợp pháp trong nước. Cho phép bán đấu giá còn tạo kẽ hở pháp luật cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá đang ngày một gia tăng.

Nếu hợp pháp thuốc lá ngoại nhập lậu, thì câu chuyện tránh thất thu thuế trong quản lý được đặt ra như thế nào?

Việc tổ chức bán đấu giá thuốc lá nhập lậu để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất trái với ngay chính Nghị định của 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng hóa cấm lưu hành, cấm sử dụng, nay lại cho bán đấu giá để tiêu thụ nội địa và tái xuất. Đây cũng không phải là tài sản đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016, nên việc thực hiện thí điểm này là không tuân thủ quy định của pháp luật.

Khi đấu giá để tiêu thụ trong nước, sản lượng thuốc lá điếu trong nước sẽ gia tăng không hề nhỏ. Vấn đề đặt ra là thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu có được tính giá khởi điểm bao gồm các loại thuế, quỹ rất cao như thuốc lá trong nước và thuốc lá nhập khẩu không (thuế nhập khẩu 135%, thuế TTĐB 70%, khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 1,5%)?

Nếu không tính toán bất cập về mặt pháp lý và độ chênh lệch rất lớn giữa thuốc lá nhập lậu và thuốc lá hợp pháp trong nước thì ngân sách nhà nước cũng sẽ bị thất thu đáng kể (khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm) và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Tình trạng buôn thuốc lá ngoại nhập lậu luôn diễn ra nhức nhối

Tình trạng buôn thuốc lá ngoại nhập lậu luôn diễn ra nhức nhối

Theo ông, cho tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu có ảnh hưởng tới công tác chống buôn lậu không?

Như tôi đã đề cập ở trên, việc đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu để tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật rất nguy hiểm, là cơ hội cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa toàn bộ thuốc lá nhập lậu thành thuốc lá hợp pháp để tiêu thụ nội địa, qua mặt các cơ quan chức năng, gây lũng đoạn thị trường, đồng thời Nhà nước sẽ không kiểm soát được thuốc lậu. Nguy cơ thuốc lậu sẽ tăng nhanh, và thất thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, với những loại thuốc lá đang được nhập lậu phổ biến hiện nay, do không in cảnh báo sức khỏe, nơi sản xuất, hạn sử dụng và không xác nhận được chất lượng, các loại thuốc lá nhập lậu này sẽ không đáp ứng các điều kiện để được nhập khẩu vào bất cứ quốc gia nào, nên tái xuất sẽ làm tăng nguy cơ tái thẩm lậu, dẫn đến vô hiệu hóa công sức chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.

Do vậy, tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định tiêu hủy 100% thuốc lá lậu như quy định của pháp luật hiện nay và cũng phù hợp với cam kết quốc tế, không nên quy định thực hiện thí điểm đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất để tránh các bất cập pháp lý và hệ lụy cho ngành, xã hội.

Tại Điều 190, 191 Dự thảo sửa đổi Luật Hình sự 2015 đã bổ sung quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định này mâu thuẫn với Luật Đầu tư. Cá nhân ông thấy thế nào?

Tôi đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và cho rằng các quy định này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau với các lý do sau:

Dự thảo Bộ luật Hình sự và Luật Đầu tư đều quy định về các vấn đề có liên quan tới cấm kinh doanh nhưng lại là các vấn đề khác nhau. Theo đó, Luật Đầu tư quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Còn dự thảo Bộ luật Hình sự quy định về hàng cấm, ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh không đồng nhất với hàng hóa cấm kinh doanh, cấm lưu hành sử dụng, không thể lấy lý do vì ngành nghề cấm kinh doanh không đề cập đến một loại hàng hóa nào đó để lập luận rằng hàng hóa đó không phải hàng cấm.

Dự thảo Bộ luật Hình sự quy định về hàng cấm với nội dung khác với quy định ngành nghề cấm kinh doanh của Luật Đầu tư nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh.

Đáng chú ý, trong khi quy định của Luật Đầu tư còn dẫn đến các cách hiểu khác nhau thì Luật Thương mại hiện hành khẳng định rõ “thuốc lá điếu, cigar và các dạng thuốc lá thành phẩm khác có nguồn gốc nhập lậu là mặt hàng cấm kinh doanh”. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng quy định nghiêm cấm việc mua, bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu...

Thu Uyên