Đại biểu chỉ ra 3 nguyên nhân tạo nên "cú sốc" trong hoá đơn điện

(Dân trí) - Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh giá điện rơi vào thời điểm khí hậu nóng khiến người dân cùng lúc chịu nhiều áp lực: một là giá điện tăng 8,36%, hai là điện sử dụng nhiều hơn, ba là bậc thang tính giá điện sinh hoạt, dùng càng nhiều giá điện càng cao.

Đại biểu chỉ ra 3 nguyên nhân tạo nên cú sốc trong hoá đơn điện - 1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng nên giảm số bậc thang trong biểu giá điện.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018.

Đáng lưu ý, liên quan tới điều hành giá điện đang gây nóng dư luận thời gian qua, thảo luận tại tổ TPHCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: "Sáng đọc báo cáo của Bộ trưởng Công Thương, tôi chia sẻ với báo cáo đó, nhưng tôi có một vấn đề không đồng tình là các bậc thang tính giá điện sinh hoạt".

Theo ông Ngân, hiện Nhật Bản có biểu giá điện chia làm 3 bậc thang, Hàn Quốc 3 bậc, Malaysia 5 bậc, Indonesia 5 bậc nhưng Việt Nam lại chia thành 6 bậc. Đặc biệt, với Việt Nam, bậc thang thứ 1 từ 1-50kWh quá thấp, bậc 2 cũng chỉ từ 51 đến 100kw để hưởng mức giá 1.678 đồng/kw.

"Tôi nghĩ nên hợp nhất 2 bậc một, bậc 1 từ 0 đến 100kWh, rồi 101 đến 300, tức là ghép bậc 3-4 lại vì nhu cầu sử dụng điện tăng lên. Thu nhập Việt Nam tăng lên, các điều kiện sinh hoạt để phục vụ đời sống tăng lên thì định mức thang bậc cũng phải thay đổi. Có như vậy việc tăng giá điện mới không ảnh hưởng đến đời sống", ông nói.

Chia sẻ thêm về nội dung này bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc điều chỉnh giá điện rơi vào thời điểm khí hậu nóng khiến người dân cùng lúc chịu nhiều áp lực: một là giá điện tăng 8,36%, hai là điện sử dụng nhiều hơn, ba là bậc thang tính giá điện sinh hoạt, dùng càng nhiều giá điện càng cao.

"Đó là những điều gây nên những cú sốc trong hóa đơn tiền điện thời gian qua. Chính phủ đã lập các đoàn thanh tra và ngành điện cũng đã có giải thích", ông Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Phú Quốc thì cho rằng, giá bán lẻ điện tăng kéo theo áp lực tăng giá một số mặt hàng như nguyên vật liêu xây dựng, các mặt hàng tiêu dùng...

"Khá lo ngại về mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay. Năm 2018 ta kiểm soát lạm phát tốt vì giá dầu thế giời giảm nhưng năm nay giá dầu xu hướng tăng, chúng tôi từ đó lo lắng. Do đó, đề nghị Chính phủ có kịch bản điều hành. Nếu giá dầu thế giới tăng trong nước phải theo, theo đó, ta phải bình ổn giá một số mặt hàng lại", ông Quốc nói.

Còn theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), việc tăng giảm giá điện là bình thường nhưng làm sao tránh bức xúc dư luận là cần thiết. "Thời gian qua, nếu ta có những bước tuyên truyền phổ biến, đưa thông tin chính sách hợp lý thì chắc không có bức xúc dư luận như thế", bà Mai nói.

Ông Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, cần làm rõ hơn về cơ chế tính giá điện để người dân yên tâm, thậm chí cần Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để xem giá điện và xăng dầu có đúng hay không.

"Cử tri không biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh với giá cả khác thì việc tăng của mặt hàng này chưa phù hợp. Nếu kiểm toán vào trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch bởi quan trọng nhất là lòng tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả", ông Nguyễn Hữu Cầu nói.

Liên quan tới giá điện, trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội trước đó, Chính phủ khẳng định, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3 và cả năm nhằm đảm bảo CPI 2019 trong khoảng 3,3-3,9% (thấp hơn mức 4% chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua).

Về việc thay đổi thang bậc tính giá điện, Chính phủ cho rằng điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Bậc giá nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các nhà kinh tế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện.

Cơ quan này cũng sẽ đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt tác động đến các nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ chính sách, hộ nghèo theo quy định.

Phương Dung