Đại án VNCB: Chiếc "bánh vẽ" mang tên... bất động sản

(Dân trí) - Sau khi nắm quyền điều hành Trust Bank, bà Hứa Thị Phấn cùng với nhóm Phú Mỹ đã liên tục nâng giá khống nhiều dự án bất động sản nhằm bòn rút Trust Bank. Không những thế, trong quá trình giải ngân, nhóm này còn chiếm giữ và sử dụng số tiền lên đến vài ngàn tỷ đồng sau đó lại vu khống cho một nhóm khác để né tránh trách nhiệm.

“Rút ruột” rồi vu khống

Theo điều tra, bà Hứa Thị Phấn cùng với nhóm Phú Mỹ thông qua Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank, tiền thân của Ngân hàng xây dựng) đã chiếm giữ và sử dụng một phần tiền trong tổng số 9.444 tỷ đồng dư nợ gốc của nhóm Phương Trang, sau khi Trusk Bank giải ngân.

Cụ thể, theo biên bản đối chiếu nợ vay của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Phương Trang ngày 18/12/2014 cùng với biên bản làm việc giữa hai bên ngày 19/10/2015 đều xác nhận, nhóm Phương Trang chỉ nhận giải ngân 3.436 tỷ đồng. Trong khi đó, theo hồ sơ, sổ sách và chứng từ kế toán lưu tại VNCB, từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, Trust Bank đã giải ngân cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh tổng số tiền 16.486 tỷ đồng, bao gồm 83 khoản vay và 1 khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có 47 khoản vay và 1 khoản mua bán trái phiếu còn dư nợ gốc 9.437/9.469 tỷ đồng tổng số tiền đã giải ngân.

Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, nay là nhà hàng Thiên Vương Tửu được thổi giá từ khoảng 400 tỷ đồng lên hơn 1.200 tỷ đồng
Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, nay là nhà hàng Thiên Vương Tửu được thổi giá từ khoảng 400 tỷ đồng lên hơn 1.200 tỷ đồng

“Để thực hiện mục đích chiếm đoạt, nhóm Hứa Thị Phấn đã câu kết với Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT, Trần Nam Sơn, Tổng giám đốc, Ngô Kim Huệ, Phó Tổng giám đốc cùng một số cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Đại Tín để sử dụng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán ngụy tạo hồ sơ để ghi thêm thành dư nợ khống số tiền vài nghìn tỷ đồng cho Công ty Phương Trang”, nội dung đơn kiến nghị gửi Thủ tướng của ông Phạm Đăng Quan (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang) nêu rõ.

Cũng theo ông Quan, để “hợp thức hóa” khoản nợ khống này, nhóm bà Phấn, ông Toàn… đã vu khống và cho rằng “đây là số tiền Công ty Phương Trang vay nên phải trả nợ cho bà Hứa Thị Phấn”.

Không những thế, nhóm Phú Mỹ còn khẳng định rằng “nhóm Phương Trang vẫn đang khai thác tài sản thế chấp”. Tuy nhiên, đại diện của nhóm Phương Trang thì cho rằng thông tin trên là… hoàn toàn sai sự thật.

Lý giải điều này, nhóm Phương Trang cho biết, khối tài sản 9.924m2 đất tại phường Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức của Công ty TNHH TM DV Quang Thành (thành viên hợp tác của Phương Trang) đã bị UBND Q.Thủ Đức thu hồi giấy phép sửa chữa, cải tạo làm cửa hàng xăng dầu, sau khi VNCB (thời điểm đó là Ngân hàng Đại Tín) có công văn đề nghị quận ngăn chặn thay đổi tài sản do là tài sản thế chấp tại ngân hàng này.

Tạo nên hàng loạt dự án “bánh vẽ”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi “hạ màn” với nhóm Phương Trang, bà Hứa Thị Phấn cùng với nhóm Phú Mỹ đã dùng mọi cách thâu tóm Trust Bank, sau đó tạo dựng lên hàng loạt những dự án “bánh vẽ”, nâng khống giá bất động sản nhằm “rút ruột” Trust Bank.

Kết quả điều tra cho thấy, ngay sau khi lên nắm quyền điều hành Trust Bank, bà Phấn đã sử dụng ảnh hưởng của mình, nhờ 29 đối tượng đứng tên giúp, vay của Trust Bank số tiền lên tới 3.581 tỷ đồng. Tài sản thế chấp cho khoản vay phần lớn là những khoảnh đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè, TPHCM. Điều đáng nói là trong lần vay mượn này, những khoảnh đất dùng để thế chấp nếu quy ra giá thị trường vào thời điểm ấy chỉ khoảng 0,3 – 1 triệu đồng/m2 nhưng lại được Trust Bank định giá lên tới 8 - 32 triệu đồng/m2. Như vậy, bà Phấn đã tạo nên siêu phẩm là chiếc “bánh vẽ” mang tên bất động sản.


Ông Phạm Công Danh chết đứng vì chiếc bánh vẽ của người tiền nhiệm

Ông Phạm Công Danh "chết đứng" vì chiếc "bánh vẽ" của người tiền nhiệm

Trước đó, vào tháng 1/2008, bà Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TPHCM của ông Nguyễn Xuân Lai với giá 21.762,3 cây vàng SJC. Đến tháng 10/2008, bà Phấn bán lại căn nhà này cho Công ty Cổ phần Địa ốc Lam Giang (Công ty con do bà Phấn lập ra) với giá 25.000 cây vàng SJC (tương đương khoảng 425 tỷ đồng). Năm 2012, bà Phấn lại bán tiếp tài sản trên cho bên mua là Ngân hàng Đại Tín với giá là 1.260 tỷ đồng.

“Ngựa quen đường cũ”, bà Phấn tiếp tục sử dụng “chiêu thức” đã được tinh luyện để tiếp tục nâng khống giá bất động sản nhằm bòn rút Trust Bank. Điều đó được thể hiện rõ qua hợp đồng mua, bán nhà khi giá trị quyền sử dụng đất được nâng lên đến hơn 2 tỉ đồng/m2; trong khi giá đất (trọn đường) Phạm Ngọc Thạch, Quận 1 là 37,4 triệu đồng/m2 (theo Quyết định số 82/2011/QĐ-UBND ngày 18/12/2011 của UBND TPHCM).

Chưa dừng lại ở đó, bà Phấn cùng “chân rết” còn sử dụng “chiêu bài” tương tự để chiếm hữu thêm các căn nhà số 10 Lý Tự Trọng, 426 Nguyễn Thị Minh Khai hay nhà số 1 – 3 – 5 Cao Xuân Dục, Quận 8, TPHCM.

Việc nâng khống nhiều dự án bất động sản và “rút khô máu” Trust Bank của bà Hứa Thị Phấn cùng với nhóm Phú Mỹ đã khiến cho ngân hàng này bị “tê liệt” trầm trọng. Quá trình thực hiện chiến lược bòn rút Trust Bank của bà Phấn cũng làm cho ngân hàng được xem là triển vọng nhất miền Tây này ngày một suy yếu và lâm vào tình trạng khủng hoảng, không lối thoát. Đây cũng chính là cái bẫy được gài sẵn mà ông Phạm Công Danh khi “dẫm chân” vào thì không thể thoát ra và buộc lòng phải đi theo “vết xe đổ” của người “nhường ngôi”.

Đây cũng chính là một tình tiết rất quan trọng để nhóm luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh đề nghị HĐXX TAND TPHCM triệu tập bà Hứa Thị Phấn trong các phiên tòa xét xử vụ thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB.

Công Quang