Đặc sứ chuyên trách của Pháp “mách nước” để khởi nghiệp ở Việt Nam

(Dân trí) - Ông Philippe Varin - Đặc sứ chuyên trách các vấn đề quan hệ kinh tế của Pháp với các nước Đông Nam Á - ASEAN, cho biết, với kinh nghiệm hơn 50 năm kinh nghiệm là một nhà công nghiệp nhưng ông đã trải qua nhiều thất bại. Ông Philippe Varin khuyên các doanh nghiệp startup Việt Nam nếu thấy chông chênh khi khởi nghiệp thì nên dừng chân ngay, không nên đắm đuối quá rồi thất bại.

Những kinh nghiệm quý đã được ông Philippe Varin chia sẻ trong buổi giao lưu với những doanh nhân trẻ Việt Nam tại Toong, chiều qua (5/9), ở Hà Nội. Ông Philippe Varin là một trong những nhân vật có ảnh hưởng trong giới doanh nhân Pháp, ngoài cương vị là Đặc sứ chuyên trách thì ông còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đa quốc gia Areva (trị giá 2,5 tỷ Euro) chuyên về năng lượng hạt nhân và tái tạo, trước đó ông từng nắm giữ vị trí CEO của tập đoàn xe hơi danh tiếng PSA Peugeot Citroen (trị giá 10,9 tỷ Euro).

Ông Philippe Varin cho biết, tổng vốn đầu tư của Pháp vào Việt Nam hiện nay đã đạt 3,6 tỷ USD. Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Pháp đang có lợi thế nhiều hơn cho Việt Nam, bởi Việt Nam xuất khẩu sang Pháp nhiều hơn, xuất khẩu về những mặt hàng thế mạnh là nông lương, nguyên vật liệu… trong khi đó Pháp xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là máy móc, trang thiết bị.

Ông Philippe Varin (thứ 2 từ trái qua) là một nhà công nghiệp có ảnh hưởng ở Pháp
Ông Philippe Varin (thứ 2 từ trái qua) là một nhà công nghiệp có ảnh hưởng ở Pháp

Về phong trào startup, ông Philippe Varin đánh giá cao về sự năng động của các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương của Việt Nam. Dịch vụ là lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên nhiều nên các công ty startup chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ. Theo vị chuyên gia này, đây cũng là lĩnh vực các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm nên nếu có nhu cầu thì các công ty startup của Việt Nam có thể thông qua Đại sứ quán Pháp để kết nối với các doanh nghiệp Pháp.

Trên thực tế, tinh thần startup ở Việt Nam mới chỉ được khuyến khích trong vài năm trở lại đây, nhưng các doanh nghiệp trẻ vẫn còn rụt rè trong hành động vì sợ thất bại. Chia sẻ về vấn đề này, nhà công nghiệp Philippe Varin cho biết: “Nếu không gặp thất bại thì tôi đã không tồn tại được trong suốt hơn 50 năm qua”.

“Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế để rồi phải chuyển hoạt động kinh doanh từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Các bạn startup phải xác định luôn đứng trước nguy cơ thất bại, tỷ lệ khởi nghiệp thành công và thất bại là 50%, nhưng quan trọng nhất là chúng ta rút ra được bài học gì từ những thất bại này” - ông Philippe Varin nhấn mạnh.

Ông Philippe Varin cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp startup là nhà đầu tư vốn luôn hối thúc và họ ngại đầu tư vì lo sợ thất bại, vì thế các quyết định của các doanh nghiệp startup bị phụ thuộc vào nhà đầu tư vốn. Ở đây, cần có vườn ươm cho các doanh nghiệp startup để họ có cơ hội phát triển.

“Nếu thấy khởi nghiệp chông chênh và có nguy cơ thất bại thì chúng ta nên dừng chân ngay, không nên đắm đuối quá rồi thất bại” - nhà công nghiệp Philippe Varin khuyên các doanh nghiệp trẻ.

Buổi nói chuyện chiều 5/9 với các doanh nghiệp trẻ Việt Nam về phong trào khởi nghiệp hiện nay
Buổi nói chuyện chiều 5/9 với các doanh nghiệp trẻ Việt Nam về phong trào khởi nghiệp hiện nay

Cũng chia sẻ về những kinh nghiệm khởi nghiệp, các doanh nhân thành công của Pháp có mặt tại buổi giao lưu với các doanh nhân trẻ của Việt Nam đã nhấn mạnh đến các yếu tố cơ bản của starup.

Một doanh nhân đã và đang phát triển những ngành hàng thủ công và xa xỉ phẩm ở Việt Nam nhắc đến tiêu chí đầu tư với những doanh nghiệp startup thì phải có những sự khác biệt thì mới thu hút được khách hàng, phải tạo ra sự khác biệt và tìm được sự khác biệt để khai thác. Cùng đó, yếu tố về sinh lợi, hiệu suất và hiệu quả phải được chú trọng, phải xác định được những lĩnh vực sinh lời cao để đầu tư và thu hồi vốn, thu lợi nhuận.

Theo các doanh nghiệp Pháp, ở Việt Nam hiện việc đào tạo vẫn thiên về lý thuyết, trong khi đó xu thế của thị trường đòi hỏi phải có đi sâu vào thực tế kinh doanh. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp trẻ ở Việt Nam nhạy bén hơn với xu thế mới để đi vào thực tiễn thị trường, các doanh nghiệp trẻ rất năng động nên đã thu hút được các nhà đầu tư và họ đã thành công.

Châu Như Quỳnh