Thủ khoa với khởi nghiệp: “Đừng đốt cháy giai đoạn”

(Dân trí) - Luôn giữ cho mình khát khao, có “độ lì đòn” và đừng đốt cháy giai đoạn khi khởi nghiệp là những bài học mà các doanh nhân trẻ “truyền lửa”, dặn dò 100 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp 2016 trong buổi giao lưu cuối tuần qua.

Các doanh nhân Lê Vĩnh Sơn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị một công ty bình nước hàng đầu Việt Nam), Phạm Thị Thu Hằng (BCH Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam), Nguyễn Xuân Phú (Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP. Hà Nội) và Trần Quân (Sáng lập và giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch) đã chia sẻ cởi mở với 100 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trong chương trình “Thủ khoa với khởi nghiệp” diễn ra cuối tuần qua.

Từ câu chuyện thực tế của bản thân, các doanh nhân đã chia sẻ với thủ khoa những bài học, giá trị đầy thiết thực, bổ ích trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp.


Doanh nhân Vĩnh Sơn, bà Thu Hằng, anh Xuân Phú và Trần Quân chia sẻ về con đường khởi nghiệp nhiều kỷ niệm và thử thách với các bạn thủ khoa.

Doanh nhân Vĩnh Sơn, bà Thu Hằng, anh Xuân Phú và Trần Quân chia sẻ về con đường khởi nghiệp nhiều kỷ niệm và thử thách với các bạn thủ khoa.

Khởi nghiệp cái mình hiểu nhất, gần gũi nhất

Ngày bé, doanh nhân Xuân Phú thích Toán và mong muốn trở thành nhà Toán học. Tuy nhiên, đến năm lớp 12, khi bắt đầu chọn ngành, chọn trường đại học, thông qua sự quan sát đối với xung quanh, ước mơ của anh đã thay đổi. Đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa, tiếp xúc với những hình ảnh, thông tin trên vô tuyến truyền hình.

“Thấy cuộc sống của người nước ngoài sung túc, tiện nghi, tôi đặt ra câu hỏi: Tại sao nước mình lại khổ, lại nghèo vậy? Từ đó, tôi chọn trường kinh tế, ngành kinh tế để tìm câu trả lời”, anh Phú nói.

Sau này, khi học xong đại học, anh Phú đi làm nhiều công ty lớn trong nước nhưng vẫn không tìm được lời giải cho câu hỏi vẫn đau đáu của mình. Anh đã sang làm cho tập đoàn nước ngoài, sau đó mở nhà máy liên doanh với đối tác quốc tế.

Anh cho biết: “Quyết định ấy là sự trăn trở rất lâu của mình, vì giai đoạn đó, Việt Nam không sản xuất được gì, nhập toàn bộ mọi thứ. Trong người mình có cảm giác gọi là tự tôn dân tộc trỗi dậy, nên quyết tâm mở nhà máy sản xuất hàng hoá”.

Từ đó, anh Phú cho rằng, khi làm điều gì đó, các bạn trẻ hãy cảm nhận những khát khao, mong muốn thực sự của mình, đừng bị phân tâm bởi ý kiến người khác. “Khởi nghiệp là tạo ra một sản phẩm thuộc về thế mạnh của bạn, niềm yêu thích của bạn. Nếu bạn thích chơi game, hãy tạo ra game thật hay bán cho người ta. Thích gì làm cái đó, thì sẽ thành công”.

Cũng giống như anh Phú, doanh nhân Lê Vĩnh Sơn đề cao tính sở trường khi lựa chọn vấn đề khởi nghiệp. “Khi bắt tay kinh doanh, tôi đã đặt ra câu hỏi đâu là sở trường của mình, đâu là thứ mình yêu thích và muốn phát triển, từ đó mới định hướng con đường riêng bản thân sẽ theo đuổi. Hãy khởi nghiệp cái mình hiểu nhất, đừng chọn thứ xa xôi, không hiểu gì về nó. Khi chúng ta cố làm trái với sở trường thì thành sở đoản và dễ thất bại”.

Ngày trẻ, anh từng ao ước trở thành nhà quân sự, nhưng khi nhận ra ước mơ không phù hợp với thời đại, anh từ bỏ và tìm ra hướng đi thực sự phù hợp với tính cách mạnh mẽ, và sở thích “quân sự” của mình.

“Và nghề gia truyền kim khí đến với tôi rất tự nhiên theo như mong muốn bản thân. Kinh doanh đối với tôi là trò chơi, là những trận chiến đấu có áp dụng chiến thuật quân sự. Điều này khiến tôi cảm thấy hứng thú, vui vẻ nên cũng có được những thành công nhất định”, anh Sơn chia sẻ.

Phải “lì đòn”, có sự quyết tâm

Để có thể khởi nghiệp thành công, ngoài đam mê, ý tưởng khởi nghiệp tốt, Nguyễn Quân còn chú trọng đến “sự lì đòn”. Việc bán hàng của Nguyễn Quân nhiều thời điểm rơi vào trạng thái thua lỗ, nhưng không có nghĩa là chàng trai sinh năm 1989 sẽ dừng lại.

“Thậm chí mẹ tôi bảo cho 100 triệu đồng về cùng mẹ đi buôn, nhưng tôi từ chối. Nhiều người bảo rằng Thạc sĩ kinh tế mà đi bán cá, tôi cũng bỏ ngoài tai. Hay bố vợ tương lai khi ấy cũng thể hiện thái độ không ủng hộ, nhưng tôi đã phản biện và bảo vệ lập trường của mình đến cùng. So với ý chí và quyết tâm mở 1.000 cửa hàng của tôi, các ý kiến trái chiều, phản đối trở nên rất nhỏ và không đáng cho tôi lưu tâm”.

Sự quyết tâm ấy còn được Nguyễn Quân thể hiện ở quá trình tìm ra giải pháp để phát triển con đường kinh doanh của mình: ý tưởng đột phá. Những ngày doanh số sụt giảm, Quân nghĩ ra cách mổ cá ngừ và đạt được hiệu quả truyền thông rất cao. Danh tiếng và thương hiệu bán hải sản tươi sống của Quân đã dần được định hình trong lòng người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Quân còn liên tục đến những vùng cung cấp hải sản để hợp tác và công khai minh bạch hình ảnh, thông tin lên mạng để mọi người tin tưởng. Và sau một thời gian, hoạt động kinh doanh của Nguyễn Quân đã đạt được những thành công ban đầu.

Cách đây vài năm, công ty anh Sơn cũng từng khó khăn vì mất một số tiền lớn khi đầu tư vào bất động sản. Tưởng chừng như công ty phải đóng cửa, anh Sơn từng bước vực dậy bằng các chiến lược kinh doanh mới. Sau hơn 1.000 ngày ròng rã và đầy áp lực, mệt mỏi, anh đã đưa công ty ra khỏi “tình trạng” nguy hiểm.

“Khi thất bại, điều quan trọng là không bỏ cuộc. Mình phải xem sai lầm ở đâu và tìm ra cách giải quyết. Nếu chúng ta đủ kiên trì, nhẫn nại, thì thành công sẽ đến”, anh Sơn khẳng định.

Đừng đốt cháy giai đoạn

Theo anh Sơn, các bạn trẻ chưa vững nghề, chưa đủ kiến thức kĩ năng thì chưa nên mở công ty. Anh cho biết, tỉ lệ sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, đã vội mở công ty thất bại là rất cao.

“Thất bại đầu đời dễ trở thành nỗi ám ảnh cho chúng ta trong bước đường đời sau này, nên tôi mong các bạn hãy thận trọng và có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi bắt tay vào làm. Trong quá trình tôi điều hành doanh nghiệp, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thất bại ấy là cục bộ, không phải toàn cục”, anh Sơn tâm sự.

Anh cho rằng, sau khi tốt nghiệp đại học, các bạn trẻ nên cố gắng vào một doanh nghiệp làm việc, theo đúng lĩnh vực mình yêu thích và đừng toan tính, đòi hỏi cao về lương bổng. Theo anh, các bạn đừng để lợi ích nhỏ trước mắt ảnh hưởng đến lợi ích to lớn sau này. Khi đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, vốn liếng, người trẻ mới nên bắt tay khởi nghiệp.

Anh nhắn nhủ: “Chúng ta nghe nhiều tấm gương bạn trẻ thời sinh viên thành công khi mở công ty, nhà hàng, nhưng chẳng mấy chốc đã phải đóng cửa. Nên tôi nghĩ, các bạn đừng đốt cháy giai đoạn, làm hỏng cả tương lai sau này. Đừng lo mình bị trễ, các bạn cứ đi đúng quy trình thì sẽ thành công”.

Hoàng Dung